Những giải pháp trên không xa lạ với giao thông đô thị thế giới và cả VN, nhưng cứ được nhắc đi nhắc lại nhiều lần mà không làm, khiến người dân càng rối và càng bực mình.
Như việc tổ chức giao thông một chiều trên cặp đường Lê Quý Đôn/Trần Quốc Thảo (Q.3, TP.HCM) đã nói nhiều năm trước nay dự định làm lại. Nhưng nếu không đánh giá được đâu là nguyên nhân dẫn đến tồn tại này, không những không giải quyết được chuyện kẹt xe dai dẳng mà còn gây ra hiện tượng mất lòng tin trong dân về năng lực bộ máy công quyền.
Thứ nhất, có lẽ chúng ta chưa nhận dạng đầy đủ tính chất, hậu quả và tác động của chuyện kẹt xe nghiêm trọng kéo dài tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM. Thiệt hại kinh tế bao nhiêu, ảnh hưởng môi trường ra sao, sức khỏe tuổi thọ thậm chí hành vi thói quen của người dân bị tác động như thế nào, thành phố có thực sự đáng sống..., đều chưa có các điều tra khảo sát tính toán dự báo khoa học đầy đủ, chỉ là ý kiến than phiền con số phỏng đoán tức thời. Nếu chưa thấy được hậu quả định lượng do tác động việc kẹt xe, khó xác định đúng mục tiêu giảm kẹt xe, không thấy hết nguyên nhân bản chất của kẹt xe, thậm chí tầm nhìn thể hiện qua đồ án quy hoạch phát triển GTVT quá ngắn thì rất khó đưa ra giải pháp hiệu quả.
Thứ hai, thiếu tính thực tế trong thực hiện các giải pháp chống kẹt xe. Nếu không có giám sát thực tế thường xuyên, chúng ta dễ sa đà vào các quy hoạch toàn con số dự án đầu tư khủng hoặc các dự án bức xúc “chữa cháy”, vừa làm xong đã lãng phí thậm chí lạc hậu như các dự án đường Trường Chinh, đường Cộng Hòa, đại lộ Phạm Văn Đồng..., làn xe ô tô trống hoác trong khi làn xe 2 bánh kẹt đường, làm đường lớn mà không nghĩ đến kẹt xe phát sinh tại các giao lộ. Cũng vì thiếu thực tế, có thể chỉ đưa ra các giải pháp sao chép nước ngoài, không tính toán điều kiện kinh tế xã hội và con người VN, dễ bị dư luận phản ứng trái chiều.
Cuối cùng là thiếu tính chuyên nghiệp. Một trong các tồn tại về tính chuyên nghiệp là tham khảo quá nhiều ý kiến, thậm chí ý kiến của chuyên gia không đúng lĩnh vực nên dễ đi đến các giải pháp sai lầm. Thiếu tính chuyên nghiệp còn làm ảnh hưởng đến thiếu quy trình thực hiện các giải pháp, không nghiên cứu sâu, thiếu công khai minh bạch, không thuyết phục sự đồng thuận của cộng đồng và người dân, thậm chí tranh luận lòng vòng như kẹt xe do xe 2 bánh hay xe 4 bánh, hạn chế xe cá nhân trước hay phát triển giao thông công cộng trước.
Tất nhiên, kết quả cuối cùng của các giải pháp giảm kẹt xe vẫn là do cá nhân lãnh đạo, nhóm quyết định và cách thức tổ chức thực hiện. Cần nhất là chấp hành quy định pháp luật, trách nhiệm thật lòng trước dân để có sự đồng thuận cao và công khai minh bạch trong từng giai đoạn thực hiện.
Bình luận (0)