Lỗi 'hóc xương gà' trong cuốn nghiên cứu sử độc đáo

06/05/2016 06:00 GMT+7

Cuốn Bước mở đầu của sự thiết lập hệ thống thuộc địa Pháp ở Việt Nam (1858 - 1897), NXB Hồng Đức - Alpha books liên kết phát hành (2016), bị phát hiện mắc phải lỗi dịch thường được giới dịch thuật gọi hài hước là 'hóc xương gà'.

Cuốn sách được phát triển từ một phần luận án của tiến sĩ Nguyễn Xuân Thọ (sinh năm 1915, làm việc tại Bộ Ngoại giao Pháp). Bản tiếng Việt do tác giả tự dịch. Trong Lời giới thiệu, đơn vị liên kết xuất bản cho biết: “Alpha xuất bản tuân thủ bản nguyên gốc, không chỉnh sửa nội dung, ngoại trừ chỉnh sửa lỗi chính tả theo nguyện vọng người thân, bạn bè đồng nghiệp của tác giả” (tr. 6).
Trong công trình này, tiến sĩ Nguyễn Xuân Thọ đã dành phần lớn cho các tài liệu chính thức mà hầu hết là những văn kiện ngoại giao chưa được tiết lộ, để góp phần xác định một số giai đoạn lịch sử thiết lập hệ thống thuộc địa Pháp ở VN: từ Hiệp ước Versailles (1787) đến Thỏa ước Thiên Tân (1884). Tác phẩm cho thấy trong nội bộ triều đình, những nguyên nhân xa gần dẫn đến việc mất nước… Năm 1991, học giả Hoàng Xuân Hãn đã đánh giá “Bản thảo này quả là độc đáo, hơn hết các công trình nghiên cứu của các sử gia khác”.
Điển tích “hóc xương gà” xuất phát từ việc bài ca dao “Gió đưa cành trúc la đà/Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương”, được dịch sang tiếng Tây rồi chuyển ngữ ngược về tiếng Việt đã ra một bản dịch mới như sau: “Cuồng phong lay ngọn trúc/Thổi xuống tà-vẹt đường/Vợ trời đánh một hồi chuông/Súp gà húp vội, hóc xương mấy lần”.
Tuy nhiên, đáng tiếc ở chỗ tác giả là người VN, làm luận án bằng tiếng Pháp, sau đó dịch ngược lại sang tiếng Việt nhưng lại theo văn phong của phương Tây, cho nên dẫn đến những lỗi dịch “hóc xương gà” không đáng có.
Trang 102 viết về sự kiện sau khi ký Hòa ước 5.6.1862, Phan Thanh Giản cắt 3 tỉnh miền Đông là Gia Định, Định Tường và Biên Hòa cho Pháp như sau: “Phan Thanh Giản, phó ngự sử đại thần, chủ tịch, tòa án lễ nghi, Thượng thư, chủ tịch tòa án tài chánh, tổng giám đốc quốc sứ quân và trường Quốc Tử Giám của Hàn lâm viện Hoàng gia, bị hạ chức làm Tổng trấn tỉnh Vĩnh Long.
Lâm Duy Hiệp, chủ tịch tòa án binh, Thượng thư, phó chủ tịch ủy ban phòng thủ kinh thành mặt biển, cũng bị hạ chức và đi làm Tổng trấn tỉnh Bình Thuận”.
Dễ dàng tra cứu chức vụ của Phan Thanh Giản - vị tiến sĩ khai khoa của Nam bộ (1826), như sau: Thượng thư Bộ Lại (không phải: chủ tịch, tòa án lễ nghi), Thượng thư Bộ Hộ (không phải: Thượng thư, chủ tịch tòa án tài chính), Tổng tài Quốc sử quán (không phải: Tổng giám đốc quốc sứ quân), Tổng đốc Vĩnh Long (không phải tổng trấn). Còn Lâm Duy Hiệp là: Thượng thư Bộ Binh (không phải: chủ tịch tòa án binh), trước đó từng kiêm công việc ở doanh Thủy sư tại kinh đô Huế (không phải: phó chủ tịch ủy ban phòng thủ kinh thành mặt biển), bị hạ chức và đi làm tuần vũ (miền Bắc gọi là tuần phủ) tỉnh Bình Thuận (tên hồi đó là tỉnh Thuận Khánh).
Việc dịch sai này liên quan đến nhiều quan lại cao cấp được nhắc đến trong cuốn sách: Phạm Phú Thứ là Tham tri Bộ Lại thì được dịch thành “phó chánh án, tòa án quan lại” (tr. 148)…
Dẫu có lật hết các loại sách từ điển quan chức VN thì người đọc cũng không thể nào tìm nổi những chức vụ được nêu trên. Có lẽ, sau khi “quy đổi” các phẩm hàm quan chức triều Nguyễn sang tiếng Pháp, lúc dịch ngược lại tác giả đã quên mất tên gốc tiếng Việt chăng?
Không chỉ vậy, tác giả còn đeo quân hàm lên cầu vai Nguyễn Tri Phương thành “thống chế” (tr. 209, tr. 220…). Thống chế là quân hàm cao nhất trong quân đội được sử dụng ở các nước phương Tây như Pháp, Anh và Đức; còn ở VN thì không hề xuất hiện thuật ngữ thống chế dành cho người chỉ huy quân đội ở thế kỷ 19. Tác giả còn gọi quan đại thần Phan Đình Bình là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (tr. 220), gọi nam tước Gros là “Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Pháp tại Trung Quốc” và bá tước De Kleckowski là “Bí thư sứ bộ Pháp” (cùng tr. 48). Hoặc gọi Lâm Tắc Từ (sách viết: Liu Zexu) là “Cao ủy Hoàng đế Trung Quốc” (tr. 46)… Các chức vụ đại sứ đặc mệnh toàn quyền, bí thư sứ bộ hay cao ủy đều xuất hiện ở thế kỷ 20 sau Chiến tranh thế giới thứ 2.
Đảm bảo “không khí lịch sử” là rất cần thiết
Theo nghiên cứu sinh Khoa Lịch sử Trường ĐH Kanazawa, Nhật Bản Nguyễn Quốc Vương, hiện tượng các dịch giả sử dụng thuật ngữ hiện đại hay xảy ra khi dịch các sách từ tiếng Anh, Pháp viết về VN thời cổ, trung đại... Khi đó sẽ có độ vênh nhất định giữa các thuật ngữ dùng trong tiếng Anh và các thuật ngữ Hán - Việt thường dùng ở VN. Để khắc phục tình trạng này thì chỉ có một cách là cố gắng tìm hiểu bối cảnh lịch sử mà tác phẩm phản ánh và những gì liên quan mà tác phẩm đề cập. Vì thế việc dịch sao cho đảm bảo “không khí lịch sử” là rất cần thiết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.