Nhiều nông dân “hoa mắt” khi đến chợ giống cây trồng “Ea Kmát”, không biết đâu là giống thật, đâu là giống dởm.
|
“Mê trận” giống Ea Kmát
Nhiều năm nay, địa bàn xã Hòa Thắng, TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) được xem là chợ giống cây trồng với hàng trăm cơ sở kinh doanh, hầu hết đều treo biển cung cấp “giống cây trồng Ea Kmát”. Cây giống ở đây chủ yếu là cà phê, ngoài ra còn có ca cao, cao su, tiêu, cây rừng trồng, cùng các giống cây ăn trái... Hàng năm, các cơ sở này cung cấp hàng triệu cây giống không chỉ trên địa bàn Đắk Lắk mà còn cho nhiều tỉnh Tây nguyên và ngoài khu vực.
Ông Trần Vinh, Giám đốc Công ty Ea Kmát, cho biết “Ea Kmát” nguyên là tên một buôn đồng bào thiểu số ở xã Hòa Thắng. Viện KHKT nông lâm nghiệp Tây nguyên đóng trên địa bàn xã này trước đây có tên gọi Viện nghiên cứu cà phê Ea Kmát (trước năm 1975 là Trung tâm nông lâm súc Ea Kmát). “Vài năm nay, khi Công ty Ea Kmát hoạt động, khá nhiều đơn vị, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống cây trồng xung quanh khu vực này đều lấy tên “Ea Kmát”. Điều này cũng gây nhầm lẫn, phức tạp trên thị trường giống cây trồng”, ông Vinh nhận xét. Với 4 ha vườn ươm, hàng năm Công ty Ea Kmát cung ứng khoảng 3 triệu cây giống và nhiều tấn hạt giống cà phê ra bên ngoài, nhưng không phải tất cả các đại lý “Ea Kmát” trong vùng đều mua giống của công ty. “Có đại lý chỉ mua của Công ty Ea Kmát một lượng ít chồi cà phê về ghép nhưng lại bán ra số lượng gấp nhiều lần. Do đó, không thể nói toàn bộ giống “Ea Kmát” của các đại lý đều xuất xứ từ Công ty Ea Kmát”, ông Vinh giải thích.
Khó xử lý
Ông Trần Vinh cho biết cách đây không lâu có trường hợp một nông dân đến Công ty Ea Kmát phản ảnh việc mua giống cà phê “Ea Kmát” của một cơ sở trong vùng, nhưng sau khi trồng vài năm mới phát hiện cây sinh trưởng kém, năng suất thấp. Theo ông Vinh, việc mua giống trôi nổi trong số hàng trăm cơ sở giống “Ea Kmát”, lại không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc nên khó yêu cầu bồi thường thiệt hại. Từ trường hợp trên cho thấy việc lợi dụng danh tiếng “Ea Kmát” của nhiều cơ sở kinh doanh đã ảnh hưởng đến chất lượng giống cây trồng khi đưa ra thị trường, khiến nông dân chịu thiệt khi mua phải giống dởm.
Ông Hoàng Thái Dương, Chánh thanh tra Sở NN-PTNT Đắk Lắk, cho biết những năm gần đây, sở có nhiều đợt thanh tra, kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây trồng trên địa bàn nhưng vì nhiều lý do khó kiểm soát được toàn bộ chất lượng cây giống. Ông Dương trần tình: “Cái khó là khi tổ chức thanh tra, các cơ sở giống biết tin đều tạm thời đóng cửa, nghỉ kinh doanh; hoặc chủ doanh nghiệp, đại lý trốn tránh, không hợp tác. Năm ngoái, có doanh nghiệp vi phạm, bị phạt tiền, thu hồi giấy phép nhưng sau đó tìm cách đăng ký kinh doanh trở lại với tên người khác”.
Theo ông Dương, do đặc thù là cây trồng nên việc đánh giá chất lượng cây giống cũng rất khó khăn, trên thực tế có những cơ sở kinh doanh có giấy tờ xác nhận xuất xứ giống từ cây đầu dòng hợp pháp nhưng lại bán những giống cây trôi nổi, không rõ nguồn gốc. “Vì thế, người nông dân khi mua cây giống cần tự bảo vệ mình trước tiên bằng việc tìm đến các đơn vị cung ứng giống bảo đảm uy tín, nguồn giống có xuất xứ rõ ràng, mua bán phải có hóa đơn, chứng từ hoặc cam kết bảo đảm chất lượng”, ông Dương nhận định.
Trung Chuyên
>> Xuất khẩu cây giống: Vui ít, lo nhiều
>> Sốt' cây giống xáo tam phân
>> Cây giống “cháy hàng”
>> Hỗ trợ 7.500 cây giống chanh không hạt
>> Hơn 23 nghìn cây giống sâm Ngọc Linh bị mất cắp
>> Cây giống Bến Tre bán chạy
Bình luận (0)