Tên của người thợ làm bánh không được tiết lộ. Trong khoảng 20 năm qua, ông nhận đơn đặt hàng và giao những chiếc bánh có mạt cưa cho khách hàng bằng chuyển phát qua đường bưu điện, theo Oddity Central.
Thợ làm bánh này sống ở thành phố Karlsruhe (Đức). Món bánh mạt cưa của ông đã được bán và giao đến khách hàng trên khắp nước Đức.
Vào năm 2004, người thợ làm bánh này đã công khai mạt cưa là một thành phần làm bánh ngay trên bao bì. Ông đã viết thư gửi đến các nhà chức trách của thành phố Karlsruhe để thông báo việc này nhưng không được trả lời.
Đến năm 2017, các nhà chức trách lấy mẫu bánh đi kiểm tra định kỳ và phát hiện mạt cưa. Việc này dẫn đến một lệnh cấm bán với loại bánh đặc biệt này. Không còn cách nào khác, người đàn ông đã đưa vụ việc ra tòa.
Toà án ở thành phố Karlsruhe đã ra phán quyết cấm người thợ làm bánh bán món bánh có chứa mạt cưa vì cho rằng nó không phù hợp với người tiêu dùng. Tòa lập luận rằng mạt cưa được dùng làm chất độn và một số công dụng khác trong lĩnh vực công nghiệp và không nằm trong danh sách những thứ có thể ăn được.
Trong khi đó, người thợ làm bánh khăng khăng rằng bánh mạt cưa chỉ là một sản phẩm làm từ rau truyền thống. Mạt cưa được ông sử dụng như một nguyên liệu “thảo mộc” tương tự như cám và phù hợp để thay cho bột mì.
Một số bằng chứng nghiên cứu cho thấy vào những năm 1700, nhiều thợ làm bánh ở châu Âu đã bắt đầu sử dụng mạt cưa trong món bánh của họ. Cách này giúp hạ giá thành, giá bánh rẻ hơn và thu hút nhiều người mua hơn.
Việc mạt cưa xuất hiện trong thực phẩm không phải là hiếm. Vào năm 2016, một cuộc kiểm tra ở Mỹ phát hiện bột gỗ và xenlulo trong một số thương hiệu pho mát ở nước này, theo Oddity Central.
Bình luận (0)