Ngày 17.5, thông tin từ UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, lực lượng liên ngành của địa phương này đang điều tra việc chuyển tiền trái phép về Trung Quốc của các cửa hàng tại các thành phố Hạ Long và Móng Cái chuyên phục vụ khách Trung Quốc.
Theo nhận định của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Ninh, lâu nay khách Trung Quốc vào mua sắm vẫn được chủ cơ sở lén lút thanh toán bằng nhân dân tệ. Những khoản tiền này sau đó được chuyển trái phép về Trung Quốc thông qua máy thanh toán cầm tay POS, do các đối tượng đem sang Việt Nam. Bằng thủ đoạn tinh vi này, các đối tượng dễ dàng chuyển tiền thẳng về Trung Quốc, vừa trốn được thuế, vừa không bị các lực lượng chức năng của Việt Nam kiểm soát.
Ghi nhận của Thanh Niên tại các điểm bán hàng trên địa bàn thành phố Hạ Long cho thấy, việc thanh toán bằng ngoại tệ vẫn diễn ra. Đáng chú ý, nhiều cửa hàng còn lén lút dùng máy POS trái phép, ứng dụng điện thoại của Trung Quốc để thanh toán.
Mới đây, vào ngày 2.5, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Ninh phối hợp với UBND thành phố Hạ Long phát hiện cửa hàng treo biển hiệu “Nông sản nổi tiếng nhất Việt Nam” dùng 3 máy POS giao dịch với khách hàng, và chuyển hơn 200.000 nhân dân tệ (khoảng 700 triệu đồng) về Trung Quốc, mà không qua hệ thống ngân hàng trung gian nào của Việt Nam.
|
Ông Nguyễn Ngọc Thạch, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Ninh, cho biết qua kiểm tra 3 máy POS cho thấy giống với loại máy của các ngân hàng Việt Nam cấp nhưng nội dung hoá đơn khi in ra toàn là tiếng Trung Quốc.
“Chỉ cần có tín hiệu internet, 3G, các đối tượng dùng máy POS này thanh toán với khách hàng ở bất cứ vị trí nào, thậm chí cả khi đang di chuyển. Điều đáng lo ngại, máy POS khá nhỏ, nếu không bắt quả tang thì rất khó phát hiện”, ông Thạch cho biết.
Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó giám đốc kiêm Chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Ninh, cho rằng, việc dùng máy POS để chuyển tiền thẳng về Trung Quốc với thủ đoạn nêu trên địa phương rất khó để quản lý, giám sát, nếu không có sự vào cuộc của liên ngành. Đây cũng là hình thức mượn tài nguyên du lịch để đầu tư chui, thông qua loại hình “tour 0 đồng” nở rộ tại Quảng Ninh nhiều năm nay.
Cũng theo ông Hiển, máy POS muốn hoạt động tại Việt Nam phải được các ngân hàng trong nước chấp thuận và kết nối với các trung tâm thanh toán để quản lý dòng tiền. Ngoài ra, máy POS hợp pháp cũng chỉ chấp thuận một số ít thẻ quốc tế tại Việt Nam để kiểm soát dòng tiền ngoại tệ ra vào, tránh chuyển ngoại tệ bất hợp pháp ra nước ngoài.
Tuy nhiên, với máy POS trái phép, sẽ có rất nhiều hệ lụy xảy ra khi hoạt động "chui" tại Việt Nam. Việc thanh toán “chui” bị xử phạt rất nặng, từ 200 - 250 triệu đồng, tùy trường hợp. Tuy nhiên, trong vụ việc tại Quảng Ninh, chủ cửa hàng đã bỏ trốn.
Về biện pháp trước mắt, theo ông Hồ Quang Huy, Phó chủ tịch UBND thành phố Hạ Long, địa phương này sẽ yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra và đề nghị các cửa hàng dán cảnh báo với khách hàng không thanh toán trái phép bằng máy POS.
Bình luận (0)