Số ca nhiễm Covid-19 liên tục “leo đỉnh” mấy ngày qua, điều trị F0 tại nhà là giải pháp quan trọng để tránh quá tải cho hệ thống y tế. Vì thế nhu cầu thuốc Molnupiravir là rất cao nhưng ngành y vẫn loay hoay chưa ra được văn bản hướng dẫn các nhà thuốc. Chưa kể các cơ quan chức năng cứ loay hoay chờ ý kiến của nhau.
Trợ cấp xã hội, quyền lợi BHYT, BHXH cho người bị nhiễm Covid-19 thì vẫn cứ mắc kẹt ở thủ tục xác nhận F0 quá bất cập. Cứ cái gì liên quan đến F0 từ cấp đơn thuốc đến cấp xác nhận F0 đều đổ dồn lên trạm y tế xã, phường thì lấy đâu ra nhân viên y tế công để đáp ứng, rồi tránh sao được cảnh người dân phải chen chúc xếp hàng chờ đợi? Bộ LĐ-TB-XH đề nghị Bộ Y tế đơn giản hóa thủ tục cấp giấy xác nhận F0, chờ lâu chưa có phản hồi nên phải gửi công văn bày tỏ sốt ruột, nhưng vẫn cứ tiếp tục chờ, tiếp tục chậm.
Gần nửa năm rồi kể từ khi VN quyết định bước vào chiến lược bình thường mới, chấp nhận đối mặt và sống chung với Covid-19 để tìm cơ hội phục hồi kinh tế, nhiều vấn đề cần xử lý khẩn trương nhất có thể để vừa giải quyết các vấn đề mới phát sinh vừa thanh toán nhiều đầu việc tồn đọng do ảnh hưởng của dịch. Tốc độ xử lý công việc và sự quyết liệt trong giải quyết vấn đề phải được xem là tiêu chí hàng đầu để đánh giá hiệu quả công việc của các cơ quan chính quyền. Thói quan liêu, lối hành xử “trên nóng dưới lạnh” phải bị chỉ mặt đặt tên và xử lý nghiêm về trách nhiệm để đảm bảo hiệu quả thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa lo phục hồi kinh tế.
Chưa kể, dịch bệnh đặt ra cho bộ máy quản lý nhiều nhiệm vụ đặc biệt và cấp bách chẳng khác gì thời chiến, đòi hỏi tư duy năng động, sáng tạo và tinh thần quyết liệt giải quyết các vấn đề phát sinh. Dù khó, dù mới, dù chưa từng có tiền lệ thì vẫn phải chủ động tìm giải pháp phù hợp, kịp thời chứ không thể cứ im lặng, không phản hồi, chậm phúc đáp... Thế thì dân tình trả giá, doanh nghiệp vật vã, đất nước tụt lại phía sau.
Tinh thần “chống dịch như chống giặc” phải hiểu cho đúng, phải được quán triệt liên tục. Là phải quyết liệt, phải khẩn trương hết sức có thể, dù có phải huy động đến mức không tưởng vài trăm phần trăm sức lực và nỗ lực để vượt qua khó khăn thì cũng cố gắng cho bằng được. Chứ không thể để tiến độ giải quyết công việc cứ “hụt hơi” như người mắc chứng hậu Covid-19.
Vẫn luôn thông cảm với bộ máy quản lý trong thực tế đối mặt với nhiều vấn đề phát sinh do ảnh hưởng dịch bệnh. Nhưng nhiều chủ trương, chính sách tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ phục hồi đã được Chính phủ ban hành. Đừng để những chủ trương, chính sách ấy mắc kẹt trong những tính toán quá an toàn, quá chậm chạp của bộ máy thừa hành.
Bình luận (0)