Loay hoay với điểm 'kích nổ' bứt phá khoa học công nghệ

08/06/2023 06:39 GMT+7

Sáng 7.6, Quốc hội đã tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt. Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) đề nghị Bộ trưởng cho biết trong 5 năm qua, bao nhiêu đề tài nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước được đưa vào ứng dụng; trong số đó có bao nhiêu đề tài mang lại kết quả thiết thực.

Ông Vân cũng đề nghị Bộ trưởng Đạt cho biết đâu là điểm "kích nổ" về chính sách để VN bứt phá về công nghệ, đặc biệt là trong lĩnh vực quản lý nhà nước, phát triển kinh tế, bảo vệ quốc phòng, an ninh.

Loay hoay với điểm 'kích nổ' bứt phá khoa học công nghệ - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Huỳnh Thành Đạt trả lời chất vấn

TTXVN

Nhiều lần phải để Chủ tịch Quốc hội (QH) Vương Đình Huệ "nhắc bài" vì "lạc đề", quên câu hỏi, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nói hoạt động KH-CN là hoạt động đặc thù, nghiên cứu tìm cái mới nên có thể thành công hoặc không thành công, có thể thành công sớm, thành công muộn... "Cho nên, tính toán cụ thể bao nhiêu đề tài nghiên cứu đưa vào ứng dụng thì phải nói là rất khó xác định", Bộ trưởng Bộ KH-CN nhấn mạnh.

Theo ông Đạt, điều quan trọng là làm sao xác định được những kết quả phục vụ cho phát triển KT-XH đồng thời nâng cao năng lực nghiên cứu của nhà khoa học, uy tín của các viện, trường nghiên cứu. Nhấn mạnh một lần nữa rằng các đề tài nghiên cứu có rủi ro, độ trễ và không phải lúc nào đề tài nghiên cứu cũng có kết quả, chuyển giao vào ứng dụng, Bộ trưởng Bộ KH-CN nói công tác chuyển giao, thương mại hóa, đưa vào ứng dụng không phải là nhiệm vụ chính của các nhà khoa học mà là các đơn vị trung gian kết nối các trường, viện và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, ông cho biết hiện có nhiều vướng mắc để thực hiện việc này, do đó, tới đây Bộ KH-CN sẽ kiến nghị điều chỉnh thích hợp tạo thuận lợi cho sự chuyển giao các nghiên cứu phục vụ đời sống. Về điểm "kích nổ" bứt phá KH-CN, ông Đạt nói giải pháp là đầu tư cho nghiên cứu khoa học, công nghệ bao gồm kinh phí, nguồn lực và cả cơ chế để tạo điều kiện cũng như tâm thế để các nhà khoa học sẵn sàng cống hiến cho khoa học.

"Năng lực của các nhà khoa học nước ta nếu đầu tư đúng mức, tạo điều kiện thích hợp sẽ phát huy năng lực nghiên cứu và đổi mới sáng tạo của các nhà khoa học...", Bộ trưởng Bộ KH-CN nói.

Bộ trưởng Bộ KH-CN: “Rất khó xác định bao nhiêu nghiên cứu được đưa vào ứng dụng”

Phần trả lời của ông Đạt liên tiếp nhận được các tranh luận. Đại biểu (ĐB) Lê Thanh Vân nói "chưa hài lòng" với phần trả lời của Bộ trưởng Đạt về điểm "kích nổ" tạo sự bứt phá cho khoa học, công nghệ. Theo ông Vân, điểm kích nổ để KH-CN VN có thể bứt phá chính là nhân tài. "Chỉ có nhân tài, nhất là nhân tài KH-CN mới có thể làm thay đổi diện mạo công nghệ ở VN mà thôi", ông Vân nêu.

Trao đổi với ĐB, Bộ trưởng KH-CN nói cảm ơn những gợi ý của ĐB, nhất là về vấn đề con người. "Chúng tôi xin nhận, sắp tới đây chúng tôi sẽ trình đề án về đội ngũ tri thức trong giai đoạn từ nay đến năm 2030. Chúng tôi sẽ hết sức lưu ý vấn đề này để thể hiện vào đề án", ông Đạt nói.

Chưa hài lòng với phần trả lời của Bộ trưởng, ĐB Nguyễn Lân Hiếu nói: "Tôi muốn hỏi Bộ trưởng là trong thời gian tới đây, ngay tại Bộ KH-CN, Bộ trưởng có phương án nào để có thể chiêu mộ nhân tài về bộ làm việc?", ông Hiếu chất vấn.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nói thu hút nhân tài cũng là điều ông rất trăn trở khi về bộ cũng như trước đây khi còn làm việc ở trường đại học. "Cứ loay hoay là có chủ trương tuy nhiên khi triển khai ở cơ sở thì gặp rất nhiều khó khăn. Bởi vì còn liên quan đến rất nhiều quy định khác ở luật Công chức, viên chức; các quy định về tài chính…", ông Đạt nói.

