Sau một ngày quần quật mưu sinh, đêm, khi mấy đứa em tôi đã tắt đèn đi ngủ, mạ tôi lại ra ngồi ở cái ngẹc (ngạch cửa) trước nhà, quấn thuốc lá ngọn mà đốt, rít khói thuốc vào, nước mắt lại trào ra nhưng không dám khóc thành tiếng, sợ 6 đứa em tôi biết chuyện rồi buồn mà bỏ học. Đối với bà, không có gì đáng sợ hơn con mình không được học.
Hút xong một điếu, bà lại dán cái phần còn lại cuối cùng lên phên đất, lại quấn điếu khác mà hút, rồi lại dán vào phên đất…
Cứ đêm này sang đêm khác như thế, cho đến khi tôi trở về, cái phên đất trước nhà mẩu thuốc chồng lên mẩu thuốc, trông như một bức tranh quái dị.
Đêm, trong ánh đèn dầu mờ ảo, tôi nhìn bức tranh khủng khiếp đó mà tưởng tượng đến những nấm mồ chồng lên nhau. Tôi nói với mạ: “Mạ ơi, con đã về rồi, mạ đừng hút thuốc nữa”. Mạ tôi thở dài, mở một nụ cười nhọc nhằn hạnh phúc, gật đầu.
Mạ tôi bỏ thuốc.
tin liên quan
Con là người bạn lớnTrừ thằng Quốc thứ tư thấy mạ khổ quá, bỏ đi học trung cấp để sớm phụ giúp gia đình, còn lại đứa nào cũng cứ thế học lên. Mạ tôi bảo con không đi học là con bất hiếu. Thằng Quốc nước mắt lưng tròng, nghiến răng mà đi. Học xa nhà năm chục cây số, nhưng được nghỉ vài ngày nó lại đạp xe về nhà, việc gì nặng nhất đều đến tay nó. Có mùa lũ tiểu mãn, nó vội vàng đạp xe lên, thấy đường ngập trắng băng, thế mà nó cứ thế lội bộ, nước ngập tận cổ, lội 10 cây số về nhà ra đồng vớt lúa với mạ.
Tôi ở bộ đội về phép, gánh cái gánh mạ tôi không nổi, phải san ra. Bấy giờ tôi 19 tuổi.
*
Hôm ra quê, tôi vẫn thường không báo trước để mạ tôi bất ngờ vì rất sợ để mạ tôi chờ, không ngờ em tôi điện, bảo mạ ốm phải cấp cứu trưa nay.
Vợ con tôi mở cửa xe chạy ào vô, tôi chạy theo sau, thấy mạ tôi đi đi lại lại trong nhà, nở nụ cười móm mém: “Tau nghe bây về hết đau rồi, khỏi rồi, đi lại được rồi”. Bà ôm hôn hết đứa này đứa khác, nói nói cười cười như chưa từng bị ốm.
Mạ tôi rứa đó!
*
tin liên quan
Ô cửa sổTôi tự hỏi, vào những năm khốn khó nhất của cuộc đời, tại sao mạ tôi, một người đàn bà ở quê lại có thể làm bất cứ việc gì chỉ để cho con đi học, để ba tôi rảnh rang cống hiến trọn cuộc đời thanh liêm của mình cho cách mạng (như cách nói của ba)?
Đến nay tôi vẫn còn ngạc nhiên là vì, khi ở bộ đội về, ba tôi nhất định muốn tôi đi làm một công việc khá ngon lành nhưng mạ tôi nhất định không, bảo con học đại học trong quân đội, ra dân chính không làm gì đúng ngành, phải đi học đại học khác…Thằng Cường em tôi có hai giấy báo, một vào học cao đẳng, một vào dự bị đại học một năm, mạ tôi nói luôn, vào dự bị để học đại học…Tại sao mạ tôi nghĩ ra điều đó nhỉ?
*
Trước đây, mạ tôi có trí nhớ phi phàm, hỏi cái gì mạ tôi cũng dẫn ra lục tích, nay mạ tôi tự nhận đã lẫn rồi, hay quên lắm, đôi khi nghĩ đi lấy cái gì đó trong bếp nhưng vào bếp lại quên mất. Mấy đứa biếu tiền, bà bỏ vào túi áo, cài kim băng lại coi bộ kỹ lắm nhưng gặp ai quen cũng cho, khi cho thì tờ 500 nghìn cũng như 5 nghìn, cho tuốt.
Thế mà ngồi kể chuyện với hai đứa con tôi, bà lại không lẫn tí nào, bà kể hết chuyện này chuyện nọ, bảo thằng Bình (con rể thứ hai) giỏi thế này, thằng Toản (rể út) giỏi thế kia; mấy o đứa giỏi chỗ này, đứa giỏi chuyện khác nhưng o Phú là giỏi toàn diện…
Về làng lần mô tôi cũng lì xì cho bà con, con cháu, cứ có mặt là lì xì, đôi khi chỉ là mấy đứa con nít thấy lạ vô chơi… Ba tôi dặn lì xì thì được nhưng tượng trưng thôi. Mạ tôi bình thường lãng tai, không hiểu sao lúc đó nghe rất tỏ, nói lớn: Cứ để hắn mần, cái thằng ni từ nhỏ đã ưng chi mần nấy, mà tính hắn rộng rãi lắm, chừ cứ để hắn mần… Rồi bà ngồi tự nói: Hắn đạp xe đi học, đến giữa đường có người mượn xe hắn nhảy xuống đưa xe cho họ mượn, cứ thế chạy bộ 5 cây số đến trường cho kịp; hồi đi bộ đội về, có mỗi hai bộ áo quần, có người khen đẹp hắn cho hết, rứa mà can chi mô nào?
*
Ba tôi nhắc tôi, dịp 3.2 này, ba nhận huy hiệu 60 năm tuổi Đảng. Mạ tôi nghe được cười móm mém: "Ông tính được tuổi Đảng, chừ tui đố ông, thằng Thịnh con đầu mình mấy tuổi rồi?". Ba tôi ngớ ra...
Nhiều khi, tôi vẫn tưởng mình hiểu thấu tấm lòng của mạ, nhưng rồi nhiều khi nghĩ lại, thấy mình vẫn chưa hiểu được gì. Mạ tôi vẫn là một người vĩ đại và bí ẩn…
Bình luận (0)