Bệnh nhi 9 tuổi bị chấn thương nhiều cơ quan do tai nạn giao thông, ngưng tim đến 3 lần trong quá trình điều trị. Các bác sĩ đã phải lọc máu liên tục đến 4 lần mới cứu được mạng sống cho bệnh nhi.
Bệnh nhi được lọc máu liên tục tại Bệnh viện Nhi đồng 1 - Ảnh: do bác sĩ cung cấp |
Chiều nay (1.3), bác sĩ Đặng Thanh Tuấn, Trưởng Khoa Hồi sức ngoại, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết sau hơn nửa tháng điều trị, phải lọc máu liên tục đến 4 lần, các bác sĩ mới cứu được mạng sống cho bệnh nhi bị đa chấn thương (tổn thương nhiều cơ quan: hô hấp, tim mạch, huyết học, gan, thận và chuyển hóa) do tai nạn giao thông.
Bệnh nhi N.K.V (9 tuổi, nữ, ngụ Trảng Bàng, Tây Ninh) được Bệnh viện Đa khoa Khu vực Củ Chi chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) ngày 10.2 (mùng 3 tết).
Được biết, ngày 9.2 (mùng 2 tết), cả gia đình 4 người cùng đi xe máy chúc tết thì bị trượt ngã, té ra đường. Bé V than đau bụng, bị trầy xước da nhiều.
Bé được đưa đến Bệnh viện Trảng Bàng (Tây Ninh), rồi chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Khu vực Củ Chi (TP.HCM).
Tại Bệnh viện Đa khoa Khu vực Củ Chi, các bác sĩ đã chẩn đoán bệnh nhân bị phù não, dập gan, sốc mất máu do vỡ gan, chấn thương bụng kín, đa cơ quan. Bệnh nhi được nhanh chóng phẫu thuật. Khi mổ ổ bụng thì trong bụng bệnh nhân chứa đến hơn 2,4 lít máu loãng. Bệnh nhân đã được khâu vết rách gan, phải truyền đến hơn 3 lít máu trong phẫu thuật và điều trị hồi sức tích cực.
Trong 24 giờ này, bệnh nhân bị ngưng tim đến 2 lần.
Sau đó, bệnh nhân đã được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 1 để được tiếp tục được điều trị.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, bệnh nhân đã bị ngưng tim thêm 1 lần nữa. Bệnh nhân đã được thở máy, truyền máu, dùng thuốc an thần, giảm đau, kháng sinh và phải dùng thuốc vận mạch liều cao mới giữ được huyết áp.
“Lọc máu là biện pháp cuối cùng khi hầu như bệnh nhân đã không còn hi vọng. Bệnh nhân bị đa chấn thương các cơ quan thì các cơ quan không còn làm việc được để thải độc cơ thể (gan, thận). Mặt khác, khi gặp chất thương cơ thể cũng tiết ra một chất tác động làm rối loạn các cơ quan không hoạt động được. Lọc máu giúp “làm thay” việc của các cơ quan, thải độc cho cơ thể”, bác sĩ Tuấn cho biết.
Sau hai lần lọc máu liên tục, bệnh nhân đã có dấu hiệu hi vọng sống. Sau 4 lần lọc máu, bệnh nhân đã vượt qua “cửa tử”.
Hôm nay, bệnh nhi đã tỉnh, ổn định sức khỏe. Tuy nhiên, chức năng thận còn yếu và bé vẫn còn trong tình trạng sợ hãi, hoang mang. Vì vậy, bệnh nhi vẫn đang được các bác sĩ chăm sóc đặc biệt và điều trị tâm lý.
Bình luận (0)