Nói thêm về triển khai Nghị quyết 27 của T.Ư về xây dựng đội ngũ trí thức trong tình hình mới, ông Đạt nói đây là nhiệm vụ rất khó khăn, song bộ sẽ hết sức cố gắng để thu hút được những nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong, ngoài nước về làm việc. "Thực sự đề án này rất khó. Kinh nghiệm của các địa phương khi làm đề án để thu hút nhân tài thì hầu hết thành công không cao, thậm chí có đề án thất bại", ông Đạt lưu ý.

Chia lửa với Bộ trưởng KH-CN, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc chia sẻ với ĐB Lê Thanh Vân rằng điểm "kích nổ" bứt phá trong khoa học, công nghệ chính là nhân tài. Tuy nhiên, ông Phớc nhấn mạnh muốn có nhân tài phải có môi trường để họ cống hiến tốt, có cơ chế chính sách hết sức phù hợp.

"Ngày xưa trong điều kiện hết sức khó khăn, chúng ta có những nhà khoa học rất nổi tiếng như Trần Đại Nghĩa sản xuất ra bom bay hay bom ba càng, súng Bazooka, hay Đặng Văn Ngữ sản xuất thuốc penicillin nước, hay nhà bác học như Lương Định Của… Hiện ta phải thu hút được nguồn lực xã hội để có những sáng kiến, sáng tạo trong khoa học", ông Phớc nói.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Ngày xưa khó khăn vẫn có nhà khoa học như Trần Đại Nghĩa, Lương Định Của

Chương trình quốc gia phát triển dân tộc, miền núi còn chậm

Liên quan đến việc chậm triển khai chương trình quốc gia về phát triển KT-XH miền núi, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang thẳng thắn "nhận trách nhiệm trước QH và bà con đang sinh sống tại vùng núi, chương trình này và 2 chương trình còn lại không đạt mục tiêu đề ra, nói cách khác là rất chậm". Trong khi đó, nhiều ĐB nói rất nhiều đồng bào dân tộc thiểu số thụ hưởng chương trình này đang sống ở các vùng phên dậu Tổ quốc, chịu rất nhiều khó khăn để giữ từng mảnh đất thiêng liêng.

Phó thủ tướng cũng cho biết có 3 vướng mắc chính, vấn đề quan trọng nhất là phải cố gắng tháo gỡ thật nhanh thời gian tới. Số lượng hồ sơ rất nhiều, trình độ cán bộ địa phương, nhất là miền núi còn hạn chế, rủi ro rất lớn, có khi mất cán bộ. "Cán bộ địa phương thấy nơi nào cũng khó, tâm lý "hoa thơm mỗi người hưởng một tí, đều vui vẻ". Hoặc có đặc thù, ví dụ khảo sát 1 tỉnh Tây nguyên được hưởng 200 tỉ đồng nhưng có 400 dự án. Có dự án 500 triệu đồng một đoạn đường ngắn ngủn, với đặc thù vùng cao thì khó mà kết nối, phát huy hiệu quả được", Phó thủ tướng nêu. Theo ông Quang, Nghị định 27 sẽ giải quyết được 5 câu chuyện lớn, trong đó lồng ghép các nguồn vốn để gia tăng nguồn lực…


Sẽ khắc phục "hồ sơ thanh toán dày hơn báo cáo khoa học"

Nhiều ĐB nêu tình trạng thủ tục thanh toán trong nghiên cứu khoa học rườm rà, "hồ sơ thanh toán dày hơn báo cáo khoa học". Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết Chính phủ đã ban hành Nghị định 95, Bộ Tài chính và Bộ KH-CN ban hành Thông tư 27 liên tịch về cơ chế khoán nhiệm vụ chi KH-CN có sử dụng ngân sách, chuyển từ chi hóa đơn hồ sơ sang chi cho bảng mục công việc, "rất mở trong khoán chi cho KH-CN". Song, ông Phớc cũng cho rằng việc tuyển chọn đề tài nghiên cứu rất phức tạp và kéo dài, việc thực hiện giao khoán theo hướng hồ sơ, chứng từ, thực thanh, thực chi gây khó khăn trong quá trình thực hiện nghiên cứu khoa học. "Các nhà khoa học khi thanh toán cũng thấy rất phiền phức", ông Phớc nói. Để khắc phục điều này, ông Phớc cho rằng các bộ sẽ phối hợp sửa Nghị định 95 và Thông tư 27 trên cơ sở lấy ý kiến nhà khoa học, quản lý, "đảm bảo tính thông thoáng, chủ động, căn cứ vào đầu ra sản phẩm và hiệu quả công việc".


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.