Lời dạy của tiền nhân

22/06/2014 02:00 GMT+7

Bài Chủ quyền lãnh thổ là thiêng liêng và bất khả xâm phạm trên Báo Thanh Niên số ra hôm qua 21.6, trong đó Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khi trả lời TTXVN đã nhắc lại câu nói của vua Lê Thánh Tông về bảo vệ chủ quyền đất nước, nhiều bạn đọc gọi điện đến tòa soạn muốn biết rõ hơn chi tiết này.

>> Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Chủ quyền lãnh thổ là thiêng liêng và bất khả xâm phạm

Câu nói ấy: “Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại nên vứt bỏ? Ngươi phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần. Nếu họ không nghe, còn có thể sai sứ sang phương Bắc trình bày rõ điều ngay lẽ gian. Nếu ngươi dám đem một thước núi, một tấc đất của Thái tổ làm mồi cho giặc, thì tội phải tru di!” được nhà viết sử Ngô Sĩ Liên ghi trong Đại Việt sử ký toàn thư - bộ chính sử xưa nhất, nguyên vẹn nhất của nước ta còn tồn tại đến ngày nay.

Theo nhà sử học Trần Trọng Kim biên trong Việt Nam sử lược, lời dạy của đức vua Lê Thánh Tông ra đời vào hoàn cảnh nước ta bấy giờ tuy phải theo lệ xưng thần với nhà Minh, nhưng vua Thánh Tông vẫn hết lòng phòng bị mặt bắc. Thỉnh thoảng có những người thổ dân bên ấy sang quấy nhiễu, thì lập tức cho quan quân lên tiễu trừ. Có một hôm được tin rằng người nhà Minh đem binh đi qua địa giới, vua Thánh Tông liền cho người lên do thám thực hư. Ngài đã nhắc nhở triều thần cũng như quân dân (lời dạy trên) về công lao tiên tổ và dạy mọi người phải hết lòng hết sức bảo vệ chủ quyền quốc gia, giữ gìn bằng được những gì tiền nhân đã để lại cho con cháu.

Vua Lê Thánh Tông trị vì từ năm 1460 đến 1497, tạo ra giai đoạn phát triển rực rỡ nhất trong triều đại nhà Hậu Lê. 

N.Thông

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.