Hai bức ảnh đoạt giải vàng quốc tế FIAP giống nhau (Vó đánh cá - Lý Hoàng Long và Một sáng mùa đông - Nguyễn Trọng Nghĩa) mà Thanh Niên thông tin trên số báo ra ngày 10.5 đã dấy lên nhiều ý kiến trái chiều trên các diễn đàn, mạng xã hội và giữa những người hoạt động nhiếp ảnh.
Các ảnh giống nhau của Phạm Tỵ, Trần Nhật Quang
|
“Trùng lặp trong sáng tác là bình thường”
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Trọng Nghĩa khá bức xúc vì bị lầm tưởng đã “đạo” bức ảnh đoạt giải vàng của nhiếp ảnh gia Lý Hoàng Long (Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh VN). Trao đổi với PV Thanh Niên, Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết anh và Lý Hoàng Long cùng đi chụp tại hồ Tuyền Lâm, TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng năm 2014, vì vậy có hình ảnh tương tự là điều dễ hiểu.
Anh Nghĩa khẳng định Một sáng mùa đông là tác phẩm nghệ thuật do anh tự bấm máy. “Cùng một chủ đề, việc trùng lặp trong sáng tác là điều bình thường”, Nguyễn Trọng Nghĩa nói và cho biết thêm, ngoài huy chương vàng FIAP 2016 (giải thưởng do Liên đoàn Nhiếp ảnh nghệ thuật thế giới trao tặng) cuộc thi ảnh quốc tế Arbella lần thứ 6 tổ chức tại Thổ Nhĩ Kỳ vừa qua, tác phẩm Một sáng mùa đông đã đoạt giải khuyến khích tại cuộc thi ảnh Di sản Việt Nam tháng 11.2015 và từng được chọn trưng bày tại Triển lãm ảnh nghệ thuật toàn quốc hồi tháng 8.2014. Còn “chị em song sinh” của nó - tác phẩm Vó đánh cá của nhiếp ảnh gia Lý Hoàng Long từng đoạt huy chương vàng FIAP cuộc thi ảnh Trophy Gipuzkoa International tổ chức tại Tây Ban Nha hồi tháng 11.2014. Anh Long từ chối trả lời phỏng vấn do bận rộn chấm giải một cuộc thi nhiếp ảnh.
|
|
|
Bản chất của nghệ thuật là sáng tạo, và mỗi nghệ sĩ đều có những góc nhìn riêng của cuộc sống khi lựa chọn ống kính, góc độ mà từ đó phản ánh nhân sinh quan của mình. Các bức ảnh giống nhau đều thể hiện sự nghèo nàn về ý tưởng, cạn kiệt về mặt tư duy
|
|
|
Nhiếp ảnh gia Trần Việt Văn
|
|
|
Nhiếp ảnh gia Trần Việt Văn, người từng đoạt rất nhiều giải nhiếp ảnh quốc tế, nhận xét hai tác phẩm trên giống nhau tới hơn 90% về cả ý tưởng, bố cục, góc máy, ánh sáng. “Việc giống nhau này rất dễ hiểu vì họ đi chụp chung. Trường hợp các tác phẩm nhiếp ảnh giống nhau là rất nhiều. Chẳng hạn, đi chụp chung với nhau, dàn dựng chủ đề chung cho cả nhóm. Thậm chí tôi còn biết người chèo thuyền tại hồ Tuyền Lâm đó đã tăng giá thuê từ 300.000 đồng lên 1 triệu đồng cho một lần thuê anh tạo dáng để chụp hình, do quá nhiều nhiếp ảnh gia khác cũng yêu cầu sắp đặt bối cảnh để chụp sao cho giống bức ảnh đoạt giải đã công bố”.
Trên thực tế, còn không ít những bức ảnh cũng có sự giống nhau “một chín một mười”. Bức ảnh của Trần Nhật Quang (từng đoạt giải tại cuộc thi ảnh quốc tế HIPA do hoàng tử của Tiểu vương quốc Dubai - Hamdan bin Mohammed bin Rashid al Maktoum sáng lập) và ảnh Đan lưới của Phạm Tỵ (giải nhất cuộc thi Smithsonian 2015, từng dự thi giải ảnh quốc tế National Geographic Photo Contest 2015), đều ghi lại cảnh hai người phụ nữ cần mẫn ngồi đan lưới, những tấm lưới bồng bềnh như sóng biển. Tác phẩm Thả hoa đăng trên sông Hoài của Kỳ Anh cũng khá giống với các tác phẩm thả đèn tương tự của Phạm Tỵ và của Tuấn Phạm. Hoặc tấm ảnh ghi hình 3 em bé dân tộc trên cao nguyên đá Đồng Văn của Trần Cao Bảo Long cũng khá giống tấm Ba chị em Mông của Trần Thiết Dũng…
Các ảnh giống nhau của Lý Hoàng Long, Nguyễn Trọng Nghĩa
|
Nghèo nàn về ý tưởng, tư duy
Không ít nhiếp ảnh gia giải thích, việc các tác phẩm giống nhau khi đi chụp chung là rất đỗi bình thường vì họ đã quen đi sáng tác tập thể, cùng dàn dựng bối cảnh, để chia sẻ chi phí xe cộ ăn ở, trả tiền thù lao người mẫu…, do đó gửi các tác phẩm dự thi na ná nhau đi tranh các giải khác nhau cũng là… bình thường.
