Nguồn than nhập khẩu chủ yếu từ 2 thị trường Úc và Indonesia. Trong đó, Úc là thị trường cung cấp than lớn nhất của Việt Nam với 1,91 triệu tấn chỉ trong vòng 1 tháng, tăng gấp đôi về lượng và tăng gần 64% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Tương tự, lượng than nhập khẩu từ Indonesia trong tháng 1 đạt 1,65 triệu tấn với kim ngạch gần 144 triệu USD, tăng gấp 3,3 lần về lượng và tăng 167% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong nhóm hàng nhiên liệu gồm than đá, dầu thô, xăng dầu các loại và khí đốt hóa lỏng... nhập khẩu, ngoại trừ nhập khẩu xăng dầu các loại bị giảm cả về lượng và kim ngạch, 3 nhóm hàng còn lại đều tăng mạnh với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt nhóm các mặt hàng than tăng gấp 3,2 lần so cùng kỳ, kim ngạch tăng 2,5 lần.
Tính chung lượng nhập khẩu của nhóm hàng nhiên liệu trong tháng 1.2024 đạt 7,51 triệu tấn với tổng kim ngạch là 2,28 tỉ USD, tăng hơn 7% về lượng và tăng hơn 6% về trị giá so với tháng 12.2023 và tăng tới 90% về lượng và tăng 11,7% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.
Trước đó vào cuối năm 2023, Bộ Công thương ban hành Quyết định số 3111 phê duyệt biểu đồ cấp than cho sản xuất điện năm 2024. Theo đó, Bộ yêu cầu chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện than chịu trách nhiệm thu xếp 74,307 triệu tấn than để cấp cho sản xuất điện năm 2024. Trong đó, các nhà máy thiết kế sử dụng than nhập khẩu là hơn 26 triệu tấn.
Còn theo Quyết định 3110 về kế hoạch cung ứng điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2024 do Bộ Công thương ban hành, năm 2024, nhu cầu than cho phát điện tăng cao, nên lượng than nhập khẩu tăng cao. Kế hoạch nhiệt điện than đóng góp khoảng 159,3 tỉ kWh, nhiệt điện khí đóng góp 23,1 tỉ kWh.
Bình luận (0)