Lợi nhuận ngân hàng sụt giảm

20/06/2020 06:23 GMT+7

Lợi nhuận của ngân hàng trong 5 tháng đầu năm đã không đạt như kỳ vọng và dự báo sẽ sụt giảm do những ảnh hưởng từ dịch Covid -19.

"Ông lớn" cũng không đạt kế hoạch

Kết thúc 5 tháng đầu năm, lợi nhuận Vietcombank đạt khoảng 9.100 tỉ đồng, đạt 40% so với kế hoạch. VPBank dự kiến lợi nhuận trước thuế 5 tháng đạt 5.100 tỉ đồng, tương đương 50% kế hoạch cả năm 2020. Lợi nhuận 5 tháng đầu năm của ACB là 3.500 tỉ đồng, ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ACB cho hay khả năng 6 tháng đầu năm sẽ đạt 50% kế hoạch đề ra, dự kiến mức lợi nhuận trước thuế năm 2020 khoảng 7.600 tỉ đồng.
HDBank dự kiến hết tháng 6, lợi nhuận riêng lẻ ước trên 2.300 tỉ đồng, đạt 50% kế hoạch năm. SHB lãi trước thuế hơn 1.300 tỉ đồng sau 5 tháng, hoàn thành 40% kế hoạch năm. Năm 2020, SHB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế là 3.268 tỉ đồng, tăng 8% so với năm 2019.
Một số ngân hàng (NH) thấy được những khó khăn trong hoạt động năm 2020 nên đã tự điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch. Chẳng hạn, Eximbank giảm mạnh 40% lợi nhuận so với kế hoạch ban đầu và dự kiến đạt 1.318 tỉ đồng năm nay, trong khi dự kiến lợi nhuận quý 2 giảm một nửa so với quý 1 (quý 1 khoảng 457 tỉ đồng).
Dù lợi nhuận trước thuế Sacombank 5 tháng hoàn thành 50% kế hoạch đề ra, đạt 1.303 tỉ đồng, nhưng nhà băng này đã điều chỉnh giảm mức lợi nhuận 20% so với năm 2019, còn 2.573 tỉ đồng. Riêng VietinBank đã “bỏ ngỏ” chỉ tiêu lợi nhuận trong tờ trình kế hoạch kinh doanh năm 2020 trước các cổ đông tại kỳ đại hội đồng cổ đông thường niên vừa qua. Nhà băng này đưa ra lý giải phần lợi nhuận “bảo đảm hiệu quả kinh doanh và cải thiện hoạt động kinh doanh, tiếp tục bám sát diễn biến và tác động của dịch Covid-19 và trên cơ sở phê duyệt của các cấp có thẩm quyền”. Kết thúc quý 1, lợi nhuận thuần từ kinh doanh của VietinBank giảm 60% khi NH thực hiện trích lập dự phòng rủi ro tăng 36%, lên gần 4.393 tỉ đồng, dẫn đến lợi nhuận trước thuế chỉ còn hơn 2.974 tỉ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ.

Tín dụng tăng chậm, ngân hàng tăng cường trích lập rủi ro

Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank, cho biết NH thực hiện điều chỉnh giảm lợi nhuận năm nay, còn khoảng 20.000 tỉ đồng thay vì con số 23.000 tỉ đồng đạt được vào năm 2019 và thấp hơn con số dự kiến đầu năm đưa ra ở mức 26.600 tỉ đồng. Trong 5 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng của NH chỉ đạt khoảng 3% và dự kiến cả năm vào khoảng 10%, thấp hơn mức dự kiến ban đầu đưa ra là 14%. Tốc độ tăng trưởng tín dụng chậm do tình hình các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh còn khó khăn, do đó Vietcombank tăng cường trích lập dự phòng rủi ro lên 250% khi có nhận định chất lượng tín dụng sẽ bị ảnh hưởng năm nay.
Ngoài ra, từ ngày 15.4 - 30.6, Vietcombank đã hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19, giảm lãi với số tiền 2.240 tỉ đồng. Với thanh khoản trên thị trường khá dồi dào, ông Nghiêm Xuân Thành cho hay lãi suất huy động tiền đồng trên thị trường sẽ còn tiếp tục giảm để có cơ hội giảm lãi suất cho vay.
Sở dĩ Sacombank đặt mục tiêu lợi nhuận 2020 giảm 20% so với năm trước, theo bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank, do phải tính toán tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp và cũng đang giảm mạnh lãi suất để hỗ trợ khách hàng, tái cơ cấu nợ cho khách hàng.
Ngoài ra, NH cũng sẽ phải tăng cường trích lập dự phòng rủi ro xử lý nợ xấu. NH cũng đã trích lập dự phòng được 1.700 tỉ đồng để xử lý nợ xấu. Lý do khiến Eximbank điều chỉnh giảm lợi nhuận ở mức sâu, theo ông Nguyễn Cảnh Vinh, quyền Tổng giám đốc Eximbank, NH đã tái cơ cấu được khoảng 6% trên tổng dư nợ cho vay nên khoản lãi dự thu cũng không được thu hồi. Lợi nhuận quý 2 của NH dự kiến chỉ bằng một nửa của quý 1. Đó là lý do khiến Eximbank điều chỉnh giảm lợi nhuận năm 2020 xuống 40% so với năm 2019, còn 1.318 tỉ đồng.

Lợi nhuận bằng năm ngoái đã là tốt

Trước thực trạng lợi nhuận 6 tháng đầu năm của các NH đạt 40 - 50% kế hoạch, ông Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, dự báo khả năng các NH trong năm 2020 sẽ khó đạt được kế hoạch đề ra, tăng 10% so với năm 2019.
Đơn giản là tính đến thời điểm này, tăng trưởng tín dụng NH thấp, khoảng 2% mà lợi nhuận NH chủ yếu dựa vào tín dụng, chiếm khoảng 70 - 80% tổng lợi nhuận. Tín dụng tăng thì lợi nhuận mới tăng được. Phần ảnh hưởng đến lợi nhuận NH còn đến từ phí dịch vụ giảm, lãi suất cho vay giảm.
Năm 2019, tăng trưởng tín dụng của ngành NH vào khoảng 12,5%, dự báo của ông Lê Xuân Nghĩa năm 2020 tín dụng ở khoảng 9%, như vậy những NH nào tiết giảm được chi phí thì lợi nhuận bằng năm ngoái là đã tốt.
Đó là chưa kể trước những diễn biến phức tạp, khách hàng gặp khó khăn trong những tháng cuối năm, NH phải tăng cường trích lập dự phòng rủi ro sẽ làm cho lợi nhuận còn sụt giảm hơn. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.