Với túi xách đựng đầy dụng cụ sơ cứu, mỗi khi có cầu thủ ngã xuống sân, đội ngũ y tế phải lập tức có mặt. Việc "trực chiến" trong trạng thái sẵn sàng là yêu cầu bắt buộc với bác sĩ Nguyễn Văn Huy và cộng sự. Chỉ đến khi trận đấu kết thúc, người thầy thuốc mới có thể… thở phào.
"Các cầu thủ sinh viên có điểm chung là còn rất trẻ, lại là cầu thủ không chuyên, nên những va chạm thường là tự nhiên. Tuy nhiên, có những va chạm có thể dẫn đến đau đớn kéo dài, như khi cầu thủ giẫm lên chân nhau. Hoặc có những vết thương hở, xây xát, bác sĩ cần xử lý rất kịp thời như cầm máu, băng vết thương để cầu thủ có thể trở lại thi đấu trong trạng thái an toàn", bác sĩ Nguyễn Văn Huy chia sẻ.
Từng nhiều năm mặc áo blouse trắng phục vụ các giải đấu thể thao, nhưng bước đến sân chơi bóng đá sinh viên, bác sĩ Nguyễn Văn Huy vẫn "gánh" áp lực trên vai. "Chúng tôi gặp sức ép bởi diễn biến trên sân cuốn đi với tiết tấu nhanh, bác sĩ phải chẩn đoán và xử lý đúng dưới điều kiện áp lực lớn. Song, chúng tôi phải cố gắng, tận tâm để đảm bảo an toàn cho cầu thủ. Bên cạnh khả năng ứng biến của từng cá nhân, chúng tôi luôn có những kíp, tổ điều trị để phối hợp đối phó với sự cố trên sân. Từ những va chạm thông thường đến chấn thương phức tạp hơn, đội ngũ y tế luôn liên lạc, bàn bạc trước nhằm lên sẵn phương án, trong trường hợp nào nên xử lý ra sao. Tôi tâm niệm đó là trách nhiệm của người thầy thuốc, làm tròn trịa để bảo vệ cầu thủ. Tuần trước, các cầu thủ đá dưới tiết trời lạnh, còn như tuần này, thời tiết lại nóng bức. Nguy cơ ảnh hưởng đến cầu thủ với những triệu chứng như co rút cơ, say nắng, ngất… luôn hiển hiện. Do đó, chúng tôi phải chuẩn bị sẵn các kịch bản để có kế hoạch sơ cứu", bác sĩ Nguyễn Văn Huy đánh giá.
Một trong những trận đấu mà bác sĩ Nguyễn Văn Huy nhớ nhất ở vòng loại phía bắc, là cuộc so tài giữa đội Trường ĐH Thủy lợi và đội Trường ĐH TDTT Bắc Ninh. Trong một pha va chạm giữa hiệp 2, cầu thủ bên đội Bắc Ninh bị rách mí mắt, chảy máu liên tục. Đội ngũ y tế cầm máu, băng bó, sau đó lập tức đưa cầu thủ đến bệnh viện khâu vết thương. "Chúng tôi chẩn đoán vết chảy máu chỉ là tổn thương phần mềm, không ảnh hưởng nhiều, nhưng lúc đó phải hành động rất nhanh và dứt khoát. Mọi quyết định của bác sĩ, nếu không chuẩn xác, sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến cầu thủ", bác sĩ Nguyễn Văn Huy kể lại.
Thành viên mẫn cán của tổ y tế vòng loại phía bắc cũng dành lời nhắn nhủ đến các đội dự giải: "Là cán bộ y tế, trước đây cũng đam mê đá bóng, tôi muốn khuyên cầu thủ rằng bước vào trận đấu, ai cũng tâm huyết, ai cũng máu lửa, nhưng để tránh những va chạm nguy hiểm cho bản thân mình và đối thủ, các cầu thủ hãy tỉnh táo, giữ cái đầu thật "lạnh", không mạo hiểm ở những pha bóng có rủi ro chấn thương cao. Hãy giữ gìn đôi chân cho nhau, chơi với tinh thần thượng võ, không thù địch. Có như thế, sân chơi bóng đá sinh viên mới thật lành mạnh và an toàn".
Bình luận (0)