TIỀM NĂNG CỦA MỘT THẾ HỆ
U.23 VN đã không thể bước qua chướng ngại mang tên U.23 Iraq để chạm tới tấm vé Olympic lần đầu tiên. Tuy nhiên, thất bại này không đáng buồn. Bởi hãy nhìn 4 đội tuyển góp mặt ở bán kết: 3 trong số 4 đội (U.23 Nhật Bản, U.23 Iraq và U.23 Uzbekistan) đều từng vô địch giải U.23 châu Á trong 3 kỳ đầu tiên tổ chức, trong khi chỉ có U.23 Indonesia sắm vai hiện tượng, giống U.23 VN từng làm được vào năm 2018.
Dù vậy, đội bóng của HLV Hoàng Anh Tuấn vẫn để lại những tia sáng. Tiến đến sân chơi châu Á với đội hình trẻ trung nhất giải, gồm 13 cầu thủ (tương đương 56% danh sách thi đấu) vẫn đủ tuổi để đá vòng chung kết U.23 châu Á sau đây 2 năm nữa, rõ ràng U.23 VN tham dự giải đấu với hy vọng gieo mầm cho tương lai, hơn là phải gặt hái đến cùng thành tích hiện tại. 7 cầu thủ U.23 VN thường xuyên đá chính ở giải này gồm Nguyễn Mạnh Hưng, Lê Nguyên Hoàng, Hồ Văn Cường, Nguyễn Thái Sơn, Nguyễn Văn Trường, Khuất Văn Khang, Bùi Vĩ Hào đều sinh năm 2003 trở về sau. Đây là lực lượng nòng cốt đã đánh bại U.23 Kuwait và U.23 Malaysia, đồng thời chỉ thua U.23 Iraq với tỷ số tối thiểu.
Xuyên suốt giải đấu là triết lý tấn công với hình thù triển khai bóng rõ ràng, trực diện và tốc độ, dựa trên khả năng phối hợp nhóm, đan lát tương đối nhuyễn giữa các tuyến. Tinh thần các cầu thủ cũng là điểm cộng. Đặc biệt ở trận gặp U.23 Iraq, U.23 VN dù chỉ còn 10 người, đã chiến đấu đến phút cuối. U.23 VN thất bại bởi chênh lệch trình độ chuyên môn. Với những cầu thủ còn cả khoảng trời tương lai phía trước, yếu tố này có thể cải thiện. Nhưng chỉ với điều kiện: bóng đá VN có lộ trình cụ thể cho các cầu thủ trẻ.
SAU U.23 CHÂU Á LÀ GÌ ?
Sau trận thua U.23 Iraq, những sai lầm cá nhân của Quan Văn Chuẩn (khiến đội nhà chịu phạt đền) và Nguyễn Mạnh Hưng (thẻ đỏ) bị mang ra mổ xẻ. Tuy nhiên hãy nhớ, Văn Chuẩn đã cản phá sai một tích tắc, bởi thủ môn này mới chỉ chơi vỏn vẹn 14 trận cho CLB Hà Nội ở V-League, nhưng phải đối đầu với những tiền đạo dày cả người lẫn kinh nghiệm bên kia chiến tuyến. Pha giẫm chân cầu thủ U.23 Iraq của Mạnh Hưng cũng có thể thông cảm, nếu biết cầu thủ sinh năm 2005 là "em út" U.23 VN, đang chơi ở giải hạng nhất và chưa từng được tiếp xúc với VAR cho đến khi bước ra sân chơi châu Á.
Không ngôi sao nào thành danh mà chưa từng bước qua sai lầm. Thế hệ tài danh trước đây của Văn Hậu, Quang Hải cũng vậy, lứa hiện tại không phải ngoại lệ. Quan trọng là sau những "vết xước" ở giải châu Á, dàn sao trẻ U.23 VN cần được phát triển ra sao để không lãng phí tiềm năng.
Chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương nhận định: "Với những gì đã thể hiện, U.23 VN đã cho thấy cả tiềm năng và hạn chế. Các cầu thủ thiếu trải nghiệm cọ xát ở trình độ cao, nên sau giải này, tôi hy vọng các cầu thủ sẽ nỗ lực để có chỗ đứng ở CLB chủ quản. Các cầu thủ trẻ đang ở giai đoạn hoàn thiện nên cần đá ở giải vô địch quốc gia để phát triển năng lực.
Ngoài ra trong giai đoạn năm 2024 - 2026, Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) cần có kế hoạch đầu tư cho lứa cầu thủ này như tăng cường số trận thi đấu quốc tế, xây dựng ban huấn luyện hoàn chỉnh, ổn định, có các đợt tập huấn dài hạn đan xen với đội tuyển quốc gia. Làm tốt trong 2 năm tới, mới có thể chờ đợi lứa này đến năm 2026 khoác áo đội tuyển VN. Đây là nỗ lực "tổng lực" mà VFF, CLB và các cầu thủ phải cùng nhau nỗ lực, để không lãng phí tiềm năng của các em, cũng không khiến đội tuyển VN rơi vào khoảng trống kế cận".
Bình luận (0)