Lợi nhuận “khủng”
Công ty CP đại lý liên hiệp vận chuyển Gemadept (GMD) đã có thông báo nêu rõ năm 2008, GMD Vũng Tàu (công ty con của Gemadept) đã góp vốn thành lập liên doanh Gemanlink để xây dựng và vận hành cảng container Cái Mép. Số vốn góp bằng quyền sử dụng 72 ha đất tại Cái Mép được định giá là 39,5 triệu USD. Khoản chênh lệch đã được hạch toán vào GMD Vũng Tàu năm 2008 và năm nay, GMD sẽ hợp nhất để hạch toán vào lợi nhuận với số tiền khoảng 450 tỉ đồng (GMD sở hữu 70% vốn điều lệ của GMD Vũng Tàu). Theo các công ty chứng khoán, khoản lợi nhuận tăng thêm khá lớn này sẽ khiến lợi nhuận cả năm 2009 của GMD lên hơn 656 tỉ đồng. Tương tự, Công ty CP Kinh Đô (KDC) cũng vừa xác nhận đánh giá lại quyền sử dụng khu đất tại số 6/134 quốc lộ 13, Thủ Đức (TP.HCM) để góp vốn với đối tác khác triển khai dự án bất động sản ngay tại đấy. Lợi nhuận từ việc đánh giá lại tài sản này được hạch toán chi tiết vào báo cáo tài chính quý 3/2009 là 251 tỉ đồng. Điều này đã mang lại cho KDC tổng lợi nhuận trước thuế quý 3 năm nay lên đến 402 tỉ đồng (tăng 470% so với cùng kỳ năm 2008).
Trên các diễn đàn về chứng khoán cũng đang râm ran chuyện Công ty CP hợp tác kinh tế và XNK Savimex (SAV) có thể sẽ thực hiện đánh giá lại nhiều khu đất mà công ty này đang sở hữu. Đặc biệt có thông tin cho rằng dự án đất tại quận 7 (TP.HCM) của SAV với chi phí bồi thường để giải tỏa chỉ có 1 triệu đồng/m2 thì nay, giá thị trường của khu đất này có thể đạt 17 triệu đồng/m2... Những khoản lợi nhuận "khủng" của GMD, KDC hay sắp tới của SAV đã khiến các NĐT chạy đua mua CP, đẩy giá CP các công ty này tăng ngất ngưởng. GMD từ 80.000 đồng/CP vào đầu tháng 9 đã tăng đến mức cao 105.000 đồng/CP vào cuối tháng 9 và hiện vẫn đang xoay quanh mức này. Cùng thời gian trên, KDC từ 70.000 đồng/CP đã tăng lên mức 95.000 đồng/CP. Trong khi đó, dù chưa có xác nhận chính thức nhưng giá SAV cũng đã tăng lên từ 30.000 đồng/CP lên mức cao nhất trong tháng 10 là 54.000 đồng/CP vào cùng thời gian trên...
Thật hay ảo?
Theo Thông tư 130/2008/TT-BTC ngày 26.12.2008 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), từ ngày 1.1.2009 tất cả các khoản chênh lệch đánh giá lại tài sản để góp vốn liên doanh liên kết phải được hạch toán vào thu nhập khác và đóng thuế một lần hoặc nhiều lần tùy vào mục đích sử dụng. Như vậy với mức thuế TNDN là 25% thì khoản lợi nhuận từ định giá lại là 450 tỉ đồng của GMD sẽ phải đóng thuế khoảng 112 tỉ đồng (dù chưa rõ GMD phải đóng thuế hay GMD Vũng Tàu đóng nhưng số thuế phải nộp cũng không nhỏ); KDC sẽ đóng thuế cho lợi nhuận khoảng 200 tỉ đồng là 50 tỉ đồng. Thời gian nộp thuế diễn ra một lần hay được phân bổ nhiều lần trong nhiều năm còn tùy thuộc vào mục đích và thời gian triển khai nguồn vốn góp này. Hiện đang có nhiều ý kiến cho rằng nên ghi nhận tăng nguồn vốn của chủ sở hữu. Thế nhưng, theo một chuyên gia tài chính tại TP.HCM, trong khi vẫn chưa có văn bản chính thức nào cho phép sửa đổi nguyên tắc kế toán thì khoản thu nhập từ định giá lại tài sản trên là thu nhập phải chịu thuế. "Các khoản vốn góp này phải có thời gian vài năm sau mới tạo ra lợi nhuận cho công ty. Rõ ràng lợi nhuận thu về không thực vì chỉ ghi nhận trên sổ sách trong khi tiền đóng thuế là tiền thật phải bỏ ra. Cổ đông sẽ là người chịu thiệt ngay trong hiện tại khi lợi nhuận sau thuế bị giảm mạnh", vị chuyên gia này nói.
Trong thời gian tới, việc liên doanh liên kết giữa các công ty trong nước với nhau hoặc giữa công ty trong nước với đối tác nước ngoài được dự báo ngày càng nhiều. Hình thức góp vốn phổ biến là một DN trong nước góp bằng quyền sử dụng đất, nhà xưởng,... vào liên doanh đó. Vì vậy sẽ còn có nhiều khoản lợi nhuận "khủng" được tạo ra như trên nhưng thực tế là chưa có. Khác với việc DN đem tài sản đó đi bán đứt và thu về tiền “tươi” thì lợi nhuận sẽ tăng lên rõ ràng.
Không phủ nhận việc định giá lại tài sản để góp vốn vào các hoạt động liên doanh liên kết sẽ tạo ra giá trị lâu dài cho công ty. Nhưng NĐT phải có phân tích chính xác, không nên chạy theo để mua vào CP bằng mọi giá.
Mai Phương
Bình luận (0)