Trái hồng có 2 loại là hồng trứng và hồng giòn. Hồng giòn khi chín sẽ cứng, trong khi hồng trứng mềm và thường ngọt hơn hồng giòn, theo chuyên trang sức khỏe Prevention.
Một trái hồng kích cỡ trung bình sẽ chứa 118 calo. Thành phần dinh dưỡng chính của hồng là 31 gram tinh bột, 6 gram chất xơ, 21 gram đường, 1 gram protein và không có chất béo.
Trái hồng nếu chưa chín sẽ có hàm lượng cao chất tannin. Đây là tác nhân khiến hồng sống có vị đắng, chát nếu ăn. Một số thực phẩm như trà xanh và óc chó cũng có tannin nhưng hàm lượng ít hơn nhiều so với hồng còn sống.
Tuy nhiên, nếu hồng đã chín thì có vị ngọt dịu và hương thơm dễ chịu. Hồng trứng sẽ mềm trông như thạch, trong khi hồng giòn cứng hơn và phù hợp với những người thích ăn trái cây giòn.
Trái hồng rất giàu chất chống ô xy hóa polyphenol, có tác dụng hạ huyết áp, giảm cholesterol xấu, ngăn ngừa cục máu đông, chống ung thư và nhiều lợi ích khác. Không những vậy, hồng còn có vitamin A, B, C, E, K folate, mangan, kali, đồng, chất xơ và nhiều loại khoáng chất khác. Những dưỡng chất này có tác dụng giảm viêm, cải thiện thị lực, chức năng tiêu hóa và sức khỏe tim mạch.
Ngoài ra, hồng còn chứa một chất chống ô xy hóa mạnh khác là flavonoid. Chất này có nhiều trong da và thịt trái hồng, giúp người ăn giảm tỷ lệ mắc bệnh tim, ung thư phổi và nhiều bệnh khác.
Hàm lượng chất xơ cao trong hồng sẽ giúp người ăn no lâu, nhờ đó giảm cảm giác thèm ăn. Vì vậy, hồng có thể được đưa vào chế độ ăn lành mạnh và có tác dụng hỗ trợ giảm cân.
Với hồng trứng thì cách ăn tiện nhất là ăn tươi. Ngoài ra, vì hồng trứng mềm nên có thể xay thành sinh tố hoặc kết hợp với các loại trái cây, rau củ khác.
Trong khi đó, hồng giòn thì có thể cắt ra thành từng lát nhỏ. Nếu bạn muốn dùng hồng giòn làm nguyên liệu nấu ăn thì có thể đặt chúng ở ngăn đá tủ lạnh trong vài ngày. Quá trình này có thể giúp hồng chín và ngọt nhanh hơn, theo Prevention.
Bình luận (0)