Thực hiện song song 2 thủ tục gia hạn
Đầu tháng 8.2024, UBND TP.HCM ban hành Chỉ thị 12 về thực hiện nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đến năm 2025, trong đó giao Ban quản lý Khu Công nghệ cao (TP.Thủ Đức) hỗ trợ doanh nghiệp khởi công, thực hiện 19 dự án trong 2 năm tới. Hầu hết các dự án này đều thuộc diện chậm tiến độ theo giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và chậm đưa đất vào sử dụng.
Trả lời PV Báo Thanh Niên về tiến độ thực hiện, bà Trần Thị Ngọc Chung, Trưởng phòng Kế hoạch đầu tư Ban quản lý Khu Công nghệ cao, cho biết có 7 dự án dự kiến khởi công trong năm 2024 và 12 dự án khởi công vào năm sau. Cụ thể, 7 dự án khởi công trong năm nay gồm: nhà máy sản xuất dược phẩm BIVID, nhà máy sản xuất lắp ráp thiết bị phụ trợ công nghệ cao, trung tâm đào tạo công nghệ cao Trường đại học Nguyễn Tất Thành, dự án sản xuất enzyme và sản phẩm dinh dưỡng y học sử dụng enzyme, dự án Trường đại học Fulbright, dự án nhà máy Nipro VN và dự án trung tâm dữ liệu HCMC1.
Bảy dự án trên phần lớn đã thực hiện xong thủ tục quy hoạch, báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, phòng cháy chữa cháy, môi trường. Đối với 12 dự án dự kiến khởi công năm 2025, phần lớn đang thực hiện thủ tục quy hoạch tổng mặt bằng, chờ điều chỉnh quy hoạch.
Về việc sử dụng đất, Ban quản lý Khu Công nghệ cao cho hay theo luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1.8, một số thẩm quyền về kiểm tra chuyên ngành, quyết định gia hạn tiến độ sử dụng đất thuộc về Sở TN-MT. Ban quản lý đánh giá việc xem xét, gia hạn sử dụng đất đối với các dự án chậm tiến độ là rất cấp thiết, làm cơ sở điều chỉnh tiến độ triển khai dự án theo giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Bởi lẽ, các thủ tục đầu tư xây dựng của dự án như quy hoạch, báo cáo nghiên cứu khả thi, cấp phép xây dựng chỉ được xem xét giải quyết sau khi điều chỉnh tiến độ dự án tại giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Tuy nhiên, để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, Ban quản lý Khu Công nghệ cao thụ lý song song các thủ tục đầu tư xây dựng cùng với việc điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Đề xuất gỡ vướng xây dựng tầng hầm
Thực tế, một số dự án trong Khu Công nghệ cao có nhu cầu xây dựng tầng hầm như Trung tâm nghiên cứu và đào tạo chuyên sâu điều trị đột quỵ S.I.S TP.HCM, dự án dịch vụ sản xuất và cung cấp suất ăn công nghiệp, nhà xưởng xây dựng sẵn cao tầng Blue Ocean Park. Doanh nghiệp có nhu cầu xây dựng tầng hầm để tăng hiệu quả sử dụng đất nhưng pháp lý quy hoạch phân khu xây dựng, quy hoạch chi tiết xây dựng 1/2.000 được duyệt của Khu Công nghệ cao chưa quy định về không gian xây dựng ngầm.
Lãnh đạo Ban quản lý Khu Công nghệ cao cho biết hiện hồ sơ đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 đã thể hiện nội dung quy hoạch không gian ngầm đô thị. Sau khi đồ án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cơ quan quản lý phải tiếp tục điều chỉnh các đồ án quy hoạch phân khu, quy chế quản lý kiến trúc, thiết kế đô thị để bổ sung nội dung quản lý không gian ngầm đô thị làm cơ sở lập đồ án chi tiết xây dựng, thẩm định thiết kế cơ sở, cấp giấy phép xây dựng.
Để tháo gỡ vướng mắc trên, Ban quản lý Khu Công nghệ cao kiến nghị Sở QH-KT xem xét, tham mưu UBND TP.HCM tháo gỡ cho các dự án có nhu cầu xây dựng tầng hầm theo hướng cho phép Ban quản lý Khu Công nghệ cao phê duyệt đồ án điều chỉnh cục bộ quy hoạch (có thể hiện quy mô, diện tích số tầng và phần ngầm công trình xây dựng). Sau này, nội dung quy hoạch không gian ngầm sẽ được cập nhật vào đồ án điều chỉnh quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 Khu Công nghệ cao.
Ngoài ra, Ban quản lý Khu Công nghệ cao cũng kiến nghị Thanh tra TP.HCM, Cục Thuế, Sở TN-MT, Sở Tài chính tham mưu UBND TP.HCM xử lý các tồn tại, vướng mắc liên quan đến quản lý đất đai.
9 tháng chỉ cấp 5 giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
9 tháng năm 2024, Khu Công nghệ cao TP.HCM cấp 5 giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trong đó có 4 dự án nước ngoài trị giá gần 2 triệu USD và 1 dự án trong nước hơn 573 tỉ đồng. Các dự án tuy có quy mô đầu tư nhỏ, nhưng thuộc lĩnh vực ưu tiên thu hút, có hàm lượng công nghệ cao, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao. Tính đến nay, Khu Công nghệ cao TP.HCM có 108 dự án đang hoạt động và 54 dự án chưa đi vào hoạt động.
Bình luận (0)