Chiều 17.9, máy nhắn tin của hàng ngàn người tại Li Băng đồng loạt phát nổ cùng một thời điểm. Tính đến hôm qua, nhà chức trách Li Băng thông báo có ít nhất 12 người thiệt mạng và hơn 2.800 người bị thương, gồm Đại sứ Iran tại Beirut Mojtaba Amani.
Reuters đưa tin các thiết bị liên lạc phát nổ vào chiều 18.9 tại Li Băng là bộ đàm cầm tay. Các nguồn tin an ninh và nhân chứng của hãng tin cho biết ít nhất một trong các vụ nổ xảy ra gần một đám tang do Hezbollah tổ chức cho những nạn nhân trong các vụ nổ trước đó 1 ngày. Theo thông tin ban đầu, đợt nổ thứ hai làm hàng trăm người bị thương và ít nhất 3 người thiệt mạng.
Thương vong tăng tại Li Băng sau loạt nổ thiết bị, Israel mở giai đoạn chiến dịch mới
Nghi án chấn động
Hezbollah và các đồng minh đã cáo buộc Israel dàn dựng vụ tấn công nhưng không miêu tả chi tiết thông tin điều tra. Trong khi đó, truyền thông phương Tây đồng loạt đưa tin đó là chiến dịch của cơ quan tình báo Mossad và quân đội Israel, có thể đã được chuẩn bị kỹ lưỡng nhiều tháng trời.
Để tránh bị Israel theo dõi, Hezbollah đã chuyển sang liên lạc bằng máy nhắn tin thay vì các thiết bị di động hiện đại khác, những công cụ mà thủ lĩnh Hassan Nasrallah của tổ chức miêu tả là "nguy hiểm hơn gián điệp". Reuters dẫn nguồn tin an ninh cấp cao tại Li Băng tiết lộ Hezbollah đã mua 5.000 máy nhắn tin từ Công ty Đài Loan Gold Apollo và được giao đến trong năm nay. Số thiết bị này được phát cho các thành viên Hezbollah lẫn những lực lượng đồng minh.
Nguồn tin cho biết một bảng mạch và một lượng thuốc nổ khoảng 3 gram đã được cài vào kế bên cục pin của các máy nhắn tin. Sau khi nhận tín hiệu, thiết bị sẽ rung lên, kêu tiếng bíp nhiều lần và phát nổ. Nhiều nạn nhân bị thương ở mặt và tay, được cho là đang đọc tin nhắn. Số khác bị thương ở phần hông, nơi thiết bị được đeo. Các nhà phân tích an ninh bác bỏ giả thuyết cho rằng một cuộc tấn công mạng khiến pin lithium trong thiết bị nóng lên và phát nổ. Cục Kinh tế Đài Loan cho hay các thiết bị sử dụng pin tiểu AAA thông thường, theo Đài Al-Jazeera.
Tờ The New York Times dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết số thiết bị đã được cài thuốc nổ trước khi đến Li Băng. Ông Hứa Thanh Quang, người sáng lập Gold Apollo, hôm qua tuyên bố công ty chỉ đứng tên thương hiệu và không liên quan việc sản xuất mẫu máy AR-924 được nhắc đến trong các vụ nổ.
Gold Apollo ra thông báo khẳng định Công ty BAC Consulting KFT tại Budapest (Hungary) là bên sản xuất và bán mẫu máy trên. "Chúng tôi chỉ cấp phép thương hiệu và không liên quan đến việc thiết kế hay sản xuất sản phẩm này", công ty Đài Loan tuyên bố.
Bị Israel nói ‘mất sức chiến đấu’, Hamas tuyên bố có thêm kinh nghiệm, thành viên mới
Chiến tranh cận kề
Đến nay, Israel vẫn chưa bình luận về các vụ nổ tại Li Băng song vụ việc lần này báo hiệu nguy cơ chiến tranh giữa Hezbollah và Israel đang ngày càng đến gần. Ngay trước đó một ngày, nội các an ninh Israel nhất trí bổ sung một mục tiêu cho chiến dịch quân sự chống Hamas là đưa người sơ tán quay về cộng đồng của họ ở miền bắc Israel giáp với Li Băng, nơi hứng chịu các đợt tấn công gần như mỗi ngày của Hezbollah từ cuối năm ngoái. Trong cuộc gặp hồi đầu tuần với Cố vấn cấp cao Amos Hochstein của Tổng thống Mỹ Joe Biden, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant nói rằng thời gian cho việc ngoại giao với Hezbollah đã hết và chỉ có biện pháp quân sự mới có thể đưa người dân miền bắc về nhà.
Theo CNN, nếu thật sự Israel đứng sau hành động ngày 17.9, đó có thể là điềm báo cho một cuộc tấn công lớn hơn sắp xảy ra, bởi việc gây hỗn loạn, hoang mang cho đối phương trước một chiến dịch lớn là điều hợp lý về mặt chiến lược. Sau khi vụ việc xảy ra, giới lãnh đạo quân đội Israel có cuộc họp khẩn để đánh giá an ninh, tập trung vào sự sẵn sàng trong cả tấn công lẫn phòng thủ trên mọi mặt trận.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin có liên tiếp 2 cuộc điện đàm với người đồng cấp Israel trong ngày, cho thấy tính nghiêm trọng của tình hình. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller hôm qua tuyên bố Washington không liên quan và cũng không biết trước điều gì về vụ việc tại Li Băng.
Ngoại trưởng Mỹ lại đến Trung Đông
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm qua đã đến Ai Cập trong chuyến thăm nhằm thúc đẩy thỏa thuận ngừng bắn tại Dải Gaza và quan hệ song phương. Theo AFP, đây là chuyến đi Trung Đông lần thứ 10 của nhà ngoại giao từ khi xung đột Hamas - Israel bùng phát gần một năm trước. Ông Blinken được cho là sẽ không sang Israel.
Bình luận (0)