Loạn danh xưng trường quốc tế: Cần đưa vào khuôn khổ

11/08/2019 08:55 GMT+7

Từ việc loạn danh xưng các trường quốc tế hiện nay, theo nhiều chuyên gia, điều này cho thấy tình trạng luật đi sau thực tế ở nước ta trong nhiều lĩnh vực là không lạ lẫm.

 Đã từ lâu giới chuyên môn nhận biết có hiện tượng gọi tên trường không đúng thực chất, có tính chất “mê hoặc” người dân về khái niệm trường" quốc tế”.
Tiến sĩ Đỗ Thị Ngọc Quyên, một chuyên gia độc lập chuyên nghiên cứu về giáo dục, chia sẻ: “Từ “quốc tế” trong tên trường mà nhiều trường đang sử dụng, tôi từng tìm nhiều văn bản mà không thấy ở đâu nhắc đến khái niệm này. Vì thế, người ta có quyền hồ nghi liệu các cơ quan tham mưu chính sách cũng như các cấp quản lý giáo dục có hiểu rõ và định nghĩa thế nào là trường quốc tế?”.
Theo tiến sĩ Ngọc Quyên, thị trường giáo dục ngoài công lập hiện nay về cơ bản là thị trường bất đối xứng thông tin, tức là phụ huynh thiếu thông tin hoặc thiếu tiếp cận với thông tin chuẩn xác để có thể đưa ra quyết định phù hợp. Có những trường mang danh quốc tế, quảng cáo rầm rộ về các công nhận và chứng nhận quốc tế, có đủ Anh, Mỹ, Singapore, Úc…, nhưng không có thực chất. Cũng có những trường hoàn toàn “thuần Việt”, đưa thêm cấu phần tiếng Anh và gắn mác quốc tế. Rồi nhan nhản những trường tư thu học phí cao mà chất lượng còn thua xa trường cô3ng. Nhưng cũng có những trường làm giáo dục đúng nghĩa tử tế mà không cần đeo bám vào chữ “quốc tế”. Cái nguy hại là giả và thật trộn lẫn nên phụ huynh cũng không biết đâu mà lần.

Các cơ quan quản lý nhà nước và giáo dục cần đưa ra các quy định cụ thể về việc công nhận thế nào là trường quốc tế

Phạm Hùng

Bà Quyên khẳng định: “Trách nhiệm của cơ quan chức năng là phải tạo ra một hành lang pháp lý và giám sát thực thi để không bị vàng thau lẫn lộn. Để xảy ra như hiện giờ, thị trường giáo dục tư nhân không phân biệt thật giả thì đương nhiên vai trò quản lý nhà nước cần phải xem xét trước nhất”.
Theo tiến sĩ Lê Thống Nhất, quản lý dự án giáo dục Big School, nhiều phụ huynh cứ thấy có chữ quốc tế trong tên trường, thì tưởng rằng đây là trường quốc tế. Vì vậy, các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục cần đưa ra các quy định cụ thể về việc công nhận thế nào là trường quốc tế. Trường quốc tế là đạt chuẩn quốc tế về chương trình, giáo viên hay cơ sở vật chất? Có các chuẩn của Singapore, của Mỹ hay của Úc?
Tiến sĩ Lê Thống Nhất cho rằng lỗ hổng này là từ cơ quan quản lý. Ngay từ khi cấp phép, nếu có quy định rõ trước đó thì các sở GD-ĐT sẽ không thể cấp phép các trường lấy chữ “quốc tế” hàng loạt như hiện nay. Nếu bản chất trường không phải quốc tế thì tên trường tuyệt đối không thể có chữ quốc tế. Bộ GD-ĐT cần có những định hướng rõ ràng.
Ông Nguyễn Đức Quốc, Chủ tịch Tập đoàn giáo dục quốc tế Nam Việt, cũng đồng ý hiện nay luật không quy định về đặt tên trường quốc tế nên có quy định rõ ràng về chuyện này.
Có lẽ đã thấy được thực tế này nên ngày 8.8, tại buổi công bố kết luận thanh tra việc quản lý hoạt động liên kết đào tạo, quản lý, cấp phát văn bằng, chứng chỉ của Sở GD-ĐT Hà Nội, ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT, đề nghị Sở GD-ĐT Hà Nội sớm tổ chức rà soát, thanh tra, kiểm tra những cơ sở giáo dục mang danh trường quốc tế. Mục đích thanh tra để nhận diện rõ hơn, quản lý tốt hơn, nâng cao chất lượng giáo dục...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.