Lời hẹn chưa thành của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và bạn đồng môn

25/07/2024 11:46 GMT+7

Những người bạn đồng môn khóa 8, Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp rất xúc động, xót thương sau khi thắp nén hương tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà tang lễ Quốc gia.

Buổi họp lớp cuối cùng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

4 giờ sáng 25.7, nhà giáo ưu tú Trần Ngọc Thảo (86 tuổi, đồng môn Khoa Ngữ văn, khóa 8 Đại học Tổng hợp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng) di chuyển từ Hải Phòng đến Nhà tang lễ Quốc gia để thắp nén nhang, tiễn biệt người bạn.

Lời hẹn chưa thành của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và bạn đồng môn- Ảnh 1.

Nhà giáo ưu tú Trần Ngọc Thảo

ĐÌNH HUY

Tại nhà tang lễ, ông Thảo cùng gần 20 người bạn khóa 8, Khoa Ngữ văn đều tỏ ra xúc động, xót thương trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Ông Thảo bồi hồi nhớ lại kỷ niệm cuối cùng của lớp với Tổng Bí thư. "Hôm đó vào ngày 19.6.2022, khi ấy tôi vẫn nhớ anh Trọng nói tôi rằng "Thảo về à, sao ít về họp lớp thế", quả thực những năm trước đó, tôi không có thời gian để về".

Và cũng trong buổi họp lớp năm ấy, các bạn cùng lớp đã có món quà đặc biệt tặng người bạn Nguyễn Phú Trọng để chúc mừng 55 tuổi Đảng. Bức tranh đó được chính tay ông Thảo vẽ.

Lời hẹn chưa thành của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và bạn đồng môn- Ảnh 2.

Bức ảnh chân dung khóa 8, Khoa Ngữ văn tặng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

NVCC

"Tôi được cả lớp giao nhiệm vụ vẽ chân dung anh Trọng. Lúc đấy, tôi và một người bạn họa sĩ đã mất nhiều ngày để vẽ một bức tranh chân dung sơn dầu khắc họa chân dung anh Trọng. Bức tranh rất giống, đạt về thần thái của một sĩ phu Bắc Hà, một người nhân ái.

Khi nhận được bức tranh, anh Trọng nắm tay tôi bảo "bức tranh rất đẹp, rất giống. Ngờ đâu, đây lại là kỷ niệm cuối cùng của chúng tôi và anh Trọng, anh vẫn hẹn đi hẹn lại bây giờ già rồi, chúng ta phải gặp nhau nhiều hơn nữa, già rồi còn đâu mấy... Và đúng già rồi, chúng tôi không gặp anh được nữa", ông Thảo xót xa.

Trong ký ức của ông Thảo, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là con người giản dị, chưa bao giờ có khoảng cách giữa bạn bè và tinh thần nghiên cứu lý luận lúc nào cũng nhất lớp. "Tôi ấn tượng nhất với câu nói của anh rằng "tiền tài, danh vọng như đóa phù vân. Tình bạn, tình người là mãi mãi".

"Khi nhận tin anh mất, chúng tôi bủn rủn chân tay như vừa bị sét đánh ngang tai. Từ ngày 19.7 đến nay nhiều đêm mất ngủ vì mất đi một người bạn lớn. Dù anh đi lúc này hơi sớm nhưng hình ảnh của anh không bao giờ mất trong lòng chúng tôi cũng như trong lòng nhân dân Việt Nam", ông Thảo bật khóc nói.

Ông Thảo cũng đã làm bài thơ Thương nhớ anh thể hiện sự xót xa trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Báo Thanh Niên xin được trích một phần của bài thơ như sau:

"Người đốt lò dũng cảm đã đi xa

Tiếc thay khí phách sĩ phu Bắc Hà

Bạc đầu đau đáu việc quốc dân

Một đời mẫu mực chính liêm kiệm cần

Nay về cõi trường sinh thưa với Bác

Thế giới nghiêng mình kính nể ngợi ca..."

Tổng Bí thư nói với bạn học "vào đây chỉ là sinh viên như các bạn thôi"

Bước ra từ nhà tang lễ cùng ông Thảo là bà Nghiêm Minh Mẫn (84 tuổi, trú Q.Hoàng Mai) với tâm trạng nặng trĩu, bà Mẫn nói "lòng trống trải, thương quý người bạn lâu năm".

Trong tâm trí bà Mẫn, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người ham học, chịu khó nghiên cứu và sưu tầm. Bài luận văn tốt nghiệp đầu tiên của Tổng Bí thư về thơ Tố Hữu, đã được đăng tải trên tạp chí nghiên cứu văn học cho thấy ông "đã có tư duy khoa học và chăm chỉ".

Lời hẹn chưa thành của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và bạn đồng môn- Ảnh 3.
Lời hẹn chưa thành của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và bạn đồng môn- Ảnh 4.

Buổi họp lớp cuối cùng của Tổng Bí thư và bạn đồng môn

NVCC

4 năm học cùng lớp đại học, bà Mẫn chẳng bao giờ quên kỷ niệm khi cùng lớp về thăm nhà Tổng Bí thư tại làng Lại Đà (xã Đông Hội, H.Đông Anh).

"Nghỉ hè năm ấy, chúng tôi về thăm gia đình của Tổng Bí thư. Gia đình đón tiếp bữa ăn giản dị, chỉ có khoai và sắn. Đến tối, cụ ông (bố của Tổng Bí thư) đưa cho mỗi người một cành tre, mọi người không biết dùng làm gì. Sau đó, cụ nói "nhà nghèo không có màn, các cháu hãy dùng cành tre để đuổi muỗi", bà Mẫn nói và cho biết, đó là nếp sống giản dị của gia đình Tổng Bí thư mà cho đến bây giờ anh Trọng vẫn giữ nếp sống giản dị ấy.

Bà Mẫn vẫn nhớ những buổi họp lớp Tổng Bí thư đều nói "tôi xin để tất cả trách nhiệm, cương vị ở ngoài cửa, vào đây tôi chỉ là sinh viên như các bạn thôi". Chính vì vậy, khi phải tiễn biệt người bạn đồng môn, bà vô cùng thương xót, tiếc nuối. Bà cho rằng những di sản mà Tổng Bí thư để lại "rất trân quý, sâu sắc", các thế hệ có thể tiếp tục phát huy con đường của ông.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.