“Loạn” phiên âm: Giới ngôn ngữ học bức xúc

04/05/2012 04:01 GMT+7

Trao đổi với PV Thanh Niên, PGS-TS Vũ Kim Bảng - Phó viện trưởng Viện Ngôn ngữ - cho rằng không nên phiên âm tên riêng của hệ chữ Latin sang tiếng Việt, đặc biệt trong sách giáo khoa (SGK).

PGS-TS Vũ Kim Bảng - Phó viện trưởng Viện ngôn ngữ
PGS-TS Vũ Kim Bảng

Trao đổi với PV Thanh Niên, PGS-TS Vũ Kim Bảng (ảnh) - Phó viện trưởng Viện Ngôn ngữ - cho rằng không nên phiên âm tên riêng của hệ chữ Latin sang tiếng Việt, đặc biệt trong sách giáo khoa (SGK).

>> “Loạn” phiên âm
>>
“Loạn” phiên âm: Hậu quả nghiêm trọng

Ông Bảng cho biết: “Tôi có đọc loạt bài “Loạn” phiên âm của Báo Thanh Niên. Báo đề cập rất trúng vấn đề đang bức xúc lâu nay của giới ngôn ngữ học. Quả thực, không riêng ở SGK mà ở cả báo chí, từ có nguồn gốc nước ngoài dùng trong tiếng Việt chưa có một chuẩn mực nào cả về chính tả lẫn phát âm. Sự phức tạp trong phiên âm có những nguyên nhân của nó như hệ chữ viết, mục đích phục vụ cho các đối tượng khác nhau, từ lịch sử để lại (phiên âm qua âm Hán - Việt)... Chính vì vậy, sử dụng một biện pháp nhất quán, cứng nhắc trong vấn đề này là không được mà phải có giải pháp linh hoạt hơn. Tuy nhiên nên có một tư tưởng chủ đạo”.

“Loạn” phiên âm: Giới ngôn ngữ học bức xúc
Thí sinh thi Rung chuông vàng cũng phiên âm kết quả - Ảnh chụp lại từ mạng xã hội Zing

Nên theo xu thế chủ đạo

Xin ông nói rõ hơn quan điểm của ông về tư tưởng chủ đạo ấy?

Ở đây tôi chỉ xin tạm thời đưa ra quan điểm của mình giới hạn trong phạm vi SGK. Do phục vụ cho học sinh, đối tượng sau này đóng vai trò rất quan trọng trong hội nhập quốc tế, nên việc phiên âm các từ có nguồn gốc nước ngoài dùng trong tiếng Việt là chưa hợp lý. Đối với hệ chữ Latin, tôi đề nghị nên viết nguyên dạng, kể cả ở bậc tiểu học. Tuy nhiên, cũng là chữ Latin nhưng nếu tên riêng của các nước được dịch sang âm Hán - Việt mà chúng ta đã quen dùng quá lâu như nước Đức, Pháp, Nga... thì vẫn nên dùng chứ không bắt buộc phải thay.

Hệ chữ Slav như tiếng Nga, Bulgaria thì Latin hóa các tên riêng và lấy tiếng Anh làm chuẩn. Còn tất cả các hệ chữ khác, theo tôi nên chia thành 2 loại: Loại thứ nhất là chữ Trung Quốc. Đây là vấn đề lớn vì chữ Trung Quốc gắn liền với lịch sử văn hóa của chúng ta từ lâu. Ví dụ, lâu nay chúng ta viết và đọc theo âm Hán - Việt là chủ tịch Hồ Cẩm Đào, Vạn lý trường thành... thì cứ dùng như vậy, chứ không phiên âm theo cách đọc của tiếng Trung Quốc hiện nay. Loại thứ hai gồm chữ viết như: Hàn Quốc, Lào, Thái Lan... thì nên dùng cách phiên âm của tiếng Anh, ví dụ: Seoul, Tokyo...

