Loạn dịch vụ tư vấn điều trị trầm cảm

29/04/2024 06:58 GMT+7

Sau đại dịch Covid-19, khủng hoảng sức khỏe tâm thần diễn ra ngày càng nhiều, trong đó rối loạn lo âu và trầm cảm là phổ biến nhất.

Tại một cuộc hội thảo trực tuyến kỷ niệm ngày Sức khỏe tâm thần thế giới hồi năm 2021, các chuyên gia công bố kết quả phân tích 66 nghiên cứu trên thế giới về tỷ lệ mắc các rối loạn tâm thần cho thấy dịch Covid-19 đã làm gia tăng đáng kể các rối loạn tâm thần như rối loạn trầm cảm (31,4%), rối loạn lo âu (31,9%) và rối loạn giấc ngủ (41,1%). Đến nay, những tỷ lệ này vẫn tiếp tục cao. Nắm bắt điều này, nhiều tổ chức thành lập các trung tâm cung cấp dịch vụ tư vấn, tham vấn về bệnh trầm cảm online có tính phí.

Một trung tâm đăng bài quảng cáo trên website có “bác sĩ tâm lý” tham vấn miễn phí

Một trung tâm đăng bài quảng cáo trên website có “bác sĩ tâm lý” tham vấn miễn phí

Chụp màn hình

Loạn "bác sĩ tâm lý", chuyên gia tâm lý

Tìm từ khóa "tư vấn trầm cảm online" trên Google, người dùng được trả về gần 14 triệu kết quả trong 0,34 giây. Tuy nhiên, loại hình này đang có nhiều bất cập và cả nguy cơ khi các trung tâm quảng cáo người thực hiện tham vấn không có bằng cấp phù hợp, gây hiểu lầm cho khách hàng.

Trong vai người có dấu hiệu trầm cảm, chúng tôi liên hệ với website trung tâm M. có cung cấp dịch vụ "Bác sĩ tâm lý tư vấn online", để tìm người tham vấn. Sau khi trao đổi về tình trạng gặp phải, chúng tôi được tư vấn các gói dịch vụ với giá dao động từ 500.000 - 2 triệu đồng/giờ, tương ứng với thâm niên của từng chuyên gia tâm lý. Bên cạnh đó, trung tâm này cũng có tư vấn online miễn phí qua tin nhắn, người thực hiện được quảng cáo là "bác sĩ tâm lý".

Thắc mắc về chương trình, chúng tôi được giải thích dịch vụ tư vấn miễn phí sẽ do các thạc sĩ lâm sàng chuyên môn tâm lý thực hiện. Còn nếu trả phí sẽ được chuyên gia nhiều kinh nghiệm của trung tâm tham vấn và trị liệu. Nơi này khẳng định: "Ở trung tâm không có bác sĩ. Khi đi điều trị và dùng thuốc tại bệnh viện thì mới gọi là bác sĩ", điều này khác hẳn với bài đăng quảng cáo trên website.

Trước đó, chị V.A (19 tuổi, TP.Thủ Đức, TP.HCM) muốn trị liệu về stress và trầm cảm nên thử liên hệ một trung tâm tâm lý trị liệu có cơ sở tại Q.Bình Thạnh hỏi về liệu trình tham vấn. Nhưng khi tìm hiểu thông tin của những "chuyên gia tâm lý" trên website, chị V.A nhận thấy họ không có bằng cấp chính quy về tâm lý học hoặc ngành học liên quan mà chỉ có những chứng chỉ tâm lý và chứng chỉ coaching (khai vấn). Thậm chí, có cá nhân sở hữu những chứng nhận không rõ giá trị trong công tác tư vấn - tham vấn - trị liệu tâm lý như "Chứng nhận tâm linh", "Chứng nhận chữa lành quy hồi tiền kiếp Reiki" và "Chứng nhận Đông Phương học (nhân tướng, kinh Dịch)".

"Ngoài thông tin cá nhân và vấn đề cần tham vấn thì họ không hỏi gì khác, không tư vấn các gói hay liệu trình tham vấn phù hợp với điều kiện tài chính của khách. Họ nói phải được chuyên gia của trung tâm đánh giá mức độ nặng nhẹ và đưa ra lộ trình thì mới tính phí. Tôi hỏi nhiều lần thì trung tâm mới cho biết phí là 500.000 đồng/phiên", V.A chia sẻ.

