Lo với cánh đồng mẫu lớn

23/07/2013 11:00 GMT+7

Vụ nông dân bỏ cây lúa, dẫn nước mặn vô nuôi tôm trên diện tích quy hoạch cánh đồng mẫu lớn ở H.Thới Bình, Cà Mau, nhắc nhở vẫn còn những băn khoăn, lo ngại của nông dân khi mô hình này được triển khai.

Từ xung đột tôm - lúa

Những ngày qua, nông dân ở các ấp 1, 2, 4 thuộc xã Tân Lộc Bắc ở H.Thới Bình (Cà Mau) tự ý đưa xáng vào cạp đất làm bao bờ, lấy nước mặn vào nuôi tôm ngay trong khu quy hoạch cánh đồng mẫu lớn (CĐML). Khi cán bộ xã đến lập biên bản thì nhiều người dân phản ứng quyết liệt.

 Thu hoạch lúa trên cánh đồng mẫu lớn ở Long An
Thu hoạch lúa trên cánh đồng mẫu lớn ở Long An - Ảnh: Hoàng Phương

Ấp 2 có 268 hộ nhưng lại có 2 mô hình sản xuất là trồng lúa và nuôi tôm. Cả vùng chỉ có kênh thủy lợi là Kênh Ngang, vừa phải đảm nhận nhiệm vụ cung cấp nước mặn cho người dân ở phía nam của ấp nuôi tôm, vừa có vai trò cung cấp nước ngọt (vào mùa mưa) cho nông dân ở phía bắc của ấp trồng lúa 2 vụ trong năm. Ông Nguyễn Thanh Hùng, Trưởng ban Nhân dân ấp 2, cho biết từ năm 2001, một phần diện tích đất ở ấp 2 (phía nam - PV) được quy hoạch nuôi tôm, còn một phần diện tích đất (phía bắc) thì sản xuất lúa khép kín. Mấy năm đầu người dân bên phía bắc còn có thể sống được từ cây lúa, nhưng mấy năm trở lại đây người trồng lúa luôn thua lỗ, thậm chí là lâm nợ. Vì thế, hiện tại, gần 20 hộ dân trong vùng khép kín tự phát bao bờ trên diện tích đất nhà mình lấy nước mặn vào nuôi tôm.

 

Chính quyền không chỉ quy hoạch vùng sản xuất cho từng loại giống lúa, vận động nhân dân tham gia CĐML mà điều quan trọng là phải tìm cho ra những DN có trách nhiệm và tiềm lực để ký hợp đồng với nông dân

Một lãnh đạo Sở NN-PTNT Đồng Tháp

Ông Lâm Văn Tỷ, nguyên Bí thư Chi bộ ấp 2, cho biết: “Ngày 17.7 vừa rồi, xã Tân Lộc Bắc tổ chức cuộc họp chi ủy, Chi bộ ấp 2 bất thường. Tại cuộc họp tập thể đã bỏ phiếu kín thống nhất cách chức Bí thư Chi bộ ấp của tôi vì tội bao vuông, đưa nước mặn vào ruộng lúa để nuôi tôm. Nhưng hiện tại trồng lúa không sống được chẳng lẽ tôi để gia đình mình chết đói”. Với diện tích trồng lúa hơn 1 ha, ông Tỷ cho biết là vụ lúa vừa rồi ông lỗ nặng, lúa chết trắng đồng vì bị ngập úng. Vừa qua ông bỏ ra hơn 10 triệu thuê xáng cạp đất bao bờ với mục đích sản xuất vụ tôm vụ lúa. Tương tự, hộ ông Bùi Văn Hải, cũng đang thuê xáng về lên liếp, bao bờ vuông. “Theo chủ trương chung thì tôi phải trồng lúa. Nhưng đất nhà tôi và nhiều bà con khác ở đây như cái lòng chảo, xung quanh nước mặn bao vây tứ phía, hễ mưa lớn kéo dài là lúa ngập úng thì làm sao nông dân chúng tôi trồng lúa mà sống được”, ông Hải nói.

Trước tình trạng người dân “xé rào” đưa nước mặn vào nuôi tôm, nhiều lần các ngành chức năng xã Tân Lộc Bắc kết hợp với chính quyền địa phương đến lập biên bản, ra quyết định xử phạt hành chính (2 triệu đồng/hộ). Tuy nhiên, lực lượng chức năng đã gặp sự phản kháng quyết liệt của người dân.

