70 phút là... hết pin
3 điểm cùng ngôi nhì bảng là kết quả khả quan của đội tuyển Việt Nam sau 2 trận ở vòng loại thứ 2 World Cup 2026. Thầy trò HLV Philippe Troussier đánh bại Philippines và chỉ thua Iraq ở phút bù giờ cuối.
Tuy nhiên, màn thể hiện của đội tuyển Việt Nam còn thiếu sót, trong đó có yếu tố thể lực. Ở trận đấu tối 21.11 trên sân Mỹ Đình, dù chưa đến phút 80, nhưng HLV Troussier đã phải thay cả 5 cầu thủ.
"Trên sân, cầu thủ không thể duy trì nhịp độ chơi liên tục cả trận. Tôi thay người là do cầu thủ mệt mỏi và chấn thương. Cầu thủ không thể chơi liên tục trong 90 phút, mà họ chỉ đá tốt trong 60 phút thôi, 30 phút còn lại phải chờ sai lầm đối thủ", HLV Troussier phân tích.
Ở cả hai trận gặp Philippines và Iraq, dù chơi tấn công hay phòng ngự phản công, các cầu thủ Việt Nam đều có dấu hiệu đuối sức trong 20 phút cuối. Các học trò ông Troussier mắc nhiều sai lầm trước Philippines trên sân Rizal Memorial, nhưng sạch lưới bởi đối thủ dứt điểm kém.
Nhưng trước Iraq, vận may đã không lặp lại. Đội tuyển Việt Nam có thể chơi tốt ở Đông Nam Á, song để dự World Cup, đội bóng ông Troussier huấn luyện cần duy trì cái "tốt" ấy ở các trận gặp những đội như Iraq, Uzbekistan (thuộc nhóm 2 châu Á). Đấy là điều còn thiếu của đội tuyển Việt Nam.
Hình ảnh Quế Ngọc Hải, Phan Tuấn Tài căng cơ, kiệt sức cho thấy khoảng cách lớn về thể lực, sức va chạm của đội tuyển Việt Nam với những đội nhóm đầu.
Đi tìm nguyên nhân
Lý do đầu tiên khiến đội tuyển Việt Nam sớm "hết pin", nằm ở sơ đồ 3-4-3 vốn đòi hỏi cường độ chơi bóng rất cao.
Trong lối chơi đặt nặng tính kiểm soát mà HLV Troussier đề ra, việc chuyển đổi trạng thái từ phòng ngự sang tấn công, và ngược lại, được xem như chìa khóa tiên quyết.
Sau khi mất bóng, các cầu thủ phải lập tức áp sát quyết liệt, chủ động để giành lại quyền kiểm soát. Còn khi có bóng, các cầu thủ cũng phải di chuyển liên tục để mở ra khoảng trống.
Lối chơi chủ động mà HLV Troussier đề cao vốn đòi hỏi cường độ vận động rất lớn. Các cầu thủ phải di chuyển đồng bộ và không ngừng nghỉ, đội hình"xoay" liên tục tùy thuộc vào vị trí cần gây áp lực.
Để kiểm soát không gian tốt hơn đối thủ, điều kiện cần là phải chạy, chạy và chạy để giành lợi thế quân số trong từng khu vực cụ thể. Đội tuyển Việt Nam đang dần quen với triết lý của "Phù thủy trắng", nhưng mới ở giai đoạn cầm bóng triển khai tấn công từ sân nhà.
Còn ở trạng thái không có bóng, các cầu thủ chơi chưa đủ quyết liệt và bền bỉ trong 90 phút. Khi thể lực không đảm bảo, đổ vỡ chiến thuật và sai lầm là điều tất yếu.
Lý do thứ hai, nằm ở khâu huấn luyện thể lực. Dưới thời HLV Park Hang-seo, đội tuyển Việt Nam được "nhồi" thể lực đều đặn, khối lượng tập luyện rất lớn ở các đợt tập trung dài hạn.
