Loại bỏ doanh nghiệp 'đi đêm', doanh nghiệp 'ma'

12/01/2021 06:22 GMT+7

Nghị định đầu tiên số 01/2021 về đăng ký doanh nghiệp được Chính phủ ban hành được kỳ vọng sẽ tạo đột phá trong cải cách và đặc biệt loại bỏ tình trạng doanh nghiệp “đi đêm”, doanh nghiệp “ma”...

Giảm từ 16 ngày còn 6 ngày

Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ KH-ĐT), Nghị định số 01/2021 được ban hành đã cụ thể hóa những cải cách, đổi mới của luật Doanh nghiệp (DN), khắc phục những bất cập, xử lý những vướng mắc trong thời gian qua.
Cụ thể, nghị định đã tích hợp 4 quy trình từ đăng ký thành lập DN; đăng ký bảo hiểm xã hội; khai trình lao động; đăng ký sử dụng hóa đơn vào 1 quy trình. Theo đó, DN sẽ chỉ phải chuẩn bị 1 bộ hồ sơ, kê khai 1 biểu mẫu, thực hiện thủ tục tại 1 cơ quan đăng ký kinh doanh và nhận 1 kết quả duy nhất. Các cơ quan nhà nước sẽ chia sẻ thông tin với nhau thay vì yêu cầu DN phải kê khai ở nhiều nơi như trước đây. Toàn bộ quy trình trao đổi thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước sẽ được thực hiện qua mạng điện tử.
Theo tính toán của Cục Quản lý kinh doanh, với cải cách này, quy trình khởi sự kinh doanh ở Việt Nam sẽ giảm từ 8 thủ tục với 16 ngày xuống chỉ còn 3 thủ tục với 6 ngày, giúp tạo nên bước tiến lớn trong khởi sự kinh doanh ở Việt Nam. Tức là giảm đến 10 ngày cho quy trình đăng ký kinh doanh.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, thuộc Học viện Tài chính, cho biết ông “nghiên cứu khá kỹ” Nghị định 01/2021 ngay sau khi được Chính phủ ban hành ngày 4.1.2021. “Chung quy của cải cách là giảm tối đa các chi phí cho DN. Tuy nhiên, tác động to lớn của nó là chúng ta tiến đến mô hình quản lý số hóa, mọi thông tin mang tính công khai, minh bạch, công bằng cho DN trong mọi hoạt động, nhưng đảm bảo các điều kiện kinh doanh. Đặc biệt, tránh thất thu thuế. Nghị định 01 đã “đụng chạm” đến nhiều vướng mắc triền miên kéo dài từ nhiệm kỳ này sang nhiệm kỳ khác. Đó là quản lý DN chồng chéo, mỗi bộ ngành đều tạo “thế giới riêng” quản lý do các số liệu không được liên thông với nhau, cụm từ “một cửa” được nói đến nhiều nhưng đi đâu cũng nghe DN than một cửa lớn nhưng có quá nhiều… cửa nhỏ do cách quản lý chưa được số hóa, hiện đại và đột phá đúng nghĩa của nó”, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh phân tích.
Đại diện Công ty SeaAir Global cho rằng trong nghị định này, tiện lợi nhất cho DN là được quản lý với 1 mã duy nhất, không có chuyện một DN có mỗi mã quản lý cho từng mảng như bảo hiểm xã hội, lao động việc làm và thuế. “Chính nhân viên của các DN mỗi lần tổng kết cuối năm đều mệt bở hơi tai với việc chạy đi chạy lại bổ sung các giấy tờ cho từng cơ quan. Quy về một mối vừa giúp DN dễ quản lý hoạt động của DN vừa giúp các cơ quan nhà nước tránh tối đa gặp những rủi ro trong thu thuế, thu bảo hiểm xã hội…”, vị này nói.
Mọi cải cách cần thời gian để hoàn thiện. Song với những thay đổi mạnh mẽ có tính căn cơ trong nghị định đầu tiên của năm 2021 này, DN có quyền kỳ vọng vào một môi trường hoạt động ngày càng công khai, minh bạch và sòng phẳng hơn, đặc biệt tốt hơn nhiều cho các DN làm ăn chân chính.
Ông Đinh Trọng Thịnh
Tương tự, ông Phạm Thịnh, đại diện một DN nhập khẩu thịt đông lạnh phía bắc, cũng cho rằng ngay quy định cho mở thêm các phòng đăng ký kinh doanh tại các TP lớn giúp tạo nhiều thuận lợi hơn cho DN ở xa. Quy định cũ chỉ cho phép TP.HCM và Hà Nội mở thêm điểm đăng ký kinh doanh, trong khi DN ở Hải Phòng muốn đăng ký phải phụ thuộc vào một nơi đăng ký, phải đi xa hơn.
“Ngoài ra, trong quy định công bố nội dung đăng ký DN, có các quy định về tên tiếng Anh rất tiến bộ. Vấn đề này chúng tôi và một số công ty gặp phải trước đây, do mỗi DN tự đặt tên tiếng Anh và viết sai lung tung, nhưng chính cán bộ thụ lý hồ sơ lại không để ý, dẫn đến việc DN có tên tiếng Việt và tiếng Anh đôi khi chẳng liên quan nhau”, ông Phạm Thịnh nhận xét.

