Khi mua bí rợ ngoài chợ, người bán thường cạy lấy phần hạt bỏ đi theo thói quen. Nhưng nếu biết đây là một nguồn dinh dưỡng thì có lẽ bạn hơi tiếc.
Khoảng 10.000 năm trước, người ta đã sử dụng hạt bí rợ như một loại thuốc lợi niệu. Dân di cư Bắc Mỹ thì nghiền hạt, trộn với mật ong, sữa để trị giun sán và thổ dân thì dùng để trị chứng đái dầm ở trẻ em. Cho đến năm 1936 thì ngành dược của Mỹ bắt đầu biết đến và sử dụng hạt bí rợ trong điều trị ký sinh trùng đường ruột. Tại Đức, người ta dùng chiết xuất từ hạt bí rợ để chữa chứng rối loạn hệ tiết niệu và viêm bàng quang. Theo tạp chí Reader’s Digest thì hạt bí rợ là một “kho báu” tính về mặt dược liệu.
- Có trong plastic và nhựa, chất bisphénol A thâm nhập vào cơ thể có thể gây tăng cân, nhức đầu, mệt mỏi và giảm hứng thú tình dục. Thành phần lignan trong hạt bí sẽ cân bằng tỷ lệ oestrogen và giúp chống lại các tác động kể trên.
|
- Lo lắng, nhức nửa đầu, vọp bẻ và hội chứng tiền mãn kinh có thể là kết quả của thiếu hụt magnésium. 1/4 tách hạt bí có thể cung cấp gần phân nửa nhu cầu hằng ngày về khoáng chất này. Ngoài ra, hạt bí rợ rất giàu phytosterol, chất tham gia - tùy theo trường hợp - vào việc kích thích hoặc xoa dịu hệ miễn dịch.
- Là nguồn kẽm tốt, khoáng chất cho phép tái tạo dự trữ bạch cầu và chống viêm nhiễm. 1/4 tách hạt bí cung cấp khoảng 25% nhu cầu hằng ngày về kẽm.
- Bơ hạt bí có thể thay thế bơ đậu phộng rất tốt, nó sẽ cung cấp cho trẻ em các a xít béo cần thiết để kích thích hệ miễn nhiễm và làm nhạy bén trí tuệ.
Lưu ý: Hạt bí rợ trước khi sấy nên rửa sạch và trải trên giấy thấm qua đêm cho khô ráo. Sau đó thì trải lên vỉ nướng thành lớp mỏng và để nhiệt độ 95oC trong 20 phút. Có thể xốc một ít muối và để thật nguội trước khi cho vào lọ. Do hàm lượng chất béo bão hòa đa và không bão hòa cao nên hạt bí rợ sau khi tách vỏ dễ bị hôi dầu. Để tận hưởng hết những tính năng của hạt nên ăn tươi hoặc phơi khô hơn là rang.
Minh Quân
Bình luận (0)