Đài CNN dẫn một số báo cáo gần đây chỉ ra rằng các nhà tuyển dụng ở Trung Quốc dường như chỉ đang tập trung thuê công nhân chưa đến 35 tuổi, độ tuổi thậm chí chưa được gọi là trung niên.
Cụm từ "lời nguyền tuổi 35" ban đầu được dùng để mô tả việc các công ty sa thải các lao động từ 35 tuổi trở lên. Tuy nhiên, hiện nó cũng được "áp dụng" để gọi việc các nhà tuyển dụng chỉ tìm kiếm những sinh viên mới ra trường.
Văn hóa làm việc 996
Việc ưa thích những người lao động trẻ tuổi một phần là do văn hóa làm việc đòi hỏi mọi người phải làm việc nhiều giờ ở Trung Quốc.
"Lời nguyền tuổi 35" là một nhánh của "văn hóa làm việc 996" đầy áp lực của quốc gia tỉ dân. Đối với "996", những công nhân Trung Quốc muốn thăng tiến phải tuân theo một lịch trình khắt khe, làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, liên tục 6 ngày trong tuần.
Do yêu cầu khắc nghiệt, các nhà tuyển dụng ưu ái những người trẻ, khỏe mạnh và sẵn sàng làm việc nhiều giờ. Tờ Business Insider dẫn lời chuyên gia Tianlei Huang của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (Mỹ) cho biết: "Những người lao động trẻ có điều kiện sức khỏe tốt hơn những người lớn tuổi và họ có ít nghĩa vụ gia đình hơn những người trên 35 tuổi, vì vậy họ có thể làm việc nhiều giờ hơn".
Nhiều học giả và quan chức hàng đầu của Trung Quốc cũng đã thừa nhận vấn đề này. Tờ China Youth Daily dẫn phát biểu của nhà lâp pháp Tưởng Thắng Nam, trong đó nói rằng "sự phân biệt đối xử vô hình về độ tuổi đối với những người 35 tuổi luôn tồn tại ở nơi làm việc" và việc từ chối những ứng viên ở độ tuổi 35 là một sự lãng phí rất lớn về tài năng".
Lái xe công nghệ cũng khó kiếm tiền khi thất nghiệp tăng kỉ lục ở Trung Quốc
Giải pháp pháp lý
Các chuyên gia cho rằng cách tốt nhất để chống lại chủ nghĩa phân biệt tuổi tác và bất bình đẳng giới là thông qua cải cách pháp lý. Hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa xã trong năm nay đã đề xuất một số chính sách đặc biệt ưu tiên người lao động trên 35 tuổi, cùng với hỗ trợ tài chính và các quy định chống phân biệt tuổi tác.
Tuy nhiên, nhiều người không thể đợi đến khi các giải pháp trên được thực hiện. Trong bối cảnh Trung Quốc vẫn đang nỗ lực phục hồi sau thiệt hại kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra và có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại, tình trạng thất nghiệp đã trở thành mối lo ngại cấp bách đối với nhiều lao động.
Trên toàn quốc, tỷ lệ thất nghiệp chính thức đã tăng lên mức cao gần kỷ lục 6,1% vào năm ngoái và mặc dù việc dỡ bỏ lệnh phong tỏa đã giúp giảm nhẹ nhưng tỷ lệ này vẫn ở mức 5,2%.
Đối với nhiều phụ nữ Trung Quốc, "lời nguyền" càng làm trầm trọng thêm tình trạng phân biệt giới tính vốn đã ăn sâu bám rễ ở nơi làm việc.
Phụ nữ ở độ tuổi 35 thường cho biết họ phải đối mặt với áp lực từ phía người sử dụng lao động bởi các doanh nghiệp không muốn trả lương cho thời gian nghỉ thai sản. Nhiều người cho biết họ đã mất cơ hội thăng tiến vì người chủ sợ họ sẽ nghỉ việc lâu dài.
Nam giới cũng có thể bị ảnh hưởng. Nhiều lao động nam thậm chí bị giao những nhiệm vụ được cho là không phù hợp, ví dụ như đi công tác vào lúc vợ vừa mới sinh.
Nhà nghiên cứu Yiran Zhang, trợ lý giáo sư tại Trường Luật Cornell (Mỹ), cho biết mặc dù luật lao động của Trung Quốc cấm phân biệt đối xử vì lý do sắc tộc, giới tính và tín ngưỡng tôn giáo nhưng lại không cấm phân biệt việc đối xử không công bằng vì lý do tuổi tác, theo CNN.
Và ngay cả ở những đối tượng được cung cấp một số biện pháp bảo vệ, chẳng hạn như đối với các bà mẹ đang nghỉ thai sản, việc thực thi luật còn yếu và tình trạng phân biệt đối xử về giới vẫn còn phổ biến.
Những nhân viên thành công khởi kiện chủ lao động có thể chỉ nhận được mức bồi thường thiệt hại thấp, khiến một số người không mặn mà với việc theo đuổi hành động pháp lý.
Bình luận (0)