Ông Ngô Văn Xu (62 tuổi, ở thôn Thuận An, xã Tam Hải, H.Núi Thành) và con trai lái ghe gỗ 20 CV đến ghềnh đá Bàn Than. Họ neo đậu ghe cách bờ hơn 100 m rồi sửa soạn đồ nghề. "Tôm hùm giống ở đây có hầu như quanh năm, mùa sinh sản thì dày hơn. Nghề bắt tôm hùm giống từ tháng 10 âm lịch kéo dài đến cuối tháng 3 năm sau. Đặc biệt, sau tết là khoảng thời gian thuận lợi để lặn bắt tôm vì biển êm, ít sóng gió", ông Xu nói.
Đeo hai dây chì vào người, mặc bộ đồ lặn chuyên dụng, cầm ống hơi, anh Ngô Văn Đấu (31 tuổi, con trai ông Xu) nhảy xuống biển. Trên thuyền, ông Xu vừa thả ống dẫn khí theo hướng con lặn, mắt không rời cuộn dây dẫn khí dài gần 200 m. Chừng 8 - 10 phút, anh Đấu lại ngoi lên một lần… Người "có nghề" lặn biển sẽ biết tìm đến vị trí nào tôm ở. Các khe, hốc đá đó là nơi tôm thường đẻ trứng và tôm nhí nấp tại đó. Nhưng phải thật tinh mắt và có kinh nghiệm, người săn tôm nhí giống mới biết được hốc đá nào có tôm giống. "Khi biết tôm nấp trong khe, hốc đá thì chỉ cần dùng que sắt nhỏ như cây tăm xe đạp chọc vào, tôm thấy động sẽ bung ra. Lúc đó, thợ lặn phải nhanh tay chộp lấy và cho vào chai nhựa", ông Xu chia sẻ.
CUNG ỨNG GIỐNG CHO CẢ KHU VỰC
Những ngày đầu tháng 3, ông Xu cùng nhiều ngư dân khác tranh thủ những lúc biển lặng nước trong, hàng chục ghe thuyền tập trung quanh ghềnh đá Bàn Than (xã đảo Tam Hải) bắt tôm hùm giống. Đáy biển khu vực này có san hô, bãi đá nên rất nhiều tôm hùm sinh sống. Chỉ cần một chiếc ghe gỗ loại nhỏ, một chiếc bình ắc quy loại lớn, bộ khí có ống chuyển khí và mắt kính lặn, một dây nịt bằng chì… là ngư dân có thể hành nghề, từ sáng sớm đến tối mịt.
Sau gần 2 giờ đồng hồ lặn hụp dưới độ sâu từ 6-10 m, anh Đấu bắt được 8 con tôm hùm bé xíu. Do tôm hùm có đặc tính bám vào các rạn đá, ngư dân phải "áp sát" nên dễ bị sóng xô đẩy hoặc trượt ngã vào đá ngầm, gây chấn thương... "Ở dưới nước chịu sức ép lớn, đối mặt với không ít rủi ro, bất trắc khi máy móc trục trặc, gặp sự cố về áp suất dẫn đến tàn tật. Chúng tôi thường bảo, lặn bắt tôm hùm nhí là nghề đánh cược với tính mạng. Có người từng bỏ mạng vì lặn săn tôm hùm", anh Đấu tâm sự.
Ông Nguyễn Văn Nhật, 55 tuổi, một "chuyên gia" lặn bắt tôm hùm ở thôn Thuận An, quả quyết không phải ai cũng theo nghề này được. Nghề chỉ dành cho những thanh niên khỏe mạnh, mắt cũng thật tinh tường để phát hiện mấy cọng râu tôm lấp ló ra ngoài rạn đá. "Lặn tôm không phải khi nào cũng gặp thuận lợi. Có khi may mắn, có lúc về trắng tay. Ở tuổi như tôi, với sức khỏe và khả năng không còn nhanh nhạy như trước, mỗi ngày bỏ túi được 1 triệu đồng coi như "thắng lớn" rồi, vì dù sao cũng đỡ vất vả hơn nhiều so với chuyện phải lên tàu đánh bắt khơi xa", ông Nhật nói.
Cấm khai thác từ tháng 4 - 7 dương lịch
Theo ông Nguyễn Tấn Hùng, Chủ tịch UBND xã Tam Hải, hiện toàn xã có hơn 200 hộ dân khai thác tôm hùm giống. Tuy nhiên, hằng năm chính quyền địa phương có ra văn bản thông báo việc cấm khai thác từ đầu tháng 4 - 7 dương lịch để bảo vệ loài tôm hùm này, cũng như bảo vệ nguồn giống thủy sản ở vùng biển địa phương.
16 giờ chiều, ghe cập bến, cha con ông Xu mang 22 con tôm hùm giống về nhà. Thương lái sau đó tìm đến mua tôm loại 1 (tôm sao) giá 80.000 đồng mỗi con, tôm loại 2 (tôm xanh) giá 55.000 đồng/con. Trừ chi phí tiền dầu, hôm đó cha con ông Xu thu được hơn 1 triệu đồng.
Bà Ngô Thị Liên, một thương lái thu mua tôm hùm giống, cho biết nghề nuôi tôm hùm lồng ở các tỉnh phía nam như Phú Yên, Khánh Hòa, Quảng Ngãi... đang phát triển mạnh và phụ thuộc nguồn giống ngoài tự nhiên. Do nguồn tôm giống tại chỗ chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu, nên phải trông chờ từ các địa phương khác. Tại xã đảo Tam Hải, mỗi ngày bà Liên mua vài trăm con. "Vì tôm nhí tự nhiên có chất đề kháng tốt, dễ nuôi, nhanh lớn nên các chủ trang trại nuôi tôm sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn để mua", bà Liên nói.
Ông Nguyễn Tấn Hùng, Chủ tịch UBND xã Tam Hải, cho hay nghề khai thác tôm hùm nhí này là lộc trời hằng năm. "Mùa vụ đã mang lại thu nhập cao cho người dân địa phương, nên bà con rất phấn khởi. Khi mùa bắt tôm hùm giống kết thúc, người dân chuyển qua đánh bắt hải sản", ông Hùng nói.
Bình luận (0)