Lõi ngô cũng làm được trà tuyệt ngon!

10/04/2022 08:15 GMT+7

Ngô (bắp) sau khi đã lấy hết phần hạt để sơ chế, đóng hộp để sản xuất thực phẩm thì phần lõi sẽ không bị bỏ đi. Lõi ngô sơ chế, trộn cùng cỏ ngọt sẽ trở thành món trà uống thơm ngon, tốt cho sức khỏe .

Lõi ngô ngọt (ngô giống Mỹ) sẽ được chọn để làm trà

SHUTTERSTOCK

Làm trà từ lõi ngô không còn là một ý tưởng nữa, điều này đã được những người trẻ Trường TH, THCS và THPT Victory, TP Buôn Mê Thuột, ở Đắk Lắk biến thành hiện thực. Dự án của họ vừa được trao giải ba ở cuộc thi “Học sinh sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp 2021” cấp quốc gia, Bộ Giáo dục - Đào tạo tổ chức mới đây.

Giúp bác nông dân có thêm thu nhập

Huỳnh Anh Thư, học sinh lớp 10, thành viên dự án cho biết trong một lần trải nghiệm thực tế tại cánh đồng ngô cả nhóm đã thấy được vấn đề, trong quá trình sản xuất ngô lấy hạt thì một lượng lớn lõi ngô bị bỏ không.

“Tại sao chúng ta không phát triển dự án nào đó, vừa xử lý phụ phẩm nông nghiệp trở thành trà có lợi ích cho sức khỏe người tiêu dùng? Việc này cũng giúp giảm thiểu lượng lõi ngô hao phí, góp phần bảo vệ môi trường, tăng thu nhập cho bà con nông dân quê mình?”, Thư chia sẻ. Thư và 4 học sinh khác ngồi lại cùng nhau xây dựng dự án, chế biến trà từ lõi ngô “Corntea”.

Lõi ngô bỏ đi thì thật uổng phí, nó có thể làm thành trà tuyệt ngon

vÕ mẠNH lÂN - nvCC

Bùi Thị Thanh Trúc, thành viên khác của dự án cho hay để làm trà thì không phải lõi ngô nào cũng làm được. Mọi người chọn lõi ngô Mỹ (giống Mỹ, hạt vàng, giòn, ngọt). Lõi ngô phải tươi, đảm bảo về hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật an toàn cho chế biến thực phẩm, không có bụi bẩn, tạp chất, sâu bệnh.

Lõi ngô thu mua về sẽ đem đi sơ chế, sấy khô, sao rang, nghiền nhỏ phối trộn với cỏ ngọt và đóng gói thành dạng túi lọc. Việc sấy khô, nghiền nhỏ hỗn hợp giúp tránh được tình trạng túi trà ẩm mốc. Song để khắc phục triệt để, nhóm đã bỏ thêm gói hút ẩm trong mỗi hộp trà.

“Chúng em đã đi kiểm nghiệm sản phẩm về vệ sinh an toàn thực phẩm, tất cả các quá trình sản xuất đến đóng gói đều được đánh giá đảm bảo về chất lượng. Ngoài ra, nhóm cũng đã đem sản phẩm đi kiểm định hàm lượng dinh dưỡng. Thật tuyệt vời khi nhận thấy trong trà có rất nhiều các hoạt chất như flavonoid, polyphenol... hỗ trợ chống các bệnh như đái tháo đường, bệnh ung thư... Một tách trà ngon giúp tinh thần thư thái và sức khỏe tốt thì thật là điều tuyệt vời đúng không ạ?”, Lê Trần Cường một thành viên của dự án hồ hởi chia sẻ.

