Lỗ vì lơ bảo hiểm tỷ giá

04/09/2015 06:15 GMT+7

Tính từ đầu năm tới nay, VND đã mất giá khoảng 5% so với USD; tỷ giá chính thức và tỷ giá thị trường tự do có lúc chênh lệch hơn 500 đồng/USD... ở những thời điểm tỷ giá biến động mạnh, nhiều doanh nghiệp vay ngoại tệ kêu trời vì lỗ do tỷ giá.

Tính từ đầu năm tới nay, VND đã mất giá khoảng 5% so với USD; tỷ giá chính thức và tỷ giá thị trường tự do có lúc chênh lệch hơn 500 đồng/USD... ở những thời điểm tỷ giá biến động mạnh, nhiều doanh nghiệp vay ngoại tệ kêu trời vì lỗ do tỷ giá.

Có đến 90% doanh nghiệp Việt không mua bảo hiểm tỷ giá
Có đến 90% doanh nghiệp Việt không mua bảo hiểm tỷ giá - Ảnh: Ngọc Thắng
Những ngày này giám đốc nhiều doanh nghiệp (DN) có nợ vay bằng ngoại tệ như “ngồi trên đống lửa” vì lỗ tỷ giá hàng trăm tỉ đồng.
90% doanh nghiệp không bảo hiểm tỷ giá
Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) vừa “điểm danh” một số công ty niêm yết bị lỗ do tỷ giá. Nếu tỷ giá JPY/VND ngày 27.8 vừa qua giữ nguyên đến cuối quý 3, ước tính Công ty cổ phần nhiệt điện Phả Lại (PPC) sẽ bị lỗ tỷ giá 213,8 tỉ đồng (cùng kỳ năm ngoái, PPC lãi chênh lệch tỷ giá đến 413 tỉ đồng do yen (Nhật) giảm giá). Công ty cổ phần điện lực dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2), giả định tỷ giá EUR/USD cuối tháng 8 được giữ nguyên thì công ty này sẽ ghi nhận khoản lỗ do chênh lệch tỷ giá lên đến 224 tỉ đồng trong quý 3 này (cùng kỳ năm ngoái, NT2 lãi 300 tỉ đồng do euro giảm giá).

Bảo đảm thành quả kinh doanh

TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, cho rằng dù chi phí còn cao, nhưng để bảo toàn thành quả kinh doanh, đã đến lúc các DN cần sử dụng công cụ bảo hiểm ứng phó với các đồng tiền, nhất là trong bối cảnh thị trường đang ngóng động thái Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có điều chỉnh lãi suất USD trong thời gian tới hay không.

