Theo thạc sĩ Bùi Việt Thành, Khoa Văn hóa học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM: “Để ngăn chặn được điều này cần đòi hỏi có sự chung tay, trong đó vai trò của nhà trường và gia đình là hết sức cần thiết. Gia đình, nhà trường cần tăng cường tuyên truyền lời ăn, tiếng nói, hành xử chuẩn mực là biểu hiện văn hóa của gia đình và nhà trường. Đây là nơi bắt buộc các thành viên phải noi theo, tuân thủ, làm được điều đó có thể giúp đẩy lùi nạn nói tục, chửi bậy”.
Thạc sĩ Đặng Hoàng An, giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng việc phòng vẫn hơn chống nên bản thân mỗi người dùng trước hết phải ý thức được tính hai mặt của việc sử dụng mạng xã hội để phát ngôn luôn có sự cân nhắc.
“Việc hình thành hay từ bỏ một thói quen xấu rất khó, không phải dễ có được trong ngày một ngày hai mà cần có sự đấu tranh của ý chí, và hãy thay đổi thói quen sử dụng mạng xã hội bằng việc thường xuyên để tâm đến những câu chuyện đẹp, ý nghĩa và mang tính giáo dục. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần siết chặt sự quản lý đối với các trang mạng xã hội; gia đình, nhà trường cần tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho người trẻ; xã hội nên tăng cường tuyên truyền giáo dục văn hóa ứng xử trong môi trường mạng…”, ông An nói.
Còn theo thầy Trần Nguyễn Tuấn Huy, giáo viên dạy ngữ văn, Trường THCS Trần Bội Cơ (Q.5, TP.HCM), gia đình mỗi người trẻ nên tạo một môi trường ấm áp, để mọi người có thể chia sẻ với nhau, quan tâm với nhau nhiều hơn để các bạn trẻ cảm thấy được thể hiện chính mình, không cần nương tựa vào thế giới ảo.
Nếu lạm dụng mạng xã hội một cách thiếu kiểm soát để văng tục, bình luận thiếu tế nhị sẽ để lại nhiều hệ lụy khó lường. Về phía cá nhân thì tự mình làm xấu đi hình ảnh bản thân, hơn nữa là nhận sự phẫn nộ, khó chịu từ mọi người. Về phía người đón nhận sẽ là sự xúc phạm, tổn thương sâu sắc về tinh thần và có khi trở thành “giọt nước tràn ly” đẩy người khác vào ngõ cụt, có khi là cái chết thương tâm vì không vượt qua nỗi áp lực từ dư luận.
Thạc sĩ Đặng Hoàng An giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM
Mạng xã hội là tấm gương phản chiếu chính chúng ta, nhà tuyển dụng sẽ căn cứ vào đó để đánh giá xem bạn là người như thế nào, nên đừng tự tay đánh mất cơ hội của mình bằng những phát ngôn trên mạng xã hội.
Ngô Thị Kiều Nhi Phó chủ tịch Hội Sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM
Là nghệ sĩ, lời ăn tiếng nói của mình ít nhất cũng phải tế nhị và kín đáo, càng không nên ăn nói lỗ mãng, thô tục. Tôi nhiều lần phải đỏ mặt vì nhiều phát ngôn của một số nghệ sĩ. Đã làm nghệ thuật thì ít nhất phải giữ hình ảnh chung, vì thế có rất nhiều nghệ sĩ đã và đang âm thầm cống hiến cho nghệ thuật, xây dựng hình tượng đẹp, dù chịu rất nhiều sức ép của dư luận.
Ca sĩ Lâm Chấn Kiệt
|
Bình luận (0)