Lợi hay thiệt từ chiến dịch bán độc quyền sản phẩm công nghệ?

03/07/2023 10:00 GMT+7

Việc nhà bán liên kết với hãng sản xuất thiết bị để độc quyền mở bán dòng sản phẩm nhất định có thể mang đến cả lợi lẫn hại cho người tiêu dùng.

Mở bán độc quyền là hoạt động diễn ra khá thường xuyên gần đây khi một đại lý, hệ thống được kinh doanh một thiết bị chuyên biệt trong dòng sản phẩm của nhãn hàng tung ra thị trường.

Theo chia sẻ từ một đại lý thuộc Top 5 đơn vị kinh doanh di động lớn tại Việt Nam, hợp tác này giúp hãng (nhà sản xuất) bán được nhiều hàng hơn thông qua việc độc quyền hay bán riêng một phiên bản dung lượng/màu sắc cho nhà bán lẻ, để họ có thể tập trung đẩy mạnh truyền thông cũng như doanh số cho nhóm sản phẩm.

Người dùng sẽ mất cơ hội mua sản phẩm với giá tốt hơn khi một đại lý độc quyền kinh doanh thiết bị

Người dùng sẽ mất cơ hội mua sản phẩm với giá tốt hơn khi một đại lý độc quyền kinh doanh thiết bị

CTV

Đại lý sẽ có mẫu riêng để bán, tập trung truyền thông làm nổi bật sản phẩm và bán được nhiều hơn tới khách hàng, còn người tiêu dùng cuối có vẻ như sẽ nhận được giá tốt cũng như nhiều ưu đãi "không đụng hàng" thông qua ưu thế riêng của bên bán, nếu nhà bán lẻ không vì lợi nhuận mà thực sự mà chỉ mong muốn mang đến giá rẻ cho khách hàng, vị đại diện của đại lý cho biết

Tuy nhiên, theo chuyên gia, không loại trừ trường hợp đơn vị bán lẻ với quy mô và thị phần chi phối thị trường có thể gây sức ép đối với hãng (trong bối cảnh hãng đang tìm cơ hội tăng hay giữ số khi thị trường khó khăn và yếu tố nhiệm kỳ của ban lãnh đạo) để nhà sản xuất phải bán độc quyền cả dòng sản phẩm mới ra mắt của mình tại chuỗi này.

"Bán độc quyền sẽ giải quyết bài toán lợi thế của hãng khi tăng doanh số so với đối thủ trên thị trường, cũng như nhà bán lẻ khi không phải cạnh tranh với đơn vị khác, tuy nhiên người tiêu dùng lại chịu thiệt trong cuộc chơi này", vị chuyên gia đánh giá.

Theo ông, độc quyền thì khách hàng chỉ có duy nhất lựa chọn mua sản phẩm, dịch vụ ở chuỗi đang nắm quyền kiểm soát, không thể tìm đâu khác. Bên cạnh đó, họ có thể phải mua đắt hơn khi nhà bán lẻ muốn giữ lãi cao trong bối cảnh đối thủ không có cơ sở giá để so sánh, cũng như không bị cạnh tranh.

Anh Nguyễn Lạc Huy, đại diện hệ thống CellphoneS cho rằng việc độc quyền một số sản phẩm hiện diễn ra ở cả mảng điện thoại lẫn máy tính bảng, thậm chí có ở ngành hàng điện máy. Hiện tại, phần lớn các nhãn hàng thuộc chiến lược này đều thuộc nhóm mà hệ thống kinh doanh lớn đang chiếm hơn 60% thị phần tại Việt Nam. Việc ký độc quyền là một phần trong chiến lược giá và giành thị trường của nhà bán lẻ trong năm 2023.

Lợi hay thiệt từ chiến dịch bán độc quyền sản phẩm công nghệ? - Ảnh 2.

Thị trường smartphone tại Việt Nam đang có nhiều sự cạnh tranh khốc liệt

T.Luân

Với vị thế lớn, nhà bán có thể gây ra áp lực và tạo cuộc đua sản phẩm độc quyền mang lợi thế như mình, trong khi hãng khác cũng phải tham gia nếu không muốn mất thị phần. Sản phẩm độc quyền có số lượng kỳ vọng lớn và nhãn phải hỗ trợ giá nhập, còn tiền làm truyền thông, quảng bá gần như không phải vấn đề với hệ thống lớn để đánh bại các "tay chơi" nhỏ hơn.

"Có những thời điểm một hệ thống độc quyền hơn 30% số mẫu sản phẩm được bán trên thị trường của hầu hết nhãn hàng. Trong ngắn hạn việc khiến cho thị trường bán lẻ điện thoại ngày càng lệch lạc khi nằm hoàn toàn trong tay của một đơn vị", anh Huy nhận định.

Về dự đoán thị trường thời gian tới, ông Nguyễn Thế Kha - Giám đốc khối Viễn thông Di động hệ thống FPT Shop nói: "Chưa có nhiều dấu hiệu tích cực về nhu cầu của thị trường smartphone trong ngắn hạn, nên việc cạnh tranh đang diễn ra quyết liệt giữa các nhà bán lẻ để giữ doanh số và thị phần. Nếu việc này diễn ra trong khoảng thời gian dài sẽ có thể tác động tiêu cực đến thị trường khi các cửa hàng nhỏ lẻ, chuỗi nhỏ lẻ sẽ phải rời cuộc chơi do không thể duy trì việc vận hành cửa hàng với doanh thu thấp và biên lợi nhuận hiện tại". Riêng với FPT Shop, ông Kha vẫn lạc quan với các tín hiệu tích cực ở quý 3 khi bắt đầu vào mùa học sinh, sinh viên nhập học, trở lại trường.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.