Chỉ hỏi qua loa

Được quảng cáo là phương pháp có nhiều ưu điểm, nhưng với những người đã từng sử dụng, dịch vụ này vẫn còn nhiều hạn chế, chưa mang lại hiệu quả cao.

Giai đoạn TP.HCM thực hiện giãn cách do dịch Covid-19, anh V.T.C (Q.Phú Nhuận) bắt đầu xuất hiện những triệu chứng bất ổn về sức khỏe tâm thần. Anh C. mất tập trung trong học tập, luôn mệt mỏi, đổ mồ hôi ướt người khi lo lắng, khó ngủ, tim đập nhanh và khó kiểm soát hơi thở. "Cơ thể tôi lúc đó phản ứng rất rõ, thậm chí tôi còn gặp ảo giác, không phân biệt được đâu là mơ, đâu là thật", anh kể.

Nhận thấy cần được hỗ trợ, anh C. tìm đến dịch vụ tham vấn tâm lý online. "Tôi được tham vấn với mức giá 250.000 đồng/phiên, người thực hiện tham vấn là nữ. Cô này thăm hỏi, gọi tên vấn đề mà tôi đang gặp, khi biết tôi có ý định tự sát, cô ấy đưa cho tôi phiếu cam kết không làm hại bản thân để ký. Sau 2 phiên tham vấn, tôi phải đổi người thực hiện và người mới chỉ hỏi qua loa rồi kết thúc phiên nên tôi thấy không hài lòng, quyết định không tham vấn nữa", anh C. cho biết.

Tương tự, chị N.A (21 tuổi, TP.Thủ Đức) gặp áp lực gia đình và công việc nên tìm đến loại dịch vụ này để được lắng nghe, thấu hiểu. "Tôi không biết mình có mắc trầm cảm hay không, cơ thể luôn mệt mỏi, gặp căng thẳng sẽ bị nôn, hay cáu gắt. Lúc đó tôi ở quê, không đến bệnh viện khám được nên đành tìm chỗ tham vấn online", chị A. kể.

Tìm hiểu thông tin trên mạng, chị A. liên hệ với một trung tâm và được hướng dẫn tham vấn qua tin nhắn, gọi điện thoại. "Sau khi cung cấp tình trạng của mình, người thực hiện tham vấn nói họ sẽ không chẩn đoán vấn đề mà chỉ có thể hỗ trợ lắng nghe để tôi bình tĩnh. Tuy nhiên, khi tôi gọi điện cho người tham vấn thì người này không trả lời ngay, nhắn tin thì khoảng 2 tiếng sau mới có phản hồi. Phải chờ đợi quá lâu nên tôi ngừng sử dụng dịch vụ", A. nói.

Chia sẻ trải nghiệm tham vấn tâm lý online, Bảo Thoa (22 tuổi, ở TP.Thủ Đức) nhận xét đây là loại hình khá phổ biến sau dịch Covid-19 nhưng vẫn có nhiều hạn chế. "Tôi thấy hình thức này khá tiện nhưng chưa lợi (chưa hiệu quả). Người thực hiện tham vấn không tiếp xúc trực tiếp với tôi, không thấy được những thay đổi cảm xúc, cử chỉ của thân chủ nên bị động trong việc tiếp cận câu chuyện. Đường truyền mạng, việc bảo mật thông tin trong các phiên tham vấn thế này cũng là điều tôi khá lo lắng, không biết câu chuyện của mình có bị ai nghe thấy không?", chị Thoa cho biết. (còn tiếp)

Sức khỏe tâm thần được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) định nghĩa là trạng thái cân bằng, cả bên trong cơ thể và với môi trường, có thể đối phó với những căng thẳng bình thường trong cuộc sống, có thể làm việc hiệu quả và đóng góp cho cộng đồng. Sức khỏe tâm thần và thể chất có mối liên hệ không thể tách rời.

Theo Bộ Y tế, tỷ lệ mắc 10 rối loạn tâm thần thường gặp tại VN là 14,9% dân số. Trong đó, tỷ lệ tâm thần phân liệt là 0,47%; trầm cảm, lo âu chiếm 5 - 6%, còn lại là các rối loạn tâm thần khác như rối loạn cảm xúc lưỡng cực, rối loạn tâm thần liên quan tới sử dụng rượu bia, ma túy và các chất gây nghiện khác… Ở trẻ em, con số này rơi vào khoảng hơn 3 triệu trẻ có nhu cầu chăm sóc sức khỏe tâm thần.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.