Lợi nhuận cao nhất là vàng, tiềm tàng bất động sản...?

12/05/2020 14:57 GMT+7

Dù dịch Covid - 19 hoành hành, kinh tế toàn cầu suy thoái nhưng các kênh đầu tư vẫn có độ sinh lời bất ngờ.

Đầu tư vào đâu trong bối cảnh hiện nay cũng là câu hỏi với nhiều người. Tất nhiên mỗi người có một kế hoạch, mục tiêu riêng nhưng để chọn kênh đầu tư, một mặt căn cứ vào diễn biến của quá khứ (bởi quá khứ là kinh nghiệm, thậm chí xét trong thời gian dài còn nhận diện được tính chu kỳ, thậm chí là quy luật); mặt khác cần lượng đoán các yếu tố tác động trong thời gian tới.
Các chỉ số thống kê cho thấy, tốc độ tăng/giảm giá trên một số kênh trong 4 tháng đầu năm 2020 như sau.

Vàng tăng khủng nhất 

Vàng từ năm 2019 đã bước vào thời của mình, khi tăng 16,23%, 4 tháng đầu năm 2020 tăng tiếp 12,14%, tính chung tháng 4/2020 so với tháng 12/2018 tăng 30,24%- một tốc độ tăng rất cao so với các kênh đầu tư khác trong cùng thời gian. Nhiều dự đoán trong năm nay giá vàng trong nước có thể vượt qua mốc 58 triệu đồng/lượng, thậm chí còn có dự đoán lên tới 70-80 triệu đồng/lượng. Nguyên nhân chủ yếu giá vàng thế giới sẽ vượt qua mốc 2000 USD/ounce, cao hơn đỉnh cũ (1900 USD/ounce), thậm chí còn đạt tới 3000 USD/ounce) với việc hạ thấp lãi suất cơ bản các gói kích thích kinh tế lên đến hàng chục nghìn tỷ USD,…; tỷ giá VND/USD sẽ vượt qua mốc 25000 VND/USD; tâm lý tích trữ, trú ẩn vào vàng còn lớn. Tuy nhiên đã xuất hiện tình trạng lướt sóng và không thể quên trạng thái đã xảy ra khi “vượt qua đỉnh” sẽ là xuống sâu (như từ 49 triệu xuống 35 triệu đồng/lượng).

"Đô" tăng thấp, khó có cơ bật

Giá USD đã cơ bản ổn định trong thời kỳ từ 2012 đến nay (bình quân thời kỳ 2011-2019 chỉ tăng trên 1,6%/năm và 4 tháng 2020 chỉ tăng 1,47%), tức là đếu thấp hơn định hướng tăng (2%) của Ngân hàng nhà nước. Nguyên nhân chủ yếu do lượng ngoại tệ đạt quy mô khá từ các nguồn: FDI thực hiện (từ 2008 đến 2019 đã vượt qua mốc 10 tỷ USD, bình quân 1 năm đạt gần 13,74 tỷ USD); xuất siêu 4 năm liền và có khả năng xuất siêu năm thứ 5 liên tiếp; lượng kiều hối từ năm 2012 đến 2019 đã vượt qua mốc 10 tỷ USD, khoảng 6% GDP; xuất khẩu dịch vụ du lịch 2018- 2019 vượt qua mốc 10 tỷ USD, nếu trừ đi phần nhập khẩu dịch vụ du lịch vẫn còn chênh lệch 4-5 tỷ USD; đầu tư giá tiến đến nay đã đạt gần 20 tỷ USD,… Việc điều hành tỷ giá đã có sự thay đổi về phương thức, chuyển từ 6 tháng 1 lần (có tính chất “giật cục") sang xác định tỷ giá trung tâm, vừa linh hoạt theo thị trường, vừa ngăn chặn đầu cơ “đón lõng”, lãi suất tiền gửi ngoại tệ ở mức 0%, thấp xa so với lãi suất tiền gửi nội tệ. Dự trữ ngoại hối hiện ở mức vượt qua 3 tháng nhập khẩu- ranh giới an toàn theo thông lệ quốc tế. Tâm lý găm giữ ngoại tệ cũng đã giảm. Lòng tin đối với VND cơ bản bảo đảm,… Tuy tốc độ tăng tỷ giá USD trong những tháng tới có thể cao lên do nhiều đối tác thương mại lớn phá giá mạnh đồng nội tệ, lượng tiền tung ra thị trường của nhiều nước còn lớn hơn trong khủng hoảng 2008-2009, tỷ giá thương mại 3 tháng đầu năm đã chuyển sang dấu âm (có lợi cho nhập khẩu hơn là xuất khẩu),…, nhưng khả năng đến cuối năm cũng khó vượt qua mốc 2500 VND/USD.

