Lỗ vẫn làm... live show riêng

16/02/2019 07:01 GMT+7

Thị trường ca nhạc đang có nghịch lý: nhiều ca sĩ chấp nhận lỗ để tổ chức được live show riêng.

Bán hết vé vẫn lỗ

Đầu năm nay, Hương Tràm thực hiện live show đầu tiên Hộp thư số 1 tại Hà Nội và chấp nhận... lỗ. “Lỡ làm live show tốn kém nên gần tết tôi vẫn đi “cày” để trả nợ...”, nữ ca sĩ chia sẻ.
Dù không tiết lộ chi phí thực hiện live show đầu tiên được đầu tư khá tốn kém về nghe lẫn nhìn, nhưng Hương Tràm thừa nhận, có bán hết vé (Cung lao động Hữu nghị Việt - Xô) cũng chỉ đủ 1/3 chi phí sản xuất chương trình. Nữ ca sĩ cho hay, cô không xin tài trợ vì muốn live show là cuộc chơi riêng của mình, mang dấu ấn cá nhân trên con đường nghệ thuật.
Ca sĩ Tân Nhàn
Vào cuối tháng 2, Tân Nhàn - quán quân Sao Mai dòng nhạc dân gian - sẽ thực hiện live show riêng đầu tiên có tên Trở về. Cô là ca sĩ dòng nhạc dân gian đầu tiên đưa âm nhạc truyền thống VN lên sân khấu cùng dàn nhạc giao hưởng. Bên cạnh việc đầu tư cho sân khấu, âm thanh…, chi phí sản xuất phải dành khoản lớn cho việc này. Bên cạnh đó, nhiều tác phẩm biểu diễn cũng cần được chuyển soạn, phối khí lại để tạo nên sự kết hợp giữa nhạc cụ truyền thống và nhạc cụ phương Tây. Giám đốc âm nhạc của live show - nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng - thừa nhận: “Chưa khi nào tôi gặp ca khó như vậy, bởi lần này có cả sự kết hợp giữa dàn nhạc giao hưởng, dàn nhạc điện tử, dàn nhạc truyền thống. Cái khó chính là làm sao để có thể hòa hợp các nhạc cụ với nhau, nguồn âm từ các nhạc cụ cổ truyền, dàn nhạc giao hưởng...”.
“Nếu bán hết vé, kinh phí thu được khoảng 2 tỉ đồng, trong khi chi phí đầu tư cho show gấp đôi số tiền đó”, Tân Nhàn cho hay. Nữ ca sĩ cho biết, tình yêu với âm nhạc truyền thống là động lực thôi thúc cô thực hiện live show này. “Tôi mong muốn live show có thể khiến khán giả “giật mình”, để nhiều người sẽ quay lại với âm nhạc truyền thống bởi lâu nay, âm nhạc truyền thống của chúng ta vẫn phát triển nhưng nhỏ lẻ, manh mún. Ở góc nào đó của sân khấu, trong các game show cũng có sự gắn kết, liên đới đến âm nhạc truyền thống nhưng với quy mô rất nhỏ. Live show có lỗ nhưng đây là cuộc chơi âm nhạc mà tôi muốn đầu tư công sức lẫn tiền bạc”, Tân Nhàn nói.

Thị trường âm nhạc đa dạng

Không phải ca sĩ nào cũng làm live show đều đặn hằng năm như Tùng Dương. Nam ca sĩ thừa nhận, có không ít live show anh phải chấp nhận lỗ. “Với nhiều nghệ sĩ, bán được hết vé là điều may mắn bởi có thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Nhưng nếu nghệ sĩ lúc nào cũng chỉ nghĩ phải có lãi thì khó làm được live show hay”, Tùng Dương lý giải.
Bên cạnh việc chú trọng đầu tư vào yếu tố nghệ thuật, ban nhạc, phối khí, khách mời…, Tùng Dương còn khá kỹ tính trong việc dàn dựng sân khấu. Có live show, anh sẵn sàng chi tiền tỉ để biến sân khấu thành không gian biểu diễn mang dấu ấn của riêng mình. “Hầu như show nào bây giờ dùng màn hình LED, giống nhau y hệt nên tôi luôn muốn tạo dựng sân khấu độc, lạ, chẳng hạn như dựng các khối điêu khắc”, ca sĩ Tùng Dương cho hay. “Nguồn năng lượng của mình đang rất dư dả mà đang khai thác chưa hết. Ở tuổi 35, tôi cảm thấy mình đang rất cân bằng, cảm hứng làm nghệ thuật tuôn tràn”, Tùng Dương lý giải về việc năng làm live show. Anh cho rằng: “Cái ngông của người nghệ sĩ là dám làm cho live show, chăm chút, sáng tạo nghệ thuật. Live show cũng là ước mơ âm nhạc nâng chính tầm vóc mình lên, mong muốn được khán giả ghi nhận sự sáng tạo của người nghệ sĩ”.
“Với nhiều nghệ sĩ, khi làm live show là để đánh dấu mốc nào đấy, để thỏa mãn đam mê, tri ân tổ nghề, tri ân âm nhạc, với những điều đã mang lại danh tiếng cho mình. Vậy nên, họ đầu tư không tiếc tiền, không khĩ đến chuyện lời lỗ”, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long nhìn nhận. Theo anh, người được “hưởng” từ những live show này tất nhiên là khán giả và nghệ sĩ. “Với nhiều nghệ sĩ tự bỏ tiền túi, họ có thể chấp nhận lỗ về kinh tế, nhưng không lỗ về chuyên môn, nghệ thuật. Cái được của nghệ sĩ là sự nhìn nhận của khán giả, bên cạnh đó còn là cái được trong con đường nghề nghiệp”, anh nói.
Mặc dù nhiều nghệ sĩ làm live show có thể lỗ, nhưng theo một đạo diễn âm nhạc, nếu live show đó tạo được tiếng vang, cát sê của nhiều nghệ sĩ nhờ thế được tăng lên. Nhìn nhận về những hiệu ứng từ các live show tới đời sống âm nhạc, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cho biết live show chất lượng rất cần thiết có mặt trong đời sống nghệ thuật, nhưng nếu live show vài năm mới được thực hiện thì không có nhiều đóng góp cho thị trường âm nhạc bằng những live show được thực hiện hằng năm. “Các show diễn nghệ thuật được tổ chức thường xuyên mới có nhiều đóng góp, nhất là với chương trình xuất hiện nhiều điều mới mẻ. Những live show được đầu tư lớn về nghệ thuật cũng góp phần giúp đời sống âm nhạc đa dạng hơn, không bị loạn trong giai đoạn này”, ông Long chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.