Nó nghiêm trọng hơn, khi VN là quốc gia sản xuất nông nghiệp, với tỷ trọng hơn 20% GDP.
Lâu nay, chúng ta chỉ biết xót xa, cảm thán cho tình cảnh của những người nông dân khóc ròng bên rẫy cà phê, hồ tiêu chết cháy, những cánh đồng lúa, ngô không hạt vì sử dụng phải phân bón giả. Chúng ta chỉ bằng “trái tim”, nguyền rủa những hộ kinh doanh bất nhẫn. Nhưng kết quả thanh tra vừa công bố cho thấy, bằng “khối óc”, cơ quan chức năng hoàn toàn biết, phân bón kém chất lượng ấy ở đâu ra, từ đâu mà có? Hàng loạt giấy chứng nhận “hợp quy” được cấp cho các loại phân bón không đạt chất lượng, không thử nghiệm, không hàm lượng khoáng chất. Thật là điều kinh khủng.
Muộn còn hơn không, kết luận thanh tra vừa công bố có vẻ là một trong những kết luận hiếm hoi (trong lĩnh vực nông nghiệp) chỉ tận tay, day tận trán sai phạm. Nhưng có điều là, kiến nghị thanh tra chỉ dừng ở chỗ đề nghị rút giấy phép của những đơn vị kiểm định sai phạm. Trong khi trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước đã chỉ định (cho phép) các đơn vị kiểm định sai phạm được đóng dấu chứng nhận chất lượng phân bón không được nhắc đến.
Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) là đơn vị chịu trách nhiệm về việc quản lý sản xuất, kinh doanh phân bón, thậm chí đã cấp phép hoạt động chứng nhận chất lượng phân bón cho những đơn vị không đăng ký hoạt động trong lĩnh vực, không có chức năng thử nghiệm, không có nhân viên chuyên ngành phân bón... Riêng ở Trung tâm khảo kiểm nghiệm phân bón vùng Nam bộ, thanh tra phát hiện đã chứng nhận cho 496 sản phẩm phân bón không nằm trong danh mục, chứng nhận cho 1.274 sản phẩm phân bón vô cơ ngoài phạm vi được chỉ định... Thanh tra 11 đơn vị thì cả 11 đơn vị đều có những vi phạm tày trời như thế, trách gì thị trường phân bón hỗn loạn.
Hàng giả, hàng kém chất lượng được đóng dấu bởi những cơ quan được nhà nước chỉ định như thế, nông dân chạy đâu cho thoát? Nói trên “hỗn”, dưới mới “loạn” là vì thế.
Theo quy định luật pháp, doanh nghiệp phải trải qua 13 thủ tục hành chính khác nhau, như giấy phép, khảo nghiệm, nghiệm thu... và tốn ít nhất 2 năm mới có thể đưa 1 loại phân bón mới ra thị trường. Nhưng dường như thủ tục ấy chỉ có giá trị với phân bón... thật. Với các loại trung tâm kiểm định chất lượng phân bón sai phạm như kể trên thì phân bón giả, phân bón kém chất lượng sẽ dễ dàng hơn nhiều.
Theo số liệu không chính thức được công bố bởi Hiệp hội Phân bón thì VN hiện có khoảng 6.000 loại phân bón, đây là con số thuộc loại “nhiều nhất thế giới”. Các cường quốc nông nghiệp như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... cũng chỉ có 30 - 40 chủng loại phân bón lưu hành. Tại sao cần duy trì một thị trường phân bón hỗn loạn như vậy? điều đó có lợi cho ai? là câu hỏi cần được các cơ quan chức năng trả lời.
Thu hồi giấy chứng nhận đã cấp (sai) là điều đương nhiên, nhưng những “lỗ thủng” chết người về mặt quản lý cần phải được lấp kín bằng trách nhiệm chính trị của những quan chức chịu trách nhiệm, thế mới công bằng.
Bình luận (0)