"Các cầu thủ trước đây được khởi động rất kỹ, đôi khi phần khởi động lên tới 25 - 30 phút khiến cầu thủ bở hơi tai, nhiều người dù mệt nhưng vẫn phải gắng theo bài tập. HLV thể lực của đội cũng tính toán điểm rơi thể lực cho từng giải. Giai đoạn cần đẩy mạnh thể lực, đôi khi đội tập đến 2 buổi chỉ để rèn thể lực mỗi tuần", một thành viên cũ của đội chia sẻ.
Việc chú trọng khâu nâng thể lực thông qua các bài tập rất nặng của ban huấn luyện giúp đội tuyển Việt Nam có thể đá ở cường độ rất cao xuyên suốt cả trận với những đội hàng đầu châu Á như Nhật Bản, Iraq, Ả Rập Xê Út trước đây ở Asian Cup, vòng loại World Cup.
Nếu đội thua, sẽ là cái thua vì chênh lệch chuyên môn, chứ không phải vì đuối sức. Do đó, thực trạng hiện tại ở đội tuyển Việt Nam là vấn đề ban huấn luyện ông Troussier cần nghiên cứu.
Không có thể lực tốt, các cầu thủ khó đáp ứng chiến thuật, dù đó là chơi phòng ngự phản công hay kiểm soát bóng.
Hướng đi mới
Nói về vấn đề thể lực của đội tuyển Việt Nam, HLV Troussier đề cập tới nguyên nhân V-League: "Cần hiểu rằng, kể cả khi nâng cao thể lực cầu thủ ở đợt tập trung đội tuyển Việt Nam, thì cường độ thi đấu ở V-League chưa đủ để họ nâng tầm thể chất".
Chiến lược gia người Pháp đã gợi mở 2 vấn đề. Trước tiên, thực ra khâu huấn luyện thể lực ở V-League chưa được đề cao, rất ít đội có HLV thể lực, hay đầu tư nghiêm túc cho khía cạnh này.
Ngoài ra, cường độ chơi ở V-League vẫn chậm so với các giải đỉnh cao. HLV Mauro Jeronimo, cộng sự cũ của ông Troussier cho rằng ở giải quốc nội, thời gian bóng thực sự lăn mỗi trận (sau khi trừ thời gian bóng "chết") chỉ là 45 đến 50 phút, các cầu thủ chạy không quá 10 km mỗi trận, chủ yếu "khoán" cho ngoại binh. Đây là cường độ không đủ cho các giải hàng đầu.
Ông Bae Ji-won, cựu trợ lý thể lực của đội tuyển Việt Nam cho biết: "Có thể ông Troussier cho rằng các đội V-League phải san sẻ trách nhiệm. Mặt khác, các đội bóng V-League cũng có thể lập luận rằng do HLV đội tuyển quốc gia không kịp nâng thể lực cho tuyển thủ. Vấn đề thể lực sẽ tiếp tục được tranh luận. Quan trọng nhất là HLV Troussier phải có giải pháp".
Một vấn đề nữa của đội tuyển Việt Nam, là các cầu thủ gần như không có thời gian "sạc pin" ở mùa giải 2023. Do đây là năm diễn ra đồng thời 2 mùa giải 2023, 2023 - 2024, nên các cầu thủ chỉ có khoảng nghỉ vào tháng 9 và tháng 10.
Trùng hợp, đây lại là thời gian các cầu thủ mệt nhoài với các đợt tập trung, đấu giao hữu của đội tuyển.
Sự mệt mỏi tích lũy kéo dài, khiến cầu thủ khó đạt điểm rơi thể lực và phong độ. Tuy nhiên khi mùa giải đã "vào guồng", cộng với quãng thời gian chuẩn bị dài và cuối năm 2023 và đầu năm 2024 là cơ hội để toàn đội co giãn, tính toán lại khâu thể lực, từ đó cải thiện sức khỏe nhằm vận hành tốt lối chơi kiểm soát.
Bình luận (0)