Lo thiếu hụt nhân lực ngành STEM

08/11/2024 06:06 GMT+7

Tại Dự thảo Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến 2050, Bộ GD-ĐT dự kiến tăng quy mô đào tạo khối STEM trên 1 triệu người học vào năm 2030. Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ người học các ngành STEM còn rất thấp.

Dự thảo Đề án đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao giai đoạn 2025 - 2035 và định hướng tới năm 2045 của Bộ GD-ĐT cũng hướng đến tỷ lệ người theo học các ngành STEM (Science - khoa học, Technology - công nghệ, Engineering - kỹ thuật, Mathematics - toán học) đến năm 2030 là 35% ở mỗi trình độ đào tạo.

SINH VIÊN THEO HỌC THẤP HƠN NHIỀU SO VỚI TRONG KHU VỰC

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, quy mô và tỷ lệ sinh viên (SV) ĐH theo học các lĩnh vực STEM thấp hơn so với một số nước trong khu vực và châu Âu, nhất là tỷ lệ nữ sinh và đặc biệt thấp với các ngành khoa học và toán.

Lo thiếu hụt nhân lực ngành STEM- Ảnh 1.

Số lượng sinh viên theo học ngành STEM của VN trong những năm trở lại đây đã tăng nhưng còn thấp so với nhiều nước

ẢNH: PHẠM HỮU

Cụ thể, tỷ lệ SV theo học các lĩnh vực STEM tính trên tổng số SV ĐH những năm gần đây dao động trong khoảng 27 - 30%, năm 2021 đạt xấp xỉ 28% (trên tổng số 2,1 triệu SV), tương đương Israel và mức trung bình trong khối EU, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với một số nước trong khu vực và châu Âu.

Chẳng hạn năm 2021, tỷ lệ này ở Singapore là 46%, Malaysia là 50%, Hàn Quốc 35%, Phần Lan 36%, Đức 39%. Bộ trưởng Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo Malaysia tuyên bố cần tăng tỷ lệ SV theo học ngành STEM lên 60% để tạo nguồn tài năng STEM làm xúc tác cho phát triển đất nước.

Riêng đối với các ngành khoa học tự nhiên và toán, tỷ lệ SV chỉ đạt xấp xỉ 1,5%, bằng 1/3 so với Phần Lan, 1/4 so với Hàn Quốc, 1/5 so với Singapore và Đức. Tính trên tổng số SV nhập học ĐH năm 2022, tỷ lệ nữ sinh theo học các lĩnh vực STEM của VN chỉ đạt xấp xỉ 6%, bằng 1/3 so với Singapore, 1/2 so với Hàn Quốc và Israel, 2/3 so với Đức và trung bình các nước châu Âu.

Vì thế, Bộ GD-ĐT dự kiến tăng quy mô đào tạo khối STEM đạt trên 1 triệu người học vào năm 2030. Trong đó, các ngành liên quan công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ số chiếm khoảng 60%.

CHƯA NHẬN THỨC ĐÚNG VỀ TẦM QUAN TRỌNG CỦA STEM

Lý giải về tỷ lệ SV học các ngành STEM trên toàn quốc còn thấp so với các nước trong khu vực, PGS-TS Nguyễn Hữu Hiếu, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng), cho rằng nguyên nhân quan trọng nhất là nhận thức về tầm quan trọng của các ngành STEM vẫn còn hạn chế. Nhiều học sinh và phụ huynh chưa hiểu rõ về tầm quan trọng và cơ hội nghề nghiệp của các ngành STEM.

"Các ngành kỹ thuật thường được đánh giá là khó và công việc sau khi ra trường được cho là vất vả so với các ngành học khác, kèm với đó một số ngành nghề có mức lương chưa tương xứng, nên đó cũng là lý do số lượng học sinh theo học chưa cao", PGS-TS Nguyễn Hữu Hiếu nhận định.

Tiến sĩ Võ Văn Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang, cũng cho rằng vẫn còn tồn tại định kiến một số ngành kỹ thuật hay công nghệ học khó, khô khan. "Một bạn trẻ có thể cảm thấy cơ hội việc làm trong các ngành STEM chưa đủ hấp dẫn hoặc chưa rõ ràng, dẫn đến sự lựa chọn các ngành khác. Bên cạnh đó, áp lực từ gia đình và xã hội có thể khiến thí sinh chọn những ngành an toàn hơn thay vì mạo hiểm theo đuổi các ngành STEM", tiến sĩ Tuấn chia sẻ.