Bà Lâm Thị Trúc Mai, Phó chủ tịch UBND xã Tân Lộc Bắc thừa nhận: “Nếu như ngành chức năng không có giải pháp kịp thời để ngăn chặn tình trạng bà con nông dân đưa nước mặn vào ruộng lúa như hiện nay thì không lâu nữa sẽ phá vỡ quy hoạch CĐML ở địa phương. Khoảng 167 ha đất sản xuất lúa ở ấp 1, 2, và 4 của xã Tân Lộc Bắc nằm trong trương trình CĐML. Hiện đã có một phần diện tích ở ấp 1 và ấp 4 thực hiện mô hình này”.

“Mẫu lớn” lời hơn “mẫu nhỏ”

Mặc dù xung đột trên thực sự là việc lựa chọn con tôm hay cây lúa cho bài toán kinh tế hộ gia đình nhưng cũng ẩn chứa lo ngại khi triển khai mô hình CĐML.

Tại ĐBSCL, mô hình CĐML đang được triển khai ở khắp các tỉnh trong khu vực và bước đầu mang lại hiệu quả khả quan. Từ vụ hè thu năm 2011, Cần Thơ đã bắt đầu triển khai mô hình CĐML với diện tích 400 ha. Đến vụ hè thu 2013, Cần Thơ đã có 41 CĐML, tổng diện tích hơn 9.000 ha với hơn 5.100 hộ tham gia. Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN-PTNT TP.Cần Thơ, cho biết: “Quy mô CĐML được nhân rộng nhanh là nhờ làm tăng lợi nhuận từ 15 - 20% so với sản xuất nhỏ lẻ thông thường”. Theo ông Quỳnh, những lợi ích mà mô hình CĐML mang lại cho nông dân, là kỹ thuật canh tác tốt hơn, sản lượng tăng và đặc biệt là có thể mua vật tư nông nghiệp tận gốc và bán sản phẩm trực tiếp cho doanh nghiệp (DN) thu mua, bớt qua trung gian. Tương tự, tại Long An, vụ đông xuân vừa qua có 17 CĐML với tổng diện tích 4.200 ha với 1.750 hộ tham gia. Ở Vĩnh Long, vụ đông xuân 2012 - 2013, cũng đã có 7 mô hình CĐML, có 2.551 hộ tham gia với diện tích 1.675 ha, lợi nhuận đạt được cao hơn diện tích tương đương ngoài mô hình này 6,35 tỉ đồng.

TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, nhận định CĐML là kiểu mẫu để nhân rộng ra các địa phương khác trong khu vực và sau đó là cả nước. Những lợi ích mà mô hình CĐML mang lại cho nông dân là kỹ thuật canh tác tốt hơn, sản lượng tăng và đặc biệt là có thể mua vật tư nông nghiệp tận gốc và bán sản phẩm trực tiếp cho DN thu mua, bớt qua trung gian.

Và những khó khăn

Hiệu quả như vậy nhưng việc triển khai CĐML ở nhiều nơi tại ĐBSCL hiện vẫn gặp không ít khó khăn, nhiều nông dân chưa mặn mà tham gia do họ chưa tin vào mối liên kết giữa nông dân sản xuất và DN tiêu thụ. Thời gian qua, tình trạng nông dân và DN “bẻ kèo” nhau trong hợp đồng bao tiêu (ngoài mô hình CĐML) xảy ra thường xuyên là nguyên nhân dẫn đến tâm lý này. Khi lúa xuống giá DN “ép” nông dân, ngược lại nông dân cũng ép DN khi lúa được giá, nguồn cung thiếu hụt. “Chính quyền không chỉ quy hoạch vùng sản xuất cho từng loại giống lúa, vận động nhân dân tham gia CĐML mà điều quan trọng là phải tìm cho ra những DN có trách nhiệm và tiềm lực để ký hợp đồng với nông dân”, một lãnh đạo Sở NN-PTNT Đồng Tháp nói.

