Lo rối loạn thị trường nếu nới lỏng điều kiện xuất nhập khẩu khí

23/09/2023 17:02 GMT+7

Nới lỏng thị trường nhập khẩu, không quy định thương nhân nhập khẩu phải có kho bồn chứa, thị trường chưa được quản lý chặt về gas lậu... là một số vấn đề được các doanh nghiệp kinh doanh khí và chuyên gia cảnh báo tại hội thảo "Góp ý đổi mới nghị định về quản lý Nhà nước trong lĩnh vực khí" được tổ chức tại TP.HCM chiều 22.9.

Quy định tránh cạnh tranh không lành mạnh

Hội thảo do Hiệp hội Gas Việt Nam tổ chức, góp ý dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 87/2018 của Chính phủ về kinh doanh khí. Hiện thị trường Việt Nam đang kinh doanh các sản phẩm khí: LPG (khí dầu mỏ hóa lỏng), LNG (khí thiên nhiên hóa lỏng), KTA (khí nhiều thành phần), CNG (khí nén tự nhiên). Theo nhiều đại biểu tham dự hội thảo, dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 87 về kinh doanh khí đang có một số quy định chưa phù hợp và cần sửa đổi, tránh cạnh tranh không lành mạnh, mất cân đối nguồn hàng.

Theo ông Trần Minh Loan - Phó chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam, thị trường đang có đến 30% sản phẩm gas có nguồn gốc từ sang chiết lậu. Chính việc đầu cơ, tích trữ gây rối loạn thị trường, gây mất bình đẳng trong kinh doanh cũng ảnh hưởng đến 30 - 40% sản lượng của các công ty. "Điều này cho thấy, vấn đề quản lý Nhà nước trong kiểm soát, kinh doanh khí trên thị trường còn nhiều sơ hở, khiến các cơ sở sang chiết gas lậu tung hoành; việc mua bán khí có nhiều bất cập, đẩy tình trạng sang chiết gas lậu, giả ngày càng nở rộ và khó kiểm soát”, ông Loan nhấn mạnh.

Lo rối loạn thị trường nếu nới lỏng điều kiện xuất nhập khẩu khí  - Ảnh 1.

Nhiều ý kiến cho rằng, một số quy định trong dự thảo nghị định về kinh doanh khí chưa phù hợp bối cảnh mới

N.N

Về phía doanh nghiệp, ông Trần Anh Khoa - Ban Nguồn và Phát triển thị trường thuộc Tổng công ty Khí Việt Nam (PVGAS) cho rằng, dự thảo nêu quy định quyền và nghĩa vụ đối với thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu khí là doanh nghiệp phải có cầu cảng hoặc hợp đồng thuê cầu cảng, có bồn chứa khí hoặc hợp đồng thuê bồn chứa khí... Nếu chiếu theo quy định này, hiện có rất nhiều thương nhân kinh doanh LPG có thể trở thành thương nhân xuất nhập khẩu LPG do không cần phải sở hữu cơ sở vật chất như cầu cảng, kho, hệ thống phân phối, trạm chiết nạp, chai LPG. Ngoài ra, việc thuê kho LPG đi kèm cầu cảng hiện nay khá dễ dàng.

Cần có quy định không mua bán vỏ chai khí không có xuất xứ...

Ông Khoa và một số doanh nghiệp tham gia hội thảo thông tin: Hiện nay có khoảng 47 thương nhân xuất nhập khẩu và sẽ có thêm nhiều thương nhân khác trong lĩnh vực khí. Điều này sẽ dẫn đến nguy cơ mất cân đối nguồn hàng trên thị trường và cạnh tranh không lành mạnh. Đối với việc kinh doanh khí, dự thảo cũng không quy định về công suất bồn chứa nên việc trở thành thương nhân đầu mối xuất nhập khẩu LNG sẽ dễ dàng hơn vì có thể thuê các bồn chứa nhỏ có dung tích khoảng 40 - 50m3 là được.

"Như vậy, thương nhân xuất nhập khẩu LNG không thể hiện được vai trò của thương nhân đầu mối cung cấp nguồn", ông Khoa băn khoăn và đề nghị thương nhân xuất nhập khẩu LPG, ngoài việc phải có bồn chứa, phải tham gia trực tiếp khâu kinh doanh bán chai có thương hiệu riêng và có hệ thống phân phối.

Bà Nguyễn Thị Nguyệt Dung - Giám đốc PV GAS LPG Miền Nam, đề nghị bổ sung quy định: "Không mua, bán LPG chai không có nguồn gốc xuất xứ, không phù hợp với hợp đồng đã ký với thương nhân kinh doanh LPG chai”. “Không thu gom, vận chuyển, chiếm giữ, mua bán các loại chai LPG của thương nhân không có hợp đồng với đại lý; không mua, bán các loại chai LPG đang lưu thông trên thị trường thuộc sở hữu của các thương nhân kinh doanh LPG chai”.

Theo bà Dung, sở dĩ cần thay đổi như vậy vì việc thu gom vỏ bình tại các đại lý đang có nhiều bất cập. Rất nhiều đại lý kinh doanh gas đang bị xử phạt sau khi gom “vỏ tạp” của khách để ở cửa hàng. Đây là vỏ bình của các thương nhân không có hợp đồng với đại lý và các đại lý đang tìm cách liên hệ với những thương nhân này để trả bình. Tuy nhiên, trong thời gian liên hệ trả bình thì bị xử phạt.

Bà Dung gợi ý: Những vi phạm trong kinh doanh gas cần được quy định rõ về mức độ xử phạt. Chẳng hạn, cửa hàng đang giữ dưới 10 bình thì xử phạt thế nào, từ 11 - 20 bình thì xử phạt ra sao. Không thể xử phạt 1 bình cũng giống 40 - 50 bình được. Như vậy sẽ gây khó khăn cho các đại lý khi họ tuyên truyền người tiêu dùng sử dụng các bình gas của thương nhân có hợp đồng và thu gom bình gas của các thương nhân không có hợp đồng.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.