|
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng với quy định của dự luật, số người nhập cư do quan hệ huyết thống sẽ dễ dàng hơn những trường hợp có nhu cầu chính đáng. Sẽ có những hợp đồng lao động giả, hợp đồng thuê nhà giả để tìm cách nhập khẩu vào thủ đô, những tiêu cực trong việc nhập khẩu sẽ tăng lên.
Cùng tâm tư này, ĐB Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) lo ngại nếu cách làm không phù hợp, bất cập sẽ không được khắc phục, bởi tính tất yếu của quá trình phát triển. “Nước luôn chảy vào chỗ trũng. Nếu không chảy bằng đường chính thì sẽ chảy bằng các đường mạch mương, mạch ngầm và công sức để dò tìm và ngăn chặn các mạch này thì rất khó khăn”, ĐB Tâm ví von.
Tạo "đất lành" ở ngoại đô
|
Các ĐB đề nghị cần có những rào cản kỹ thuật trong việc điều tiết người nhập cư vào nội đô. Theo ĐB Nghĩa, quan trọng hơn là quy hoạch lại các phân khu chức năng để hướng người dân không tập trung vào nội đô. “Nếu anh ở nội đô thì anh phải chịu nhiều chế tài hơn ở ngoài, khó khăn hơn trong xây dựng, sửa chữa nhà cửa, hạn chế gây ô nhiễm, hạn chế xe ô tô, xe máy, siết chặt quản lý lòng, lề đường, hạn chế buôn bán hàng rong quà vặt. Ở các khu vệ tinh ngoại thành thì được ưu đãi tiện lợi hơn trong sinh hoạt, học tập, chữa bệnh, buôn bán từ đó sẽ bớt lực hấp dẫn vào nội đô”, ĐB Nghĩa đề xuất.
ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng Hà Nội đã có một không gian to nhất từ trước đến nay, to hơn so với rất nhiều thủ đô khác trên thế giới. Bởi vậy, theo ĐB Quốc, bên cạnh những chế tài để hạn chế có điều kiện, bảo đảm cho sự phát triển bền vững của nội đô thì phải có những giải pháp, những chế tài đi cùng với nó là những chính sách để hướng sự cư trú của người dân ra một không gian rộng lớn còn lại. ĐB này nêu rõ: “Chúng ta chỉ có thể đấu tranh chống tiêu cực bằng cách chúng ta xây dựng những điều tích cực hơn mà thôi. Người dân thì có một nguyên lý rất đơn giản "đất lành chim đậu", nếu chúng ta xây dựng được những cơ sở hạ tầng, xây dựng những chính sách tốt thì chắc chắn người dân không phải ai cũng muốn co cụm lại trong thủ đô mà hiện nay còn rất nhiều khó khăn”.
Còn ĐB Nguyễn Đức Hiền (Nghệ An) đề xuất: hạn chế tình trạng di dân tự phát vào nội thành trên cơ sở ưu tiên đầu tư xây dựng nhà ở, hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ hiện đại hoàn thiện ở ngoại thành, đồng thời phải hạn chế xây dựng các chung cư cao tầng khu vực nội thành.
Tăng phí không phải là tối ưu
Đề cập đến việc thu phí đối với người dân nội thành cao hơn khu vực ngoại thành, kể cả việc xử phạt vi phạm hành chính, về đất đai, môi trường, giao thông, nhiều ĐB cho rằng có thể là biện pháp chế tài cứng rắn nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm, nhưng không phải là giải pháp tối ưu. ĐB Lê Văn Lai (Quảng Nam) nói: “Nếu nói tăng phí giao thông lên gấp 2 lần để giảm phương tiện giao thông cá nhân thì không đúng. Người giàu, càng thu nhập cao người ta cần xe, người ta vẫn mua. Người thu nhập thấp vẫn phải mua xe vì đó là phương tiện. Như thế vô tình ta đưa ra chủ trương, gánh nặng này đè lên vai người có thu nhập thấp”.
Tuệ Nguyễn
>> Vẫn nhiều băn khoăn về luật Thủ đô
>> Dự luật Thủ đô vẫn siết nhập cư
>> Dự Luật Thủ đô: Chính phủ "bảo lưu" quy định đặc thù về cư trú
>> Chưa thông qua Luật Thủ đô ở kỳ họp Quốc hội tháng 5.2010
Bình luận (0)