Cả năm "đánh bắt" chứng khoán, vẫn nguy cơ về vạch xuất phát

VN-Index sau 4 năm tăng, bước sang năm 2020 đã giảm khá sâu và cả năm cũng sẽ giảm do tác động của dịch Covid-19, tác động của thị trường chứng khoán thế giới,… Mặc dù từ nay đến cuối năm, khi mặt trận thứ nhất được kiểm soát, mặt trận thứ hai được khởi động và đẩy mạnh, thì VN-Index sẽ tăng lên, tuy nhiên so với cuối năm trước vẫn còn bị giảm. Nếu biết lựa chọn các mã (sẽ bùng lên sau dịch) và có kỹ thuật đầu tư tốt (biết chọn “đỉnh” và “đáy” theo chu kỳ tăng lên hay giảm xuống), thì vẫn có lãi; nhưng nếu không có những cái đó thì sẽ giống như chuyện “ông lão đánh cá và con cá vàng” sẽ “trở về với cái máng lợn”.

Tiềm tàng bất động sản  

Bất động sản nhìn tổng quát có 2 điểm đáng lưu ý. Điểm thứ nhất là về lâu dài vẫn là kênh đầu tư có hiệu quả, bởi “người đẻ nhưng đất không đẻ” (dân số Việt Nam hàng năm vẫn tăng khoảng 1 triệu người, nhu cầu tách hộ, nhu cầu về diện tích bình quân đầu người tăng,…, trong khi diện tích đất cửa sông, cửa biển trước đây tăng, nhưng từ mấy năm nay lại giảm, chưa nói tới diện tích đất dành cho xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình công cộng, phát triển kinh tế hàng năm chiếm tỷ trọng không nhỏ. Điểm thứ hai, giá đất ở những nơi có công trình mới, những địa bàn hình thành hoặc mở rộng thị trấn, thị xã, thành phố, khu dân cư, khu công nghiệp vẫn tăng. Giá bất động sản từ mấy chục năm qua đã qua 3-4 cơn sốt (giá tăng không chỉ tính bằng phần trăm, mà tính bằng lần, bằng chục lần; nhiều người trở thành đại gia cũng bắt đầu hoặc chủ yếu từ đầu tư vào bất động sản), mỗi cơn sốt cách nhau 7-8 năm. Từ vài năm nay, do cung tăng cao, vừa qua lại thêm tác động của dịch Covid-19, nợ bất động sản cao, nên giá tăng chậm lại, có nơi, có khâu bị giảm. Tới đây, nếu mặt trận thứ hai khởi động mạnh, khởi nghiệp trở lại tốc độ tăng như vài năm trước; việc chuyển dịch đầu tư chuyển dịch cơ sở sản xuất của nhiều nước tới Việt Nam, thì nhu cầu mặt bằng sẽ tăng lên,…, sẽ kéo giá bất động sản tăng lên. Tuy nhiên, đầu tư vào lĩnh vực này cần có vốn lớn, tính thanh khoản thấp,…, nên đầu tư không dễ.

Tạm trú tiết kiệm chờ thời ?

Gửi tiết kiệm chắc chắn có lãi suất danh nghĩa. Trong mấy năm nay lãi suất cao hơn CPI nên có lãi suất thực, do vậy ít bị rủi ro như các kênh đầu tư khác. Gần đây nhiều ngân hàng thương mại để bảo đảm tính thanh khoản nên đã tăng lãi suất huy động lên mức khá cao. Tuy nhiên, có người không coi đây là kênh đầu tư, bởi chỉ dành cho những người ít tiền, không biết đầu tư hoặc sợ rủi ro, để dành theo kiểu “tích cốc phòng cơ”; nhà đầu tư còn phải vay với lãi suất cao hơn nhiều, nếu có gửi vào ngân hàng cũng chỉ là “tạm trú” chờ cơ hội đầu tư,…
Như vậy, hiện nay kênh có tỷ suất lợi nhuận cao nhất là vàng, tiềm tàng là bất động sản, an toàn tuy lãi suất thấp nhưng có lãi thực là gửi tiết kiệm, chứng khoán giữ mức đã đầu tư hoặc chọn mã, chọn kỹ thuật đầu tư thì vẫn có lãi…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.