Lọc dự án FDI né thuế

15/02/2025 06:26 GMT+7

Động thái áp thuế hàng hóa từ các thị trường lớn của Tổng thống Mỹ Donald Trump làm gia tăng nỗi lo hàng hóa xuất khẩu của VN bị vạ lây. Các chuyên gia cảnh báo phải tăng cường kiểm soát các dự án đầu tư nước ngoài mới nhằm ngăn chặn hành vi mượn xuất xứ để né thuế.

Cẩn trọng với FDI có dấu hiệu né thuế

Báo cáo mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT) cho biết trong tháng đầu năm nay, tổng vốn đầu tư đăng ký mới, điều chỉnh vốn và góp vốn mua cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 4,33 tỉ USD, tăng đến 48,6% so với cùng kỳ năm 2024. Đáng lưu ý, Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) có vốn đầu tư vào VN lần lượt đứng thứ 4 và 5 (sau Hàn Quốc, Singapore và Nhật Bản), với khoảng 650 triệu USD. Tuy vậy, xét về số dự án mới, Trung Quốc là đối tác dẫn đầu, chiếm hơn 30%.

Lọc dự án FDI né thuế- Ảnh 1.

Gỗ và đồ gỗ là một trong những mặt hàng xuất khẩu có tiềm năng của VN nhưng có nguy cơ bị ảnh hưởng do các chiêu né thuế

Ảnh: Ngọc Thắng

Nhìn lại, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào VN tăng mạnh sau năm 2017, thời điểm chiến tranh thương mại Mỹ - Trung diễn ra. Từ đó đến nay, VN đã trở thành lựa chọn cho các tập đoàn đa quốc gia muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng để giảm thiểu rủi ro địa chính trị. Đặc biệt, vốn FDI từ Trung Quốc vào VN tăng mạnh. Nếu năm 2014, vốn FDI tích lũy từ thị trường này vào VN chỉ khoảng 8 tỉ USD thì 10 năm sau, năm 2023, đã vọt lên hơn 61 tỉ USD (bao gồm khoản đầu tư từ đại lục lẫn Hồng Kông). Theo các chuyên gia, nếu tính luôn lượng vốn đầu tư vào VN thông qua công ty được thành lập tại nước thứ ba như Singapore, Trung Quốc có thể nằm trong nhóm 3 nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại VN.

GS Hà Tôn Vinh, chuyên gia kinh tế, nhận định vốn FDI từ Trung Quốc vào VN tăng mạnh những năm gần đây nằm trong làn sóng di dời một phần sản xuất từ nước này sang nước thứ ba của các tập đoàn đa quốc gia, nhằm giảm rủi ro do phụ thuộc phần lớn vào một thị trường. Bên cạnh đó là lợi thế về địa lý, nhà đầu tư Trung Quốc chọn khu vực phía bắc VN để đầu tư nhiều nhà máy nhằm dễ vận chuyển nguyên vật liệu. Dòng vốn này càng gia tăng hơn do chính sách đánh thuế cao vào hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trong thời kỳ cầm quyền trước đây của Tổng thống Trump.

"Dòng vốn FDI từ Trung Quốc tiếp tục gia tăng trong thời kỳ hiện nay, khi ông Trump trở lại Nhà Trắng, là điều dễ hiểu. Trong đó, đáng lo ngại nhất là VN trở thành bến đỗ cho các DN gia công từ Trung Quốc để mượn xuất xứ", GS Hà Tôn Vinh nhấn mạnh và phân tích rõ hơn: Các chính sách về thuế của Tổng thống Mỹ đang áp cho các nước không phân biệt đồng minh thân cận, đối tác hay đối thủ. Thế nên, cho dù là đối tác thân cận như Canada hay đối tác lớn như châu Âu đều phải đối diện đòn áp thuế bất kỳ lúc nào nếu phía Mỹ xét thấy cán cân thương mại chênh lệch quá lớn.

Trước lo ngại nhà đầu tư Trung Quốc tìm cơ hội mượn xuất xứ để né thuế, GS Hà Tôn Vinh phân tích: VN có quá nhiều lợi thế cho doanh nghiệp (DN) Trung Quốc về địa lý, hậu cần, nên dễ bị lợi dụng tuồn hàng hóa vào, thuê DN Việt gia công công đoạn cuối để xuất đi. Kịch bản thứ 2 là DN gia công Trung Quốc đến VN lập công ty, nhập nguyên liệu, thiết bị từ nước này để làm công đoạn cuối rồi xuất đi.

"Trong thực tế, nhiều hàng hóa xuất khẩu VN trả giá đắt vì làn sóng đầu tư mượn xuất xứ này, bị áp thuế chống bán phá giá… Dưới thời Trump 2.0, hàng hóa từ Trung Quốc chính thức bị áp thuế xuất khẩu tăng, khiến nhiều DN Trung Quốc đang sản xuất xuất khẩu đi Mỹ phải tìm cơ hội đưa hàng sang Mỹ qua nước thứ ba như VN, Thái Lan, Campuchia… Thế nên, thu hút đầu tư FDI từ Trung Quốc nói riêng, FDI nói chung trong thời gian tới, phải hết sức tỉnh táo với các hoạt động sản xuất có nguy cơ, dấu hiệu né thuế, mượn xuất xứ", GS Hà Tôn Vinh cảnh báo.

Nếu xét thấy chưa an toàn, chưa cần thiết, có thể không nên vội vã cấp giấy phép đầu tư cho những DN nhỏ li ti, có nguy cơ nhập hàng để mượn xuất xứ. Hoặc khi cấp giấy phép đầu tư rồi, công tác giám sát của cơ quan quản lý phải kỹ, nếu phát hiện sai phạm trong lẩn tránh xuất xứ thì có thể rút giấy phép ngay lập tức. Song song đó, khuyến khích DN trong nước chủ động hơn về nguyên liệu sản xuất, giảm phụ thuộc nhập khẩu từ Trung Quốc.

