‘Lời nguyền số 9’ vẫn đang ám ảnh Chelsea

09/01/2023 07:06 GMT+7

“Việc của tôi ở Premier League vẫn còn dang dở”, Pierre-Emerick Aubameyang hào hứng truyền thông điệp ngầm, rằng anh sẽ lại ghi bàn hàng loạt, khi từ Barcelona trở lại Premier League khoác áo Chelsea mùa này.

Hóa ra, có thể hiểu “việc dang dở” của Aubameyang tại Premier League theo một cách khác. Anh đã nối tiếp truyền thống… gây thất vọng của chiếc áo số 9 tại Chelsea. Nhiều người gọi đây là một “lời nguyền”, hơn là truyền thống.

Aubameyang lắc đầu quầy quậy, như một cách phản đối quyết định thay người của HLV Graham Potter, khi anh phải rời sân ở phút 68, nhường chỗ cho Omari Hutchinson trong trận đấu gần đây nhất tại Premier League (Chelsea thua Man.City 0-1). Trong những phút thi đấu trên sân, Aubameyang chỉ chạm bóng 1 lần trong vùng cấm địa đối phương và không sút được quả nào, nói gì tới việc ghi bàn. Tổng quát hơn: suốt từ đầu mùa, cũng là như vậy. Hơn 3 tháng đã trôi qua kể từ lần gần đây nhất, cũng là lần duy nhất, Aubameyang ghi bàn cho Chelsea ở Premier League (vào lưới Crystal Palace).

“Số 9” Aubameyang đang gây thất vọng ở Chelsea

AFP

Nỗi thất vọng về Aubameyang ở trận sân nhà đầu tiên của Chelsea trong năm nay gợi lại kỷ niệm buồn của Romelu Lukaku hồi đầu năm ngoái. Cũng diễn vai “thảm họa số 9”, Lukaku bực bội nói rằng anh đã sai lầm khi chọn Chelsea, trong một cuộc phỏng vấn (không được CLB cho phép) của Sky Italia. Lukaku sau đó đã bị HLV Thomas Tuchel trừng phạt (gạt luôn khỏi ghế dự bị). Aubameyang bây giờ thì… chỉ dám lắc đầu, buồn thảm rời sân.

Vấn đề của Aubameyang mùa này, Lukaku mùa trước và hàng loạt “ca khó” tương tự trước đó nữa, không phải chỉ nằm ở chỗ họ không ghi bàn. Vấn đề là khi không thể ghi bàn thì bản thân họ cũng như HLV hoặc giới hâm mộ đều không thể trả lời: họ có thể làm việc gì khác trên sân! Họ đều không phải là mẫu tiền đạo chuyên di chuyển không bóng để tạo khoảng trống cho đồng đội, làm tường hoặc quấy phá khu 16 m 50. Việc của họ chỉ là nhận bóng và ghi bàn. Aubameyang chỉ sút được tổng cộng 5 lần, 2 lần đúng hướng khung thành, trong suốt 8 trận gần đây ở Premier League, thì anh ghi bàn bằng gì?

“Số 9” đầu tiên của Chelsea trong kỷ nguyên Premier League là Tony Cascarino. Khi “khởi nghiệp”, ngôi sao này từng có giá chuyển nhượng là… 11 bộ đồ cầu thủ. Đấy là chi tiết mở ra cả một định mệnh buồn? Cascarino ghi cho Chelsea 6 bàn trong 2 mùa bóng ở Premier League. Bấy nhiêu là đã nhiều gấp 6 lần so với Chris Sutton trong mùa bóng 1999 - 2000. Sutton gia nhập Chelsea với giá 10 triệu bảng vào năm 1999, và ra đi sau khi chỉ ghi 1 bàn trong cả mùa bóng.

Bước vào “kỷ nguyên Abramovich”, Chelsea có 5 “số 9” khác nhau trong 5 mùa bóng: Mateja Kezman (2004 - 2005), Hernan Crespo (2005 - 2006), Khalid Boulahrouz (2006 - 2007), Steve Sidwell (2007 - 2008), Franco di Santo (2008 - 2009). Sau khi thất bại với Kezman, rồi Crespo, Chelsea “đổi phong thủy”, giao áo số 9 cho trung vệ Boulahrouz, rồi tiền vệ trụ Sidwell. Cá nhân hai cầu thủ này cũng thất bại trong phần việc của họ. Rồi khi áo số 9 được trả về cho tiền đạo trẻ người Argentina Di Santo thì anh… không ghi bàn nào!

Sau Di Santo, Chelsea lần đầu tiên bỏ áo số 9. Năm 2011, Chelsea “chơi lớn”, lập kỷ lục chuyển nhượng ở Anh (thời ấy), mua Fernando Torres với giá 50 triệu bảng. Trong 3 mùa bóng (2011 - 2014), Torres trở thành một trong những bản hợp đồng gây thất vọng nhất ở Premier League. Rồi lại là sự xen kẽ: bỏ trống số 9; thất vọng với Radamel Falcao; bỏ trống; thất vọng với Alvaro Morata và Gonzalo Higuain. Tammy Abraham lúc tỏ lúc mờ trong giai đoạn 2019 - 2021. Rồi đến Lukaku mùa trước và Aubameyang mùa này. Thật là một “lời nguyền” kỳ lạ!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.