Lợi nhuận của thanh long rất lớn nên doanh nghiệp không chú trọng lợi ích cộng đồng

21/02/2022 20:53 GMT+7

Ngày 21.2, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã về Bình Thuận chỉ đạo hội nghị bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn và định hướng chiến lược tiêu thụ trái thanh long.

Báo cáo với Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tuấn Phong kiến nghị Bộ NN-PTNT sớm cập nhật các quy định, chính sách của phía Trung Quốc xung quanh việc nhập khẩu trái cây để các doanh nghiệp nắm bắt, nhằm chủ động trong kế hoạch xuất khẩu của mình.

Ông Phong còn kiến nghị Bộ NN-PTNT hỗ trợ Bình Thuận trong việc xuất khẩu chính ngạch trái thanh long đồng thời, kêu gọi các nhà đầu tư tiềm lực đến Bình Thuận tham gia vào quá trình sản xuất, chế biến các sản phẩm từ thanh long để nâng giá trị hàng hóa cho sản phẩm này.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì hội nghị về tình hình sản xuất và tiêu thụ thanh long tại Bình Thuận

CHÂU TUẤN

Cũng tại hội nghị, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho biết, năm 2021 cả nước có khoảng 64.700 ha thanh long; sản lượng gần 1,4 triệu tấn; tập trung chủ yếu ở Bình Thuận, Long An và Tiền Giang. Năm 2019, giá trị xuất khẩu thanh long đạt cao nhất với gần 1,25 tỉ USD và Trung Quốc là thị trường tiêu thụ thanh long chủ yếu.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan thăm vườn thanh long ở Bình Thuận chiều 21.2

sở nn-ptnt

Chỉ chú trọng lợi nhuận mà không chú trọng lợi ích cộng đồng

Tiến sĩ Trần Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Tư vấn kinh tế hợp tác Trường Cán bộ Quản lý NN-PTNT (Bộ NN-PTNT) cho rằng, cái căn cơ nhất ở các vùng trồng thanh long chưa làm được, đó là phát triển kinh tế tập thể. Phát triển HTX ở những vùng trồng thanh long rất khó làm so với những mô hình khác. "Lợi nhuận của thanh long rất lớn, tư duy của những người làm trong HTX vùng trồng thanh long là tư duy của doanh nghiệp, chỉ chú trọng ở mảng lợi nhuận, chứ không chú trọng tới lợi ích cho cộng đồng. Làm theo kiểu "mạnh ai nấy lo, thân ai nấy lo" nên khi gặp rủi ro về thị trường là ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển chung", ông Hải nói.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng Bình Thuận là vùng nhiều lợi thế để phát triển các sản phẩm nông nghiệp, chứ không riêng chỉ có trái thanh long.

“Tư duy của chúng ta là tư duy một đầu sản xuất. Chúng ta không quan tâm đầu thị trường, mà đầu thị trường mới quyết định đầu sản xuất”, ông Hoan nói.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan thăm vườn nho công nghệ cao ở trang trại Bình An, H.Hàm Thuận Nam

SỞ NN-PTNT

Phải thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp

Về tái cấu trúc lại sản xuất, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng : “Phải thay đổi cách tiếp cận từ một chiều sang hai chiều. Sản xuất của chúng ta mù mờ, không thể biết bao nhiêu người sản xuất thanh long, áng chừng là chủ yếu. Về thị trường thì càng mù mờ hơn nữa. Do đó, chúng ta phải kiểm soát được sản xuất, nếu không được thì coi như thất bại. Chúng ta phải nắm được bao nhiêu người, bao nhiêu tổ chức sản xuất, để đưa họ vào một tổ chức, một hình thức sản xuất tập thể nào đó như HTX…Tái cơ cấu nông nghiệp hiện nay, suy cho cùng là cuộc cách mạng về tổ chức sản xuất trước”.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan thông tin thêm, hiện nay phía Trung Quốc đã trồng thanh long tương ứng với diện tích của nước ta, nhưng nhờ có các giải pháp về kỹ thuật sinh học nên sản lượng của họ cao hơn nước ta.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan xem một số sản phẩm chế biến từ thanh long do Sở NN-PTNT Bình Thuận giới thiệu

SỞ NN-PTNT

Bộ trưởng cho rằng, muốn cây thanh long phát triển bền vững, thì các địa phương phải bắt đầu tổ chức lại sản xuất, quản lý người sản xuất, bởi suy cho cùng “người sản xuất là người đầu tiên bắt đầu cho chuỗi ngành hàng”.

“Phải bắt đầu từ cấp xã, phải hiểu rõ từng thị trường, đối tác và đối tượng cạnh tranh. Tránh tình trạng sản xuất theo kiểu manh mún, nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm, làm tự phát; từng bước nâng cao giá trị trái thanh long và cũng phải thay đổi dần tư duy từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch vì đây là xu thế chung, tất yếu”- ông Hoan nhấn mạnh.

Ngoài thanh long, ông Hoan cho rằng chúng ta còn nhiều sản phẩm nông sản khác cũng nằm trong thách thức vô cùng lớn từ thị trường bên ngoài, và cả những thách thức bên trong. Các địa phương, các ngành hàng cần xây dựng hệ sinh thái riêng trên từng ngành hàng, từng loại nông sản. “Có như vậy, trái thanh long của chúng ta mới đứng vững vàng hơn trước mọi bão tố”.

Chiều nay, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã đến thăm một số cơ sở nông nghiệp công nghệ cao, thăm vườn thanh long và thăm một số điểm đóng gói thanh long xuất khẩu thuộc H.Hàm Thuận Nam (Bình Thuận).

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Bình Thuận, hiện nay tỉnh này có diện tích gần 34.000 ha thanh long với sản lượng khoảng 700.000 tấn/năm, trong đó có khoảng 35% diện tích đạt tiêu chuẩn VietGAP. Thời gian qua, giá thanh long giảm sâu, khó tiêu thụ khiến cho khoảng 30.000 hộ nông dân trồng thanh long gặp khó khăn. Hiện nay giá thanh long (hàng chạy điện) trung bình chỉ từ 3-5.000 đồng/kg. Thanh long Bình Thuận chủ yếu vẫn là bán sang thị trường Trung Quốc bằng hình thức xuất khẩu tiểu ngạch mậu biên ở các cửa khẩu giáp với Trung Quốc. Liên tục trong thời gian gần đây, các cửa khẩu giáp Trung Quốc bị ngừng thông quan do chính sách “zero Covid-19” khiến hàng trăm xe thanh long bị mắc kẹt ở biên giới phía bắc từ trước tết Nguyên đán.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.