Loạn cấp chứng nhận ngoại ngữ: Tổ chức thi như bán hàng đa cấp

11/10/2016 07:18 GMT+7

Một cán bộ phụ trách Đề án ngoại ngữ 2020 của ĐH Thái Nguyên cũng cho biết dù đã chấn chỉnh như vậy nhưng thực tế diễn biến rất phức tạp, hệt như 'bán hàng đa cấp'!

Bộ GD-ĐT chỉ công nhận 10 cơ sở giáo dục được tham gia đánh giá và cấp chứng nhận ngoại ngữ theo khung năng lực 6 bậc, nhưng thực tế mạng lưới thi và cấp chứng nhận chằng chịt khiến ngay cả đơn vị liên quan cũng không kiểm soát được.
Nở rộ dịch vụ môi giới
10 cơ sở giáo dục mà Bộ GD-ĐT cho phép được đánh giá và cấp chứng nhận ngoại ngữ theo khung năng lực 6 bậc (khung tham chiếu châu Âu) gồm: ĐH Thái Nguyên, các trường ĐH: Hà Nội, Ngoại ngữ Hà Nội, Ngoại ngữ Huế, Ngoại ngữ Đà Nẵng, Sư phạm TP.HCM, Cần Thơ, Sư phạm Hà Nội, Vinh và Trung tâm SEAMEO RETRAC. Tuy nhiên, do các cơ quan quản lý nhà nước không có những quy định về điều kiện đảm bảo chất lượng cho hoạt động tổ chức thi để cấp chứng chỉ này nên hoạt động trên ở nhiều nơi mặc sức bung ra nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường, bất chấp chất lượng thi cử ra sao.
Một cán bộ Trung tâm đào tạo liên tục (Trường ĐH Vinh) cho biết ngoài việc tổ chức thi ngay tại Trường ĐH Vinh, trung tâm còn liên kết với nhiều đơn vị ngoài trường theo hình thức “tạo nguồn” để tổ chức thi khắp nơi. Tại Hà Nội, trường ký kết “tạo nguồn” với 3 đơn vị: Trường trung cấp Thái Nguyên (cơ sở tại Hà Nội), Trung tâm đào tạo từ xa của Trường ĐH Hòa Bình và Trường ĐH Tài nguyên - Môi trường. Khi chúng tôi nêu tên một số đơn vị ở Hà Nội hiện đang quảng cáo “tạo nguồn” cho Trường ĐH Vinh, người này giải thích có thể có chuyện Trường ĐH Vinh ký với một trường, vì trường đó muốn nguồn rộng thì làm việc thêm với các trường A, B, C… nào đó. Cũng có thể có chuyện một trường D “gom” người rồi “bán” lại cho đơn vị mà trường Vinh đã có thỏa thuận liên kết.
Thông tin mù mờ
Thông tin về hoạt động khảo thí của 10 đơn vị nêu trên rất mù mờ. Các trường này không chỉ trực tiếp tổ chức thi ngay tại trường mà còn cho phép các đơn vị liên kết tham gia và tổ chức thi ở khắp nơi. Trong khi đó, người có nhu cầu lấy chứng nhận lên website của các trường tìm đỏ mắt cũng không hề thấy các thông tin cần thiết. ĐH Thái Nguyên từ tháng 9.2016 bắt đầu đưa lên website kế hoạch thi nhưng rối rắm với những thuật ngữ “đơn vị tạo nguồn”, “đơn vị đối tác phối hợp”.
Nguồn gốc là cơ chế xin - cho
Một cán bộ phụ trách Đề án ngoại ngữ 2020 của ĐH Thái Nguyên cũng cho biết dù đã chấn chỉnh như vậy nhưng thực tế diễn biến rất phức tạp, hệt như “bán hàng đa cấp”! Nếu căn cứ vào thông báo của các trường, các trung tâm thì nhiều nơi “treo đầu dê bán thịt chó” lắm. Kể cả những đơn vị lần trước đã để xảy ra dư luận mua bán bằng thì bây giờ vẫn treo thông báo trên website là liên kết với ĐH Thái Nguyên.
Nhiều người cho rằng sở dĩ hoạt động cấp chứng nhận ngoại ngữ loạn là bởi lợi ích kinh tế thông qua hoạt động ôn thi mà 10 đơn vị được Bộ cho phép cấp chứng chỉ “bán” lại cho các đối tác phối hợp và đơn vị tạo nguồn. Vì thế, dù lệ phí thi và cấp chứng nhận chỉ khoảng trên dưới 2 triệu đồng (với chứng chỉ B1) nhưng thực tế phải nộp ít nhất 4 - 5 triệu đồng bởi lệ phí ôn thi gần như là bắt buộc.
Theo nhiều nhà chuyên môn, việc cho phép các cơ sở giáo dục được tham gia đánh giá và cấp chứng nhận ngoại ngữ theo khung 6 bậc của VN thực hiện cảm tính là nguyên nhân hàng đầu tạo môi trường tiêu cực. Thay vì đưa ra các điều kiện, tiêu chuẩn để đơn vị nào đáp ứng được các điều kiện, tiêu chuẩn đó được tham gia thì việc lựa chọn nặng về xin - cho. Vì thế, hoạt động này ở nhiều đơn vị diễn ra thiếu chuyên nghiệp, không minh bạch.
Thông báo một đằng, cấp chứng nhận một nẻo
Nhiều giáo viên tỉnh Ninh Thuận bất bình vì Trung tâm GDTX tỉnh Sở GD-ĐT thông báo học, thi và được cấp chứng nhận theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc, nhưng sau đó Sở tổ chức thi cấp chứng chỉ A và B.
Giải thích điều này, ông Nguyễn Anh Linh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết: “Do Bộ GD-ĐT đang dự thảo lấy ý kiến nên chưa ban hành quy chế tổ chức thi, cấp chứng nhận và mẫu theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc để Sở tổ chức thi và cấp chứng nhận 3 bậc đầu tiên: A1, A2, B1. Hiện tại, sau khi học xong, ai muốn thi sẽ được cấp chứng chỉ A và B như cũ vì Bộ đã có văn bản chuyển đổi từ chứng chỉ A, B, C sang khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc. Sở cũng chỉ đạo các cơ sở ngoại ngữ của tỉnh liên kết với các trường ĐH đã được Bộ cấp phép để tổ chức thi”.
Đình Tuấn

tin liên quan

Loạn cấp chứng nhận ngoại ngữ
Dù không được phép tổ chức thi và cấp chứng nhận trình độ ngoại ngữ theo khung tham chiếu châu Âu, nhưng nhiều nơi vẫn vô tư chào mời người học tham gia với hứa hẹn tỷ lệ đỗ cao, thậm chí đảm bảo đỗ 100%.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.