Loay hoay phục dựng biểu tượng cầu Ghềnh

18/11/2019 06:26 GMT+7

Sau khi cầu Ghềnh (hay còn gọi cầu Ghành) hơn 100 tuổi bị sà lan tông sập, tỉnh Đồng Nai muốn phục dựng biểu tượng này nhưng loay hoay mãi không thành.

Cầu Ghềnh là cây cầu bằng sắt bắc qua sông Đồng Nai, nối P.Bửu Hòa (chợ Đồn) với cù lao Hiệp Hòa (thuộc TP.Biên Hòa, Đồng Nai) do người Pháp xây dựng vào năm 1901, dành cho đường sắt lẫn đường bộ (xe lửa và ô tô chạy ở giữa, phương tiện thô sơ đi hai bên hông). Đầu năm 2011, tại cầu xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng khi xe lửa đối đầu với ô tô làm 2 người chết, 22 người bị thương. Sau sự cố này, ngành đường sắt đã cấm ô tô lẫn xe máy qua cầu, nhưng sau đó vì nhu cầu của người dân địa phương nên đã chấp nhận cho xe máy lưu thông trở lại một chiều từ cù lao Hiệp Hòa qua chợ Đồn.
Đến tháng 3.2016, một chiếc sà lan chở cát đã tông sập cầu Ghềnh, làm 2 nhịp rơi xuống sông. Bộ GTVT đã cho xây dựng lại cầu mới tại vị trí cũ, còn “xác” cầu Ghềnh (gồm 2 nhịp nguyên vẹn và 2 nhịp rơi xuống sông bị cắt thành nhiều đoạn) được UBND tỉnh Đồng Nai xin phép giữ lại với lý do: Cầu Ghềnh là một biểu tượng của người dân Biên Hòa. Sau đó, “xác” cầu Ghềnh được mang tới để tạm tại dự án lấp sông Đồng Nai (cách đó khoảng 500 m, thuộc P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa). Nói là để tạm, nhưng đã hơn 3 năm qua, không một ai đả động, ngó ngàng đến. “Xác” cầu Ghềnh bị cỏ mọc um tùm, che lấp gần hết. Công ty Toàn Thịnh Phát (chủ đầu tư dự án) cũng đã có văn bản kiến nghị UBND TP.Biên Hòa di dời đi nơi khác nhưng đến nay vẫn “án binh bất động”.
Ông Nguyễn Duy Tân, Chánh văn phòng UBND TP.Biên Hòa, cho biết sau khi Công ty Toàn Thịnh Phát có văn bản kiến nghị di dời nhưng thành phố cũng không biết di dời đi đâu. Trước đây, thành phố có chủ trương xin đưa “xác” cầu Ghềnh vào bảo tàng để lưu giữ nhưng tỉnh không đồng ý do nó quá to, không có chỗ để. Sau có doanh nghiệp muốn xin đưa về đặt ở cù lao Ba Xê (nằm giữa sông Đồng Nai đoạn thuộc P.Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) làm du lịch nhưng cũng “bó tay” vì không biết vận chuyển bằng đường nào. “Hướng xử lý sắp tới thành phố chưa nghĩ ra, lưu giữ cũng không được mà bán sắt vụn cũng không xong. Nếu bán rồi, mai mốt dân nói đó là di tích thì lấy đâu mà đền, rất phức tạp, giờ đợi ý kiến của tỉnh thôi”, ông Tân cho biết thêm.
Còn ông Trần Đăng Ninh, Phó tổng giám đốc Tổng công ty công nghiệp thực phẩm Đồng Nai (đơn vị quản lý Văn Miếu Trấn Biên và Khu du lịch Bửu Long), cho hay: “Hồi đó có cuộc họp dự kiến đưa về khu vực Văn Miếu để trưng bày triển lãm, sau bàn thêm phương án đưa về Khu du lịch Bửu Long đặt giữa hồ. Mà khổ là trọng tải mỗi nhịp lên đến hàng trăm tấn, quá khổ quá tải không có xe nào chuyên chở được; còn đi đường sông thì càng không thể”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.