Ngoài ra, theo ông Tuấn, chương trình giáo dục phổ thông hiện tại chưa chú trọng đủ vào các môn học STEM, cũng là nguyên nhân khiến học sinh không có đủ nền tảng và hứng thú với các lĩnh vực này.

"Môi trường học tập các cấp vẫn chưa có nhiều đầu tư cho các ngành học về STEM, bao gồm trình độ giáo viên và cơ sở vật chất. Theo định hướng của Chính phủ, chỉ trong vài năm gần đây việc đào tạo theo STEM mới được chú trọng và có những bước đầu cải thiện cả về nhân lực và nguồn lực đầu tư cho cơ sở vật chất, nhưng đâu đó vẫn chưa tương xứng và đáp ứng với yêu cầu của xã hội. Chính vì sự chưa tương xứng này nên chưa tạo ra nhiều hứng thú cho học sinh khi học các môn học STEM", PGS-TS Hiếu chỉ ra nguyên nhân tiếp theo.

Lo thiếu hụt nhân lực ngành STEM- Ảnh 2.

Bộ GD-ĐT dự kiến tăng quy mô đào tạo khối STEM đạt trên 1 triệu người học vào năm 2030

ẢNH: YẾN NHI


CẦN CÓ CHÍNH SÁCH ĐẦU TƯ, KHUYẾN KHÍCH NGƯỜI HỌC

Tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, số ngành học STEM chiếm 2/3 tổng số 61 chương trình đào tạo. Quy mô SV theo học những ngành này chiếm hơn 50%.

Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo của trường, thông tin: "Trong 2 - 3 năm gần đây, sự quan tâm của thí sinh về những ngành này có tăng lên. Đây là một tín hiệu tích cực. Để đạt được mục tiêu toàn quốc có 35% người học STEM ở mỗi trình độ đào tạo để phục vụ phát triển công nghệ cao, nhà nước cần có chính sách thu hút học sinh giỏi vào học như hỗ trợ học bổng, miễn giảm học phí. Cơ chế lương cũng phải thay đổi. Hiện chưa có cơ chế lương đặc thù cho những vị trí việc làm của các ngành STEM".

Tiến sĩ Nhân cũng đánh giá việc đầu tư ngân sách vào hệ thống các phòng thí nghiệm thuộc lĩnh vực khoa học cơ bản, bán dẫn phục vụ đào tạo vẫn còn yếu so với khu vực. "Chi phí đầu tư rất tốn kém, lên đến vài trăm tỉ đồng/phòng, nên ít trường ĐH nào tự đầu tư được. Kinh nghiệm các nước cho thấy ngoài đầu tư từ nhà nước thì doanh nghiệp sử dụng người lao động trong các ngành này cũng có chính sách đầu tư cho các cơ sở đào tạo", tiến sĩ Nhân cho hay.

Tiến sĩ Trần Đình Khôi Quốc, Trưởng ban Đào tạo ĐH Đà Nẵng, thừa nhận đào tạo STEM rất tốn kém, không chỉ đầu tư ban đầu mà chi phí duy trì vận hành thiết bị, vật tư tiêu hao hằng năm đều lớn. "Tuy nhiên, cái khó chủ yếu là nhu cầu tuyển dụng ở đầu ra nhiều hay ít, sẽ ảnh hưởng số SV đầu vào, từ đó quyết định đến định hướng mở ngành nghề đào tạo của các ĐH", tiến sĩ Quốc nhận định.

Để giảm gánh nặng chi phí đầu tư, PGS-TS Nguyễn Hữu Hiếu cho rằng các trường ĐH có thể xây dựng cơ sở hạ tầng cơ bản, trong khi các doanh nghiệp lớn có thể đóng góp vào các phòng thí nghiệm và hệ thống thực hành. "Chúng ta cũng có thể phát triển các chương trình học tập trực tuyến và thực tế ảo, mô phỏng trong STEM để giảm chi phí", PGS-TS Hiếu đề xuất.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.