GS Hà Tôn Vinh (chuyên gia kinh tế)

Lọc kỹ đầu vào

Trong thực tế, sau khi gia tăng sự xuất hiện các nhà xưởng lớn từ Trung Quốc, đã có trường hợp hàng VN bị áp thuế chống bán phá giá, xuất khẩu của ngành bị ảnh hưởng trầm trọng. Chẳng hạn với ngành sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời của VN. Ngay sau khi Mỹ tăng thuế nhập khẩu, nhiều khoản đầu tư lớn của các công ty Trung Quốc trong ngành này đã đổ vào nước ta. Năm 2023, xuất khẩu pin năng lượng mặt trời từ VN sang Mỹ đạt đến 4,2 tỉ USD. Thế nên, tháng 4.2024, các nhà sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời của Mỹ đã đệ đơn yêu cầu điều tra chống bán phá giá và áp thuế chống trợ cấp đối với sản phẩm pin mặt trời nhập từ VN.

Theo Sở Công thương Bắc Giang, ngành sản xuất pin năng lượng mặt trời tại tỉnh này đang đối diện nhiều khó khăn từ hệ lụy của các vụ phòng vệ thương mại. Bắc Giang có 14 DN 100% vốn FDI. Từ năm 2023, đầu tư vào tấm pin năng lượng mặt trời của các DN này đóng góp tới hơn 7 tỉ USD cho sản xuất công nghiệp tại tỉnh. Tuy nhiên, trước những đòn áp thuế phòng vệ thương mại sản phẩm tấm pin năng lượng mặt trời của Mỹ, sản lượng và giá trị xuất khẩu mặt hàng tại Bắc Giang giảm mạnh, chỉ còn khoảng 4 - 5 tỉ USD. Pin năng lượng mặt trời cũng là mặt hàng xuất khẩu hiếm hoi ở VN liên quan đến tất cả các biện pháp phòng vệ thương mại do Mỹ áp dụng, gồm điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ, lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại.

Trong bài viết trên tờ Financial Times tuần trước, GS Chris Miller (Đại học Tufts, Mỹ) - tác giả sách Cuộc chiến chip - nhận xét: Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung mang lại cho các nước Đông Nam Á cơ hội đẩy mạnh công nghiệp hóa khi dòng vốn FDI chảy mạnh vào khu vực, song việc khai thác giá trị từ dòng vốn này khó khăn hơn mong đợi. Lý do, nhà đầu tư nước ngoài thường đòi hỏi nhiều về trợ cấp và ưu đãi thuế. "Thường với các nhà đầu tư kiểu này sẽ không mang lại nhiều giá trị kinh tế", ông nhấn mạnh và so sánh các công ty phương Tây mở nhà máy tại các nước Đông Nam Á do muốn tiếp cận nguồn lao động và linh kiện giá rẻ ở địa phương. Trong khi đó, các công ty Trung Quốc đến Đông Nam Á không chỉ nhập khẩu hầu hết linh kiện từ quê nhà mà còn thường xuyên đưa nhân công trong nước sang. Hơn nữa, DN từ Trung Quốc sẽ phản đối các yêu cầu chuyển giao công nghệ mà chính phủ nước ngoài áp đặt.

Theo cảnh báo, một số ngành hàng sản xuất xuất khẩu VN đi Mỹ dễ gặp rủi ro lớn về điều tra phòng vệ thương mại gồm gỗ dán, tủ gỗ, thép chống ăn mòn, thép cán nóng, nhôm thanh, nhựa PET… GS Hà Tôn Vinh chỉ rõ đây cũng là những ngành hàng Trung Quốc từng xuất khẩu sang Mỹ với kim ngạch lớn. Thế nên, với dòng vốn FDI mới thuộc các ngành hàng này, cần được chọn lọc, giám sát thật kỹ.

"Nếu xét thấy chưa an toàn, chưa cần thiết, có thể không nên vội vã cấp giấy phép đầu tư cho những DN nhỏ li ti, có nguy cơ nhập hàng để mượn xuất xứ. Hoặc khi cấp giấy phép đầu tư rồi, công tác giám sát của cơ quan quản lý phải kỹ, nếu phát hiện sai phạm trong lẩn tránh xuất xứ thì có thể rút giấy phép ngay lập tức. Song song đó, khuyến khích DN trong nước chủ động hơn về nguyên liệu sản xuất, giảm phụ thuộc nhập khẩu từ Trung Quốc", GS Hà Tôn Vinh khuyến cáo.

Trong thực tế, chúng ta từng bị mượn xuất xứ và đã trả giá cho một số ngành hàng xuất khẩu, kim ngạch giảm, DN khó khăn... Kinh nghiệm ứng phó với hành vi này chúng ta không thiếu. Thế nên, lúc này một mặt cần gác cổng thương mại thật chặt, mặt khác, công tác lọc vốn từ cấp cơ sở, đơn vị cấp giấy phép là quan trọng. Các địa phương, công chức phụ trách bộ phận thẩm định, cấp phép, cần nắm rõ như thuộc lòng các nhóm ngành hàng sản xuất mà VN có nguy cơ bị lợi dụng lẩn tránh xuất xứ. Xem xét và nếu đã cấp phép thì công tác quản lý hậu cấp phép phải được chú trọng. Nếu phát hiện hành vi đội lốt hàng Việt để xuất khẩu, cần phạt thật nặng để làm gương.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.