Loạn mua bán thông tin cá nhân trên mạng: Đủ chiêu trò của các 'đầu nậu'

28/06/2022 05:30 GMT+7

Như Thanh Niên số ra ngày 27.6 đã đề cập, tình trạng loạn mua bán thông tin cá nhân trên mạng xã hội có nguy cơ gây ra nhiều hệ lụy khó lường.

Theo điều tra của PV Thanh Niên, sau khi trao đổi thông tin, nhận tiền cọc, những người bán CCCD, CMND, tài khoản và thẻ ngân hàng đã trực tiếp đến điểm hẹn ở TP.HCM để giao hàng và nhận số tiền còn lại từ người mua.

Công khai giao nhận

Sau khi trao đổi với người bán thông qua tài khoản “Yumi Su” (hoạt động thường xuyên trên nhóm “mua bán tài khoản ngân hàng”) thì người này đồng ý giao trực tiếp cho chúng tôi 30 CCCD, CMND với giá 7,5 triệu đồng trên đường Đỗ Xuân Hợp (TP.Thủ Đức). Tại điểm hẹn xuất hiện một người đàn ông chạy xe công nghệ mang 30 CCCD, CMND đến giao cho chúng tôi. Trong lúc người đàn ông này đang cầm xấp “hàng” trên tay thì bị tổ công tác tuần tra Công an P.Phước Bình (TP.Thủ Đức) phát hiện và kiểm tra hành chính.

Làm việc với công an, tài xế xe công nghệ này được xác định tên T.Q.P. Ông P. cho biết trong quá trình hành nghề giao hàng và chở khách, ông có quen một người tên Dũng (ngụ Q.Bình Tân). Sáng 23.6, Dũng gọi và nhờ ông giao 30 CCCD, CMND cho khách hàng tại đường Đỗ Xuân Hợp. Ông P. nói chỉ giao hàng cho Dũng (ăn 5.000 đồng/km) chứ không có mối quan hệ hay ăn chia gì trong việc mua bán CCCD, CMND.

Tài xế này thừa nhận trước đó đã 2 lần đi giao và nhận CCCD, CMND cho Dũng tại Q.7 và Q.Bình Tân. “Dũng nó có đường dây đi thu mua CCCD, CMND tại các nhà nghỉ, khách sạn, tiệm cầm đồ và bán lại. Sau khi có hàng nó kêu tôi đi nhận và giao cho người có nhu cầu. Tôi không biết giá bán, giá mua như thế nào”, ông P. khai nhận.

Người bán có tài khoản tên “Qui Lâm” (trái) đi giao CMND khi khách đặt mua

Công Nguyên

Công an P.Phước Bình đã lập biên bản sự việc, lấy lời khai ban đầu, tạm giữ 30 CCCD, CMND nói trên. Theo ông P., sau nhiều lần liên lạc với ông không được, Dũng đã khóa Zalo, cắt liên lạc với ông. “Khi nhận CCCD, CMND của Dũng yêu cầu đi giao cho khách hàng tôi không biết là vi phạm pháp luật. Qua làm việc với công an, tôi đã nhận thức được hành vi của mình và rút kinh nghiệm từ nay không nhận và đi giao CCCD, CMND nữa”, ông P. nói.

PV Thanh Niên tiếp tục trao đổi và hẹn gặp người bán thông qua tài khoản tên “Qui Lâm” để mua 8 CMND giá 150.000 đồng/cái. Đúng hẹn, người này mang 8 CMND đến giao. Tại điểm hẹn, khi chúng tôi hỏi số CMND này từ đâu ra, thì người bán, tên thật là D.Q.H (22 tuổi, quê Bình Định), thừa nhận cũng lên các hội nhóm “mua bán thông tin cá nhân” mua với giá 120.000 đồng/cái và bán lại kiếm lời 30.000 đồng/cái. H. đang là sinh viên năm 3 của một trường đại học tại TP.Thủ Đức. Ngoài việc đi học, H. còn chạy xe công nghệ để kiếm sống. “Em không biết việc mua bán CMND, CCCD là vi phạm pháp luật, từ nay em không dám mua bán giấy tờ cá nhân của người khác”, H. nói. Riêng 8 CMND nói trên, H. xin tự nguyện giao nộp lại công an.

Trước đó, ngày 20.5, qua Facebook, chúng tôi liên hệ được với một “trùm” tên H.V.L (Q.5, TP.HCM) chuyên dùng CCCD, CMND của người khác để mở thẻ ngân hàng. L. ra giá 2,5 triệu đồng/thẻ ngân hàng trọn gói và cho biết thêm khách hàng của mình đa số là người sử dụng ma túy, cá độ, lừa đảo chuyên dùng thẻ ngân hàng mở bằng CCCD, CMND của người khác để nhận, chuyển tiền mờ ám hoặc tham gia những hoạt động có những nguồn tiền bất chính nhằm gây khó khăn cho quá trình truy xét, điều tra. Trưa 23.6, như thỏa thuận, L. chạy xe máy trực tiếp đến giao cho chúng tôi 1 thẻ ngân hàng, 1 sim điện thoại và hình ảnh CCCD. Thấy không phù hợp, chúng tôi từ chối và chấp nhận mất tiền cọc.