Ông Phạm Văn Quỳnh phân tích: “DN là người quyết định đầu tư, quyết định về ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, tạo ra thị trường còn nông dân chỉ quyết định được sản xuất. Chính vì vậy muốn có sản xuất hiệu quả, bền vững thì DN cần phải tham gia cùng nông dân trong quá trình sản xuất dựa trên kế hoạch sản xuất gắn chặt với tiêu thụ. Khi DN tham gia vào CĐML, mô hình này mới thực sự phát huy hiệu quả”. Ông Nguyễn Duy Lượng, Phó chủ tịch Hội Nông dân VN, nhận định: “Trong mối liên hệ của 4 nhà trong mô hình CĐML: nhà nước, nhà nông và nhà DN, khoa học thì mối lên hệ giữa DN với nông dân là mắt xích quan trọng nhưng đang là khâu yếu nhất hiện nay. Hiện CĐML mới chỉ thành công ở phía nam với một vài DN tham gia vào quá trình từ chọn giống đến tiêu thụ sản phẩm. Còn ở miền Bắc hiện chỉ dừng lại ở thí điểm với quy mô mỗi cánh đồng khoảng vài chục héc ta”.

Bên cạnh đó, khó khăn chung mà các tỉnh, thành ĐBSCL gặp phải khi tổ chức CĐML còn ở chỗ lực lượng cán bộ chuyên môn thiếu, chỉ hỗ trợ được phần nào trong chuyển giao kỹ thuật, liên kết với đầu vào, đầu ra cho lúa gạo và nông dân hầu như vẫn tự quản lý. Những khó khăn như cơ sở hạ tầng thủy lợi chưa hoàn thiện, chưa xây dựng được quy trình sản xuất chuẩn... cũng đang phổ biến.

Pháp khuyến khích lập nhóm nông nghiệp

Tại Pháp, bên cạnh hình thức khai thác nông nghiệp truyền thống (riêng lẻ của cá nhân, gia đình), chính phủ rất khuyến khích nông dân hợp tác với nhau để cùng sản xuất. Từ tháng 8.1962, nước này ban hành luật cho phép thành lập Nhóm khai thác nông nghiệp chung (GAEC) với mục đích giúp những nông dân có ít đất đai, tiềm lực kinh tế nhỏ, khả năng cạnh tranh kém có thể liên kết để tồn tại và phát triển. Tiêu chí GAEC là hoạt động như một “cơ sở gia đình”, trong đó, các nông dân thành viên cùng là chủ. Có 2 dạng GAEC: toàn phần (các thành viên góp toàn bộ cơ sở nông nghiệp của mình) và một phần (các thành viên đóng góp không toàn bộ).

Một nhóm có từ 2 - 10 thành viên, mỗi thành viên có nghĩa vụ và quyền lợi ngang nhau, ngoài lợi nhuận, mỗi tháng được trả mức lương từ 1 - 6 lần mức lương tối thiểu ở Pháp. Các GAEC được chính phủ hỗ trợ nhiều mặt: cho vay với lãi suất ưu đãi, trợ vốn, đền bù rủi ro, chế độ phúc lợi xã hội... Hiện nay tại Pháp có khoảng 38.000 GAEC. Bên cạnh hình thức này, những nông dân muốn liên kết theo mô hình công ty có thể kết hợp theo dạng công ty nông nghiệp trách nhiệm hữu hạn (EARL). Mô hình này ra đời vào năm 1985, đến nay có hơn 68.000 công ty đăng ký.

Hiện nay, 2 hình thức liên kết sản xuất trên chiếm 1/3 cơ sở nông nghiệp Pháp. Sau nhiều thập niên phát triển, GAEC và EARL đã có những đóng góp quan trọng như giúp nông dân ít vốn có điều kiện đầu tư máy móc để hiện đại hóa sản xuất, tăng giá trị gia tăng, giúp nông dân trẻ khởi nghiệp vững vàng hơn...

(Theo tài liệu từ Bộ Nông nghiệp Pháp)

Thanh Niên

>> Hậu Giang đẩy mạnh phát triển cánh đồng mẫu lớn
>> Cánh đồng mẫu lớn cho năng suất cao
>> Cánh đồng mẫu lớn giúp tăng lợi nhuận cho người trồng lúa
>> Bạc Liêu nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn
>> Thí điểm “Cánh đồng mẫu lớn” tại miền Bắc
>> Cần Thơ: Nuôi tôm càng xanh luân canh, lãi cao
>> Cải tạo ao nuôi tôm để... bán cát
>> Bè nuôi tôm lấn bãi tắm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.