Những trái me nhìn vào đã ứa nước miếng, tưởng chỉ có công dụng thêm hương vị cho một vài món ăn như canh chua, làm nước xốt..., thế nhưng nó còn có những lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe.
Ảnh: Hạ Huy
|
Trị đau họng và say nắng: Trong dân gian, me được xem là bài thuốc đặc biệt hữu hiệu trong việc điều trị đau cổ họng và say nắng. Lý do, me có tính sát trùng và kháng sinh. Súc miệng với nước me có thể lập tức dập tắt cơn đau họng.
Tốt cho mắt: Me chứa một lượng lớn vitamin A có tác dụng đặc biệt quan trọng đối với tầm nhìn và làm giảm nguy cơ mắc bệnh thoái hóa võng mạc. Trong hạt me có chất keo dính được sử dụng trong các chế phẩm thuốc nhỏ mắt có thể trợ giúp trong việc điều trị hội chứng khô mắt.
Giảm sốt: Theo Penmai, gần đây các nhà khoa học còn tìm thấy me đặc biệt hữu ích trong việc giúp giảm sốt và chống lại cảm lạnh. Me hoạt động như một chất khử trùng tuyệt vời ngăn ngừa nhiễm trùng và chữa lành vết thương. Bên cạnh đó, lá me có mặt trong trà thảo dược được sử dụng để điều trị sốt rét.
Ngăn ngừa táo bón: Lõi trái me chứa nguồn chất xơ khá cao so với các loại trái cây khác. Chất xơ trong trái me có tác dụng điều hòa nhu động ruột và được coi như một loại thuốc nhuận tràng tự nhiên, vừa hiệu quả vừa không gây tác dụng phụ. Vì vậy, ăn me có thể giúp cơ thể ngăn ngừa táo bón.
Trị vàng da: Trong đông y, lá me còn giúp điều trị vàng da. Ngoài ra, nó cũng có tác dụng tiêu diệt giun ở trẻ em.
Chữa lành vết thương: Khi bị trầy xước, dùng phần bột bên ngoài vỏ me bôi lên vết thương có thể giúp mau lành.
Chữa rối loạn tiêu hóa: Me được dùng để chữa trị các bệnh rối loạn tiêu hóa thông thường như bệnh trào ngược a xít và rối loạn đường mật. Ngoài ra, phần vỏ hạt me còn được chứng minh có tác dụng hiệu quả trong việc điều trị bệnh lỵ và bệnh tiêu chảy.
Giảm cholesterol: Me cũng có tác dụng trong việc giúp ổn định cholesterol, từ đó bảo vệ sức khỏe cho tim.
Bình luận (0)