Hơn tháng qua, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, tiếng loa truyền thanh của xã biên giới Mỹ Quý Tây (H.Đức Huệ, Long An) được nhiều bà con ở đây chờ đợi chứ không còn cảm thấy “phiền não” như trước.
“Tôi lớn tuổi, suốt ngày quần quật trong ruộng chanh. Mọi thông tin về dịch bệnh và các thông báo, quy định của chính quyền nhờ cả vào mấy cái loa truyền thanh của xã hết. Hiện nay 3 người con của tôi vẫn đang kẹt lại ở TP.HCM chưa về nên ngày nào cũng đón nghe loa thông báo tình hình Covid-19”, bà Bùi Thị Tâm (62 tuổi ở xã Mỹ Quý Tây) cho biết.
|
“Từ hồi dịch Covid-19 bùng phát lại là nhà đài tăng lượt phát thanh lên liên tục nên mình chỉ cần vừa làm việc nhà, việc đồng áng là có thể nghe thông tin chính thống”, anh Trần Ngọc Lâm (nhà ở xã Mỹ Quý Tây) cho hay.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Luyn (Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Truyền thanh H.Đức Huệ), Dự án đầu tư 52 Đài truyền thanh xã năm 2019 của tỉnh Long An, H.Đức Huệ được đầu tư tại tại 5 xã (Mỹ Quý Đông, Mỹ Quý Tây, Bình Hòa Hưng, Mỹ Bình, Bình Thành và Mỹ Thạnh Đông) với đầy đủ thiết bị hiện đại để phục vụ tác nghiệp. Qua thời gian sử dụng, hệ thống đã hoạt động tốt, chất lượng âm thanh to rõ, lan tỏa rộng, đáp ứng rất tốt yêu cầu công tác thông tin tuyên truyền của địa phương.
“Bà con ở huyên biên giới Đức Huệ còn nhiều khó khăn trong cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh nên từ khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại lần thứ tư, chúng tôi đã tăng thời lượng phát sóng lên gấp 5 lần trong ngày. Tiếng loa truyền thanh đã trở thành phương tiện chính kết nối giữa những người dân đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng và chính quyền địa phương”, bà Hồng Luyn cho hay.
Giúp người dân tiếp cận thông tin chống dịch
Trao đổi với PV Báo Thanh Niên, ông Trương Thanh Liêm (Bí thư Huyện ủy – Chủ tịch UBND H.Tân Trụ) cho rằng trong “cuộc chiến” chống dịch Covid-19, cùng với các lực lượng thông tin tuyên truyền khác, lực lượng truyền thanh cơ sở đã vào cuộc rất quyết liệt, nhanh và linh hoạt. Các nhân viên truyền thanh huyện luôn túc trực, cập nhật thông tin từ Ban Chỉ đạo các cấp, tại các “điểm nóng” để đưa tin nhanh, chính xác về tình hình dịch bệnh, phục vụ truy vết, khoanh vùng; thông báo khẩn, kịp thời các chính sách, biện pháp phòng chống dịch của chính quyền địa phương, cơ sở,... giúp những người dân có liên quan có được thông tin nhanh nhất để phòng chống Covid-19.
|
“Trên địa bàn H.Tân Trụ, chúng tôi đã bố trí lực lượng, phương tiện thông tin lưu động len lỏi, phát liên tục tại các khu phố, góc phố, tổ, ấp dân cư, chợ, nơi tập trung đông người, khu, cụm công nghiệp… đảm bảo phủ kín thông tin trên địa bàn để người dân được tiếp cận nhanh nhất”, ông Liêm nói.
Ông Nguyễn Bá Luân, Giám đốc Sở TT-TT Long An, cho biết trong 6 tháng đầu năm 2021, bình quân mỗi cụm loa truyền thanh ấp/khu phố đã tiếp âm khoảng 1.100 tin bài, thông báo về phòng, chống dịch Covid-19.
Theo ông Luân, tỉnh Long An đã đưa vào sử dụng 52 Đài truyền thanh xã vào cuối năm 2019, hệ thống truyền thanh cơ sở của tỉnh Long An đã được nâng cấp hiện đại, mở rộng kịp thời, sát thời điểm dịch bệnh Covid-19 xảy ra, phục vụ tốt hoạt động thông tin tuyên truyền ở cơ sở. Toàn tỉnh hiện có 188 đài truyền thanh cấp xã, 1.356 cụm loa truyền thanh ấp/khu phố, phủ sóng gần 95% địa bàn dân cư. Ngoài việc đảm bảo tốt tiếp âm các chương trình phát thanh 3 cấp (Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh và Truyền hình Long An, Đài Truyền thanh cấp huyện), các Đài truyền thanh cấp xã đã có nâng cao thời lượng, chất lượng chương trình tự sản xuất, đưa thông tin đa dạng, đầy đủ, kịp thời đến người dân ở cơ sở.
“Trước mắt, trên mặt trận phòng chống dịch Covid-19 đầy gian khó hiện nay, truyền thanh cơ sở đang huy ưu thế vốn có. Về lâu dài, truyền thanh cơ sở cũng phải cần phải thích ứng sớm chuyển đổi toàn bộ sang công nghệ ứng dụng công nghệ thông tin – viễn thông, chuyển đổi số để thu hút đông đảo người nghe. Sở TT-TT Long An luôn xác định, đài truyền thanh là thiết chế thông tin thiết yếu trong công tác thông tin tuyên truyền ở cơ sở”, ông Luân cho biết.
Bình luận (0)