Nhóm làm trà từ lõi ngô và 2 cô giáo hướng dẫn

Trà túi lọc từ lõi ngô được sản xuất thủ công tại phòng thí nghiệm hóa học của nhà trường vào mỗi cuối tuần sinh hoạt. Sản phẩm được giới thiệu rộng rãi trong nhà trường từ tháng 5.2021. Nhóm mời phụ huynh, học sinh và giáo viên trong trường tới uống thử. Đáng chú ý, sau khi được phản hồi tích cực trong nhà trường, đã có 3 quán cà phê ở địa phương đặt hàng mua trà sau khi dùng thử.

“Sau khi ra mắt được 4 tháng, chúng em bán được 140 hộp trà. Đặc biệt, sau khi giành giải ba ở cuộc thi "Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp cấp quốc gia" vừa qua, nhóm có nhiều đơn đặt hàng mới từ các cá nhân, tập thể. Đó là một động lực không nhỏ cho cả nhóm. Thời gian tới, chúng em dự kiến phải có chiến lược marketing chặt chẽ và hiệu quả. Có thể chúng em sẽ mời người có tầm ảnh hưởng (KOLs) để giới thiệu sản phẩm trà độc đáo này tới đông đảo người dùng hơn”, Trần Nguyên Khang, trưởng nhóm chia sẻ.

Khởi nghiệp từ học sinh, tại sao không?

Nhóm lập dự án làm trà túi lọc từ lõi ngô là 5 em học sinh. 2 bạn đang học lớp 9 là Vũ Hà Thái Hưng; Nguyên Khang. Anh Thư đang học lớp 10. Thanh Trúc học lớp 11 còn Trần Lê Cường đang học lớp 12. Tình cờ quen biết nhau vì cùng sinh hoạt trong câu lạc bộ STEM của trường, cùng với niềm đam mê khám phá, sáng tạo, các bạn trẻ đã cùng nhau sáng tạo với trà từ lõi ngô.

Lõi ngô làm thành trà túi lọc tiện lợi cho người sử dụng

Cô Trần Thị Tuyết Nhung, giáo viên môn hóa học, người hướng dẫn chung cho nhóm cho hay từ khi học sinh có ý tưởng, cô và đồng nghiệp Phạm Bùi Phương Uyên, cùng ở tổ hóa học đã cùng đồng hành với học sinh, hỗ trợ các về kiến thức khoa học.

“Mọi người tư vấn kỹ thuật chế biến giúp các em làm ra sản phẩm chất lượng nhất, hỗ trợ các em hoàn thiện mẫu mã, liên hệ đầu ra. Chúng tôi luôn đồng hành với học sinh trong các buổi sinh hoạt, sản xuất và kinh doanh để nhóm có định hướng tốt nhất”, cô Tuyết Nhung chia sẻ.

Vì sao càng ngày học sinh càng có hứng thú sớm với khởi nghiệp? Chia sẻ với chúng tôi, Thái Hưng cho biết việc học sẽ hiệu quả hơn khi kết hợp giữa lý thuyết và thực hành.

Nhóm của Hưng đã sớm cơ hội thực hành những kiến thức đã học, có cơ hội để được tham gia các cuộc thi lớn nhỏ và luôn nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ ban giám hiệu nhà trường và các cô hướng dẫn. Đó cũng là những lý do giúp nhóm liều lĩnh khởi nghiệp khi vẫn còn là học sinh.

Nhóm được trao giải ba ở cuộc thi khởi nghiệp cấp quốc gia

Trong khi đó, Nguyên Khang cho biết nhờ tham gia cuộc thi, tất cả thành viên nhóm bạn đều nhận ra thế mạnh phát triển bản thân.

Khang phụ trách mảng kinh doanh, mặc dù chỉ mới 15 tuổi nên có nhiều khó khăn khi phải tìm hiểu về các kế hoạch kinh doanh của dự án trà lõi ngô, nhưng bạn đã hoàn thành tốt công việc của mình. Khang bộc bạch: “Bây giờ có thể là những bước đầu khó khăn, nhưng sau này chắc chắn sẽ là bước đệm vững chãi trong tương lai".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.