Lợi đơn, ích kép

17/05/2024 09:38 GMT+7

Ấn Độ đã khiến Mỹ không hài lòng và Trung Quốc rất quan ngại khi ký kết với Iran thỏa thuận về tiếp tục xây dựng và vận hành hải cảng Chabahar của Iran ở vịnh Oman.

Cách hải cảng này không đầy 100 km là hải cảng Gwadar ở Pakistan được Trung Quốc đầu tư phát triển làm cửa ngõ tiếp cận vịnh Oman và mắt xích chiến lược quan trọng trong dự án Vành đai kinh tế Trung Quốc - Pakistan và Sáng kiến "Một vành đai, một con đường".

Ấn Độ ký kết với Iran thỏa thuận về tiếp tục xây dựng và vận hành hải cảng Chabahar của Iran ở vịnh Oman

Ấn Độ ký kết với Iran thỏa thuận về tiếp tục xây dựng và vận hành hải cảng Chabahar của Iran ở vịnh Oman

AFP

Mỹ không thể hài lòng về diễn biến nói trên vì nước này chủ trương trừng phạt tất cả các đối tác trên thế giới hợp tác với Iran liên quan chương trình hạt nhân của Iran, đồng thời trừng phạt Nga về kinh tế, thương mại, tài chính và đầu tư liên quan cuộc xung đột ở Ukraine.

Trong bối cảnh chính trị an ninh và cục diện quan hệ quốc tế như thế, việc Ấn Độ tiếp tục đầu tư xây dựng và vận hành hải cảng Chabahar của Iran mang lại lợi đơn ích kép, mang tính chiến lược lâu dài cho Ấn Độ.

Hải cảng này giúp Ấn Độ có được tuyến đường vận chuyển hàng hóa ổn định tới vùng Vịnh, Iran và thông qua Iran tới Nga và Afghanistan cũng như tới khu vực Trung Á mà không phải quá cảnh qua Pakistan. Mối quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan vốn không được êm thấm suốt nhiều thập niên nên tuyến vận chuyển này giúp giảm thiểu nhiều rủi ro an ninh đối với Ấn Độ.

Duy trì và tiếp tục phát triển quan hệ hợp tác với Nga và Iran còn giúp Ấn Độ tăng thế trong quan hệ với Mỹ. Mỹ khó trừng phạt Ấn Độ vì Mỹ có nhu cầu phân hóa Ấn Độ với Nga và Trung Quốc, thậm chí còn phải tranh thủ Ấn Độ trong khuôn khổ hợp tác của Bộ tứ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ngoài ra, Ấn Độ nhờ đó còn có thể ứng phó và cạnh tranh với Trung Quốc ở khu vực.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.