|
|
Chấm thi mệt mỏi vì ảnh na ná nhau
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Long Thành là người từng có kinh nghiệm chấm nhiều giải nhiếp ảnh cấp quốc gia. Ông cho biết từng rất mệt mỏi khi chấm giải trong nhiều cuộc thi, vì phải loại ra nhiều tác phẩm nhiếp ảnh dự thi na ná nhau do đi sáng tác chung.
|
|
|
Tuy nhiên, với một số nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, sự sáng tạo mang đậm tính cá nhân là yếu tố luôn được đặt lên hàng đầu. Nhiếp ảnh gia Trần Việt Văn cho rằng đã cầm máy chụp rồi thì nên suy nghĩ xem có cần thiết tạo ra những bức ảnh giống nhau tới vậy hay không, và đặc biệt nên hay không nên tiếp tục gửi dự thi tấm hình na ná với tấm đã đoạt giải của người khác. “Bản chất của nghệ thuật là sáng tạo, và mỗi nghệ sĩ đều có những góc nhìn riêng của cuộc sống khi lựa chọn ống kính, góc độ mà từ đó phản ánh nhân sinh quan của mình. Các bức ảnh giống nhau đều thể hiện sự nghèo nàn về ý tưởng, cạn kiệt về mặt tư duy. Trong bất cứ tác phẩm nào cũng đều phải tin vào cảm xúc của chính mình. Ở các cuộc thi nhiếp ảnh lớn quốc tế, tiêu chí tiên quyết của ban giám khảo nước ngoài là original, tức là nguyên bản, không bắt chước ý tưởng, không sao chép. Tuy VN chưa có những quy định chặt chẽ về vấn đề hạn chế hoặc cấm dự thi các tác phẩm nhiếp ảnh có trùng quá nhiều nội dung và ý tưởng, nhưng điều quan trọng phải ở ý thức người nghệ sĩ. Nếu đã thấy tác phẩm khác có nội dung ý tưởng giống của mình đoạt giải, thì mình không nên công bố nữa”, Trần Việt Văn nói. Anh nhấn mạnh: “Nếu nghệ sĩ có tự trọng, cần phải từ bỏ ý định sáng tác chung ý tưởng, chung bố cục khuôn hình, bởi như vậy là thiếu tôn trọng chính mình. Theo tôi, nguyên tắc original cần áp dụng chặt chẽ hơn nữa trong các cuộc thi nhiếp ảnh ở VN. Bản thân người nghệ sĩ nếu được giải cũng sẽ phải tự xấu hổ vì cảm xúc sáng tác chung đó là giả, tác phẩm nhân bản là không có giá trị”.
Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VH-TT-DL), thừa nhận việc sáng tác theo kiểu tập thể để cho ra hàng loạt những tấm ảnh na ná nhau từ cấu tứ nghệ thuật, góc máy, ánh sáng… là thực tế buồn của ngành nhiếp ảnh VN nhiều năm nay. “Quá trình sáng tạo nghệ thuật phải là của từng cá nhân cụ thể. Nếu nhiếp ảnh mà cứ đi từng đoàn từng đội như nhau thì làm sao có sự sáng tạo độc lập. Việc xử lý các tác phẩm nhiếp ảnh na ná nhau không thể điều chỉnh bằng luật pháp, mà phải bằng tư duy, năng lực và phẩm chất của nghệ sĩ. Người nghệ sĩ thực sự tâm huyết với nghề thì không bao giờ đi theo đoàn đội để có thể ra những tác phẩm na ná nhau. Về mặt luật pháp thì họ không sai vì họ không copy của nhau, nhưng không hay về mặt nghệ thuật. Điều này sẽ gây nhàm chán, lặp lại. Mặt khác dẫn tới sự nhìn nhận của người xem, người chấm giải nước ngoài sẽ đánh giá thấp về trình độ của các nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt”, ông Thành nói.
Bình luận (0)