Thiếu hiền tài, doanh nghiệp trẻ “cạn năng lượng”
Trong top 20 nguyên nhân thất bại khi thành lập doanh nghiệp mới theo khảo sát của Cbinsights (đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ tổng hợp, phân tích và báo cáo dữ liệu của Mỹ), yếu tố “đội ngũ nhân lực không thích hợp” đứng ở vị trí thứ 3. Đồng tình với quan điểm này, đại diện SiHub (Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo TP.HCM) chỉ ra yếu điểm của nhiều doanh nghiệp trẻ là đội ngũ chông chênh, thiếu nhân tài làm trụ cột khiến các doanh nghiệp dễ thất bại ngay “từ trong trứng nước”.
Một doanh nghiệp muốn thành công trên thương trường phải đảm bảo cân bằng giữa hai yếu tố con người – con số. Tuy nhiên, sự xuất hiện của các chương trình huy động vốn cũng như áp lực tài chính do Covid-19 gây ra đã vô tình “nâng tầm” yếu tố dòng tiền, dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp “lơ là” chuyện xây dựng đội ngũ.
|
Nhận định về tầm quan trọng của đội ngũ lao động đối với doanh nghiệp trẻ, bà Lý Ngọc Trân - Giám đốc Bộ phận Tuyển dụng cấp cao và Nhân sự thuê ngoài của Talentnet khẳng định đây là nhân tố quyết định sức sống và tiềm năng phát triển của công ty, đặc biệt trong giai đoạn 3 năm lập nghiệp đầu tiên. Việc thiếu người có thể dẫn đến tình trạng các đầu việc bị “dồn ứ” do nguồn nhân lực bị quá tải và mất cân bằng quản lý. Mặt khác, thiếu nhân tài khiến việc vận hành các kế hoạch kinh doanh chiến lược kém hiệu quả, dẫn đến mục tiêu trọng tâm của doanh nghiệp ngày càng “xa vời”.
Lời giải bài toán nhân sự cho doanh nghiệp trẻ
Thấu cảm “những dấu chân khác biệt”
Thông thường, để tối ưu hoá chi phí, các nhà lãnh đạo trẻ thường kiêm nhiệm “lo việc nước, đảm việc nhà” khi “bao sân” cả công việc HR. Điều này đòi hỏi các nhà lãnh đạo bổ sung tố chất của một người làm nhân sự chuyên nghiệp, có thể kể đến như khả năng thấu cảm.
Theo bà Trân, thấu hiểu là năng lực đọc vị được cảm xúc của người đối diện. Trong khi đó, thấu cảm là kỹ năng đặt bản thân vào hoàn cảnh của người khác để hiểu biết thấu đáo, cảm được cảm xúc của họ. Để trau dồi “kỹ năng” thấu cảm, các nhà lãnh đạo cần học được cách “lắng” để “nghe”. Từ đó đưa ra những chính sách nhân sự phù hợp, đắc nhân tâm và xây dựng được đội ngũ trung thành cùng doanh nghiệp đi đường dài.
Tìm “viện binh” với thuê ngoài nhân sự:
Ở khía cạnh tuyển dụng, doanh nghiệp trẻ thường không “hút” được nhân tài bởi lương bổng, phúc lợi, danh tiếng đều không đủ sức hấp dẫn. “Nguồn cung” càng trở nên khan hiếm và tình trạng tuyển dụng càng “ảm đạm” bởi người lao động ưu tiên bám trụ công việc hiện tại trong mùa dịch.
|
“Để giải quyết vấn đề này, các doanh nghiệp trẻ có thể “mượn” nguồn lực ngoài xã hội nhờ vào dịch vụ thuê ngoài nhân sự. Đây là hình thức thường được các doanh nghiệp lớn ưa chuộng và là khoản đầu tư đáng cân nhắc, giúp doanh nghiệp tập trung vào nhiệm vụ chính như bảo đảm chất lượng sản phẩm, trải nghiệm khách hàng, tính chuyện “đẻ lãi sinh lời”. Trong bối cảnh hiện tại, thuê ngoài nhân sự là “lối thoát hiểm” cho doanh nghiệp trẻ thoát khỏi tình cảnh thiếu hụt nhân lực, tìm “viện binh” chinh chiến ngay” - bà Trân phân tích.
Từng bước “tiến quân” vào thương trường, người đứng đầu doanh nghiệp trẻ cần phải nhanh nhạy trong việc chọn chiến thuật để sống sót, nhưng cũng không được “lệch cán cân” giữa bài toán con số - con người. Thuê ngoài nhân sự là “ứng cử viên sáng giá” với các doanh nghiệp nhỏ để chia sẻ gánh nặng nhân lực và đảm bảo những bước đầu vừa vững vừa nhanh.
Bình luận (0)