 

Hội thảo về chuẩn mực tiếng Việt

Trong tháng 12.2012, Báo Thanh Niên phối hợp Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM và Trường ĐH Sài Gòn tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề Xây dựng chuẩn mực chính tả tiếng Việt thống nhất trong nhà trường và trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Trong các vấn đề chưa thống nhất của chính tả tiếng Việt hiện nay, hội thảo sẽ tập trung bàn về cách phiên âm từ ngữ nước ngoài. Trên cơ sở đó, sẽ kiến nghị tới các cơ quan chức năng để đưa ra chuẩn chính tả thống nhất toàn quốc trong giai đoạn hiện nay.

Hà Ánh

Rõ ràng, xu thế viết nguyên dạng, xu thế sử dụng tiếng Anh đã được quốc tế hóa là chủ đạo. Như vậy là không nên đặt vấn đề phiên âm nữa.

Nhưng có ý kiến lại cho rằng nếu để nguyên bản tên nước ngoài thì học sinh sẽ khó đọc nên cần kèm theo cách đọc phiên âm?

Học sinh ở lớp 1, lớp 2 có thể ban đầu sẽ khó khăn, nhưng tôi tin đó cũng là một cách để các em làm quen với ngoại ngữ. Vì nếu mở ngoặc phiên âm thì chúng ta lặp lại tình trạng rắc rối trong việc phiên âm thế nào là đúng. Phiên âm dù có biện minh là hay giỏi mấy cũng không giống với nguyên bản. Tên riêng tiếng nước ngoài khi được phiên âm rất bất cập, nhìn vào văn bản cũng thấy thiếu thiện cảm. Tôi cho rằng, quan trọng nhất vẫn là chữ viết phải chuẩn vì liên quan đến việc giao dịch bằng văn bản; còn cách đọc có thể ban đầu sẽ khó khăn nhưng sẽ chỉnh dần được, không nguy hại bằng việc phiên âm sai dẫn đến viết sai như hiện nay.

Về lâu dài, theo tôi có lẽ phải có một cuốn từ điển về danh nhân và địa danh của nước ngoài không thuộc hệ chữ Latin để mọi người tìm hiểu thêm tên quốc tế viết như thế nào.

Cần một chuẩn chung mang tính pháp quy

Bộ GD-ĐT có tham khảo ý kiến của Viện Ngôn ngữ khi đưa ra quy định về cách viết tên riêng tiếng nước ngoài trong SGK không, thưa ông?

Chưa thấy Bộ tham khảo ý kiến của Viện, có thể do hiện nay chúng ta chưa có quy chuẩn nào nên mỗi nơi tự vận dụng mỗi cách. Tuy nhiên, theo tôi SGK phải thống nhất một cách thôi. Muốn làm được như vậy thì phải có người chủ trì, giám sát tất cả để tránh sự lộn xộn. Những người chịu trách nhiệm chỉ đạo trong việc làm SGK phải giám sát vấn đề này, phải có chủ trương nhất quán sau khi đã tham khảo ý kiến hội đồng các nhà khoa học trong từng lĩnh vực khi làm SGK.

Không ít ý kiến cho rằng phải có luật Ngôn ngữ để có thể giải quyết được những vấn đề lộn xộn hiện nay về cách sử dụng tiếng Việt, ông có nghĩ như vậy không?

Viện chúng tôi đang nghiên cứu các cơ sở khoa học cho luật Ngôn ngữ, vấn đề nóng bỏng và cấp thiết hiện nay là chúng ta cố gắng chuẩn mực cái chuẩn chính tả trước, trong đó sẽ bao hàm cả vấn đề dùng tên riêng của nước ngoài trong tiếng Việt ra sao. Nếu có một chuẩn chung mang tính văn bản pháp quy thì các nhà xuất bản, sách báo, văn bản trong nhà trường... đều có thể thống nhất trong việc sử dụng nhân danh và địa danh của nước ngoài.

Nghe phiên âm, đoán chữ

Cách phiên âm trên một tờ báo khiến những người không am hiểu về lĩnh vực đang đọc sẽ không biết những từ phiên âm đó chỉ ai, địa danh nào, tổ chức gì. Chẳng hạn: “Theo Roi-tơ, ngày 1.5, tại Mỹ, phong trào "Chiếm phố Uôn" đấu tranh đòi quyền của người lao động và bình đẳng kinh tế diễn ra tại thủ đô Oa-sinh-tơn,các TP Xi-a-tơn, Niu Oóc, Lốt An-giơ-lét”.