Cũng đau đầu không kém là Công ty cổ phần xi măng Hà Tiên 1 (HT1), DN có nợ ngoại tệ ước tính trên 84 triệu EUR vào cuối năm 2014. Dự kiến quý 3, lỗ tỷ giá của HT1 có thể lên gần 87 tỉ đồng, xấp xỉ mức lỗ quý trước. Trong khi cùng kỳ năm 2014 công ty lãi 85 tỉ đồng từ tỷ giá. Còn Tổng công ty cổ phần vận tải dầu khí (PVT), nếu tỷ giá USD/VND được giữ ở mức 22.450 tại ngày 27.8, lỗ tỷ giá quý 3 của PVT ước tính vào khoảng 95 tỉ đồng, cả năm khoảng 144 tỉ đồng. Công ty cổ phần vận tải biển VN (VOS) dự kiến sẽ lỗ tỷ giá của VOS trong quý 3 sẽ là 53 tỉ đồng, cả năm 2015 sẽ là 102 tỉ đồng.
Biến động tỷ giá trở thành nỗi lo thường trực của các DN sử dụng ngoại tệ trong hoạt động kinh doanh bởi theo thống kê, có đến 90% DN nhập khẩu không sử dụng sản phẩm bảo hiểm tỷ giá. Nhóm 10% còn lại phần lớn là các công ty đa quốc gia có chính sách phòng chống rủi ro được quy định trong hoạt động, khi ký hợp đồng xuất nhập khẩu luôn có tỷ lệ phòng chống rủi ro từ 50 - 100% hợp đồng. Tỷ lệ DN không sử dụng bảo hiểm tỷ giá của VN quá cao so với Trung Quốc, khoảng 40% DN nhập khẩu bảo hiểm rủi ro tỷ giá cho các khoản thanh toán quốc tế của họ; ở Malaysia, con số này là gần 50%.
Chịu rủi ro thay vì mua bảo hiểm
“Phí bảo hiểm đắt đỏ quá, trong khi DN muốn tiết giảm tối đa chi phí”, kế toán trưởng một DN xuất nhập khẩu hàng thực phẩm chế biến giải thích. Vài năm nay, đơn vị ông chấp nhận chịu rủi ro tỷ giá thay vì mua bảo hiểm và tìm cách tự bù đắp thông qua lượng USD có được từ xuất khẩu. Ông Đỗ Hà Nam, Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu Intimex, cho biết Intimex có doanh số xuất nhập khẩu hơn 1 tỉ USD/năm, nhưng ông không mua bảo hiểm tỷ giá, một phần vì Intimex có nguồn USD từ xuất khẩu ông dành để trả cho khoản vay USD, nên ít chịu biến động tỷ giá. Theo ông, các ngân hàng đã nhiều lần chào mua bảo hiểm, nhưng sau khi tìm hiểu, ông nhận thấy chi phí “trên trời” so với hiệu quả mang về, đặc biệt là trong bối cảnh tỷ giá USD/VND khá ổn định 2 năm nay.
Theo lãnh đạo một ngân hàng, ví dụ ngày 3.12.2015, DN nhập một lô hàng trị giá 1 triệu USD. Nếu không mua bảo hiểm tỷ giá, khi hàng về DN phải chịu rủi ro khi tỷ giá biến động. Còn nếu mua USD với hợp đồng ngoại hối kỳ hạn (Forward), ngân hàng sẽ bán ngay 1 triệu USD cho DN. Giả dụ với tỷ giá ngày 3.9 là 22.420 đồng/USD, tương đương tiền đồng 22,42 tỉ đồng. Nhưng ngân hàng chưa đưa USD mà buộc DN gửi số tiền này với lãi suất huy động 0,5%/năm, đồng thời làm nghiệp vụ cho DN vay 22,42 tỉ đồng (có tài sản đảm bảo bằng USD) với lãi suất 7%/năm. Phần lãi suất chênh lệch 6,5% (7%-0,5%) là phí bảo hiểm tỷ giá. Tính ra DN phải trả khoảng 360 triệu đồng tiền lãi trong 3 tháng bảo hiểm tỷ giá. Đến ngày hàng về, nếu tỷ giá có biến động đến 22.450 đồng/USD, DN đã có sẵn USD để trả tiền.
Vị này thừa nhận mức phí bảo hiểm tỷ giá như vậy là đắt đỏ nhưng là do chênh lệch lãi suất giữa USD và VND cao. Còn ở các nước, mức chênh lệch giữa hai đồng tiền 2 quốc gia không cao, nên DN cũng sử dụng bảo hiểm tỷ giá nhiều hơn. Ví dụ, DN Mỹ bảo hiểm tỷ giá EUR/USD, lãi suất USD là 0,25%, trong khi lãi suất EUR cao hơn USD từ 0,5 - 1%. Vì vậy, họ vừa được bảo hiểm tỷ giá vừa được lợi thêm tiền.
Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc kinh doanh trái phiếu và ngoại hối HSBC VN, cho biết: Từ giữa tháng 8 đến nay, số DN tìm hiểu về những sản phẩm phòng ngừa rủi ro tỷ giá tăng lên nhiều nhưng như đã nói, vẫn có tới 90% DN nhập khẩu không sử dụng sản phẩm bảo hiểm tỷ giá. Hơn 80% hợp đồng bảo hiểm tỷ giá của DN có thời hạn dưới 3 tháng.
“Các DN thường bỏ qua việc bảo hiểm cho các nghĩa vụ thanh toán dài hạn, ví dụ như các khoản vay USD trung và dài hạn ở nước ngoài. Đến khi thị trường biến động mạnh, DN mới đi tìm vào các nghiệp vụ bảo hiểm rủi ro dài hạn như hoán đổi tiền tệ chéo. Lúc đó, chi phí bảo hiểm đã tăng cao so với lúc thị trường ổn định”, ông Khoa nói.
Chuyên gia Đinh Đức Quang cho hay nhà nước đưa ra định lượng biến động tỷ giá vào đầu năm để có kế hoạch cụ thể phát triển cho năm đó. Từ năm 1995 đến nay, tỷ giá tăng 100%, ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của các DN. “Sử dụng các công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá là cách để quản trị DN. DN sẽ chủ động tính toán giá thành sản phẩm có cả phần chi phí từ việc thực hiện mua bảo hiểm rủi ro tỷ giá”, ông nói.
Các tập đoàn lớn thuộc Bộ Công thương kêu lỗ vì tỷ giá
Ngày 3.9, tại hội nghị giao ban toàn ngành công thương, lãnh đạo các tập đoàn đã đồng loạt kêu lỗ vì thay đổi tỷ giá. Cụ thể, theo ông Vũ Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Tập đoàn than - khoáng sản VN (TKV), riêng khâu sản xuất điện, chênh lệch tỷ giá tính đến nay đã khiến cho TKV bị lỗ khoảng 1.200 tỉ đồng. Phó tổng giám đốc Tập đoàn dầu khí VN (PVN) ông Ninh Văn Quỳnh cũng cho biết, tập đoàn này cũng khó khăn trong sản xuất, kinh doanh do thay đổi tỷ giá và do giá dầu thô trên thị trường thế giới giảm mạnh.
Còn tại Tập đoàn điện lực VN (EVN), theo ông Ngô Sơn Hải - Phó tổng giám đốc, chênh lệch tỷ giá đang tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất điện của tập đoàn này. TKV chỉ chiếm khoảng từ 10 - 15% trong hệ thống cấp điện, mức lỗ của EVN do thay đổi, chênh lệch tỷ giá cho các dự án điện có thể gấp hơn chục lần con số “thiệt hại” của TKV.
M.Q
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.