Nên phân vai cụ thể

Dẫn điều 41 của Nghị định 01, chuyên gia thương mại Nguyễn Lý Trường An cho rằng, hiện Bộ KH-ĐT đã thực hiện mục thông tin DN trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký kinh doanh đã từ lâu rồi. Tuy nhiên, luật hóa quy định này sẽ tốt hơn và tính lan tỏa của nó mạnh mẽ hơn nhiều. Có căn cứ pháp lý để thực hiện các quản lý DN trên hệ thống điện tử là điều tốt. Song với quy định mới này, việc quản lý hoạt động DN được đặt lên vai Phòng đăng ký kinh doanh là chính mà nhẽ ra liên quan nhiều đơn vị khác nữa.
Vì thế, theo ông An, phòng đăng ký kinh doanh chỉ là bước đầu, cập nhật và công bố thông tin. Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 01 nên có những quy định vai trò, trách nhiệm của các cơ quan cụ thể như phòng đăng ký kinh doanh của Sở KH-ĐT, Chi cục thuế của Cục thuế, phòng bảo hiểm xã hội của Sở LĐ-TB-XH tại các địa phương sẽ làm gì để quản lý hoạt động một DN đơn giản mà hiệu quả nhất nhưng không được làm khó DN, cũng không đùn đẩy trách nhiệm. Chỉ cần DN chậm nộp thuế, cơ quan thuế phải kiểm tra ngay, chậm nộp bảo hiểm xã hội thì đơn vị đó phải cập nhật tình hình, trao đổi ngay với phòng đăng ký kinh doanh để có các biện pháp xử lý phù hợp. Như vậy sẽ giảm thiểu tối đa tình trạng DN bỏ trốn khỏi địa phương mà không ai biết, DN “ma”... do vai trò giám sát của cộng đồng với DN cũng được minh bạch hơn.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh khẳng định Nghị định 01 nếu được triển khai một cách nghiêm túc, chuyên nghiệp sẽ giải quyết nhiều vấn nạn tiêu cực trong quản lý DN. Cụ thể, do thông tin DN được đưa lên cổng thông tin quốc gia nên ai cũng có thể vào xem để biết DN đó đang được hưởng những chính sách ưu đãi gì, ưu đãi thuế DN ra sao, ưu đãi thuê đất thế nào… nên không có chuyện DN “lobby” hay “đi đêm” với cán bộ thuế để được đóng thuế thấp hơn. Hoặc trường hợp lập DN chỉ để bán hóa đơn, công ty ma để nhập hàng trốn thuế… trước đây, qua cách hệ thống hóa dữ liệu quản lý, sẽ bị phát hiện và xử lý sớm hơn nhiều trường hợp trước đây, khi cơ quan thuế, hải quan về kiểm tra mới hay DN chưa từng hoạt động tại địa phương hay biến mất mà không ai hay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.