CCCD, CMND thất lạc bỗng dưng bị mua bán

Qua xác minh ban đầu 30 CCCD, CMND thu giữ từ ông T.Q.P (người chạy xe công nghệ đi giao hàng đề cập ở trên), Công an P.Phước Bình xác định đa số là thật, thuộc sở hữu của nhiều người có thường trú khắp các tỉnh, thành và TP.HCM. Có những CMND được cấp cách đây hơn 10 năm, có nhiều CCCD gắn chíp vừa được cấp.

Lần theo địa chỉ ghi trên CCCD có tên N.T.P (47 tuổi), chúng tôi tìm về ngôi nhà nằm trên đường số 8 (KP.1, P.Linh Tây, TP.Thủ Đức). Sau khi xem hình ảnh CCCD mà chúng tôi chụp được, bà P. thừa nhận CCCD này là của mình và bị mất hồi tháng 5.2022. Theo bà P., ngày 12.5.2022, bà đi mua đồ tại một cửa hàng trên đường Phạm Văn Đồng thuộc P.Linh Tây (TP.Thủ Đức). Lúc này, có một nhóm người đi trên nhiều xe máy tiến đến bẻ khóa chiếc xe của bà rồi nhanh chóng tẩu thoát.

30 CCCD, CMND bị mua bán được công an thu giữ

“Giấy tờ tùy thân của tôi nằm trong cốp xe bị trộm. Ngay sau khi vụ việc xảy ra, tôi đã đến Công an P.Linh Tây trình báo. Tôi cũng đã báo mất và đăng ký làm lại thẻ CCCD nhưng chưa nhận được kết quả”, bà P. cho hay. Bà nói thêm từ khi mất giấy tờ cá nhân, bà rất lo lắng vì không biết CCCD của mình ai đang giữ, sử dụng vào mục đích gì: “Tôi lo lắm, sợ người ta lấy đi làm cái gì xấu ảnh hưởng tới bản thân. Nay biết CCCD của mình đã được công an thu giữ thì gánh nặng trong lòng tôi đã vơi đi phần nào”.

Cũng từ thông tin CCCD vừa bị thu giữ, chúng tôi tìm đến nhà ông P.V.D (KP.1, P.Cát Lái, TP.Thủ Đức) thì được biết trong một lần đi khám ở bệnh viện trên địa bàn TP.Thủ Đức, ông D. bị thất lạc thẻ CCCD. “Tôi kẹp vào cuốn sổ khám bệnh, sau đó quên luôn đến khi kiểm tra lại thì mới hay đã bị mất. Bọn này tài thật, kiểu gì mà CCCD của tôi lại lọt vào tay bọn chúng rồi bị buôn bán như món hàng, chắc chắn là tồn tại những đường dây buôn bán CCCD”, ông D. bức xúc và cho biết thêm đã làm lại CCCD mới.

Tương tự, chúng tôi liên hệ được với N.Q.H (29 tuổi, thường trú tại KP.Ninh Tịnh 3, P.9, TP.Tuy Hòa, Phú Yên). H. bất ngờ khi CMND của mình bị người khác mua bán công khai. H. cho biết năm 2020, trong lúc xuống xe buýt tại khu vực ngã tư An Sương (Q.12, TP.HCM) thì bị kẻ gian móc túi lấy trộm ví tiền. Trong ví có nhiều giấy tờ cá nhân, bao gồm CMND. Sau đó, H. về quê khai báo mất và làm lại CCCD mới. “Tôi không thể hiểu tại sao CMND cũ của mình lại được mua bán công khai. Họ dùng CMND của tôi vào mục đích gì, đề nghị công an điều tra, xử lý nghiêm”, H. nói.

Thủ tục cấp lại CCCD, CMND cho người dân dễ dàng, nhanh chóng

Theo một cán bộ Công an TP.Thủ Đức (TP.HCM), khi bị mất CCCD, CMND thì người dân ra công an phường nơi đăng ký thường trú báo mất và khai báo để được cấp lại, thủ tục rất dễ dàng và nhanh chóng. Người dân sẽ được cấp lại CCCD, CMND có số giống CCCD, CMND cũ đã bị mất.

Bên cạnh việc tiện lợi, nhân văn thì thủ tục cấp CCCD, CMND nhanh chóng, dễ dàng cũng sẽ phát sinh một số trường hợp. Điển hình như: một người dân có thể sở hữu nhiều CCCD, CMND hoặc đem cầm cố lấy tiền rồi về địa phương báo mất để làm lại. Từ đó, phát sinh trường hợp mua bán, trao đổi CCCD, CMND ngoài thực tế để rồi tiềm ẩn nhiều hệ lụy khó lường, gây khó khăn trong công tác điều tra, xác minh, xử lý.

Cũng theo vị cán bộ này, hiện nay thủ tục thành lập tài khoản, thẻ ngân hàng một cách dễ dàng (chỉ cần một CCCD hoặc CMND và số điện thoại). Chưa có quy định nào yêu cầu ngân hàng phối hợp ngành công an để quản lý, giám sát các tài khoản ngân hàng mới lập có thật sự chính chủ, đúng người có nhu cầu hay không. Chính vì vậy, đề nghị các ngân hàng phải giám sát, quản lý chặt chẽ công tác lập tài khoản, thẻ ngân hàng để tránh trường hợp tội phạm lợi dụng để lừa đảo.

Loạn mua bán thông tin cá nhân trên mạng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.