Không hiểu với các phiên âm sau, người đọc ngày nay có biết đó là tên các đội bóng nào không? “Kết quả các trận đấu ngày 28.4: Xtốc Xi-ti - A-xê-nan 1-1; Xoan-xi - Uôn-vơ-hăm-tơn 4-4; Oét Brom - A-xtôn Vi-la 0-0; Uy-gân - Niu-cát-xơn 4-0; Noóc-uých - Li-vơ-pun 0-3”. Thêm nữa: “Chen-xi có tuần lễ thi đấu cực kỳ thành công, vừa đánh bại Bác-xê-lô-na để vào chung kết Champions League, lại có chiến thắng tưng bừng 6-1 trước Q.P.Ren-gơ vòng 36 giải Ngoại hạng Anh. Tiền đạo P.Tô-rét tỏa sáng ghi ba bàn thắng cho đội nhà”.

Sau 2015 mới thay đổi?

Bộ GD-ĐT và NXB Giáo dục đã bàn vấn đề này rồi nhưng nếu giữ nguyên ngữ ở bậc tiểu học theo một số ý kiến đề nghị là không khả thi. Học sinh của chúng ta ở rất nhiều vùng miền khác nhau. Do vậy, SGK hiện nay vẫn dùng phiên âm và mở ngoặc nguyên ngữ trong lần đầu xuất hiện. Chúng tôi đã mời chuyên gia của Viện Ngôn ngữ, của Viện Từ điển và Bách khoa để tìm giải pháp tốt nhất nhưng đi theo hướng nào cũng không thành công như mong muốn, công việc này quá phức tạp. Sở dĩ có tình trạng ngay cả phiên âm trong SGK cũng không thống nhất là vì hàng trăm tác giả viết sách khác nhau, mỗi tác giả có một quan điểm và bản lĩnh của họ mà chúng tôi cũng không thể bắt người này phải theo người kia được.

Khi đổi mới chương trình, SGK sau năm 2015, với tình hình thực tế của nước ta thì quan điểm của chúng tôi là từ cấp THCS trở lên phải để nguyên ngữ tên riêng của ngôn ngữ hệ chữ Latin, còn từ tiểu học trở xuống thì vẫn phải mở ngoặc phiên âm để học sinh ở các vùng miền khác nhau có thể đọc được. Có một quy chuẩn mang tầm quốc gia và thống nhất một cách sử dụng, không phải chỉ trong SGK mà cả các ấn phẩm, báo chí... là điều mà chúng tôi mong muốn nhất.

Nguyễn Quý Thao
Phó tổng giám đốc, Tổng biên tập NXB Giáo dục Việt Nam

Tuyết Mai (ghi)

Ý kiến

* Cần phải có một chiến dịch, mọi phụ huynh vì con em mình hãy gửi thư trực tiếp đến Bộ GD-ĐT năn nỉ họ nghiêm túc đánh giá và sửa đổi tư duy phiên âm.

([email protected])

* Cần có một hội đồng bao gồm các chuyên gia nắm vững các thứ tiếng khác nhau chịu trách nhiệm về việc phiên âm tên riêng nước ngoài ra tiếng Việt thống nhất. Nếu ai gặp một tên riêng nước ngoài mà chưa biết phiên âm ra sao cho chính xác thì có thể liên hệ với hội đồng để được tư vấn.

([email protected])

* Việc phiên âm là rất bình thường và phổ biến, không có nghĩa là dân trí thấp nếu không nói việc đó thể hiện tinh thần và bản sắc dân tộc của mình. Vấn đề là cần có luật về ngôn ngữ để sử dụng tiếng Việt chính xác và thống nhất.

([email protected])

* Viết sai, phiên âm sai, đọc sai khiến công việc tra cứu khó khăn hơn. Khi làm việc với đối tác nước ngoài, họ không hiểu ta đang đề cập đến ai, đến vấn đề gì vì ta đọc họ không hiểu.

([email protected])

Tuệ Nguyễn
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.