Lợi nhuận tăng vọt nhưng số doanh nghiệp FDI báo lỗ cũng tăng

08/01/2023 09:09 GMT+7

Năm 2021, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của khối doanh nghiệp FDI ở Việt Nam tăng trưởng mạnh, lợi nhuận sau thuế là 83.585 tỉ đồng, tăng gần 30% so với năm 2020.

Báo cáo tình hình tài chính và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp FDI năm 2021 vừa được Bộ Tài chính gửi Thủ tướng Chính phủ cho thấy, trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh, tình hình tài chính của khối doanh nghiệp FDI vẫn có sự tăng trưởng đáng nể.

Doanh nghiệp FDI đạt lợi nhuận tăng vọt dù trong giai đoạn dịch bệnh

t.n

Trong đó, tài sản tăng hơn 13% so với năm trước, vốn đầu tư của chủ sở hữu tăng 12,3%, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tăng 8,8%, đạt gần 944.500 tỉ đồng.

Đáng lưu ý, doanh thu của khu vực doanh nghiệp FDI năm 2021 tăng đến 19,3% so với năm 2020, đạt 8.567.847 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng đến 29,6%, đạt 83.585 tỉ đồng. Từ đó, số nộp ngân sách nhà nước của khu vực này cũng có sự tăng trưởng, từ 164.339 tỉ đồng năm 2020 lên 179.630 tỉ đồng năm 2021.

Theo Bộ Tài chính, 5 lĩnh vực đầu tư của doanh nghiệp FDI có quy mô tăng trưởng lớn nhất trong năm 2021 là: công nghiệp chế biến, chế tạo; tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí; bán buôn và bán lẻ và vận tải kho bãi. Trong đó, tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp lĩnh vực vận tải kho bãi dẫn đầu là gần 35%; các hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ là 30,6%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 23,8%.

Đáng lưu ý, tuy nhiều doanh nghiệp báo lãi sau thuế tăng, nhưng theo Bộ Tài chính, số doanh nghiệp FDI báo lỗ, lỗ lũy kế, lỗ mất vốn chủ sở hữu trong khu vực doanh nghiệp FDI vẫn có chiều hướng tăng.

Năm 2021, số doanh nghiệp FDI báo lỗ là 14.293 doanh nghiệp (chiếm 55%), tăng 11% so với năm 2020 với giá trị là 168.334 tỉ đồng. Số doanh nghiệp lỗ lũy kế là 16.258 doanh nghiệp (chiếm 62%), tăng 8% so với năm 2020 với giá trị là 706.146 tỉ đồng. Số doanh nghiệp lỗ mất vốn chủ sở hữu là 4.402 doanh nghiệp (chiếm 17%), tăng 15% so với năm 2020 với giá trị là 162.233 tỉ đồng.

Bộ Tài chính nhận xét, tỷ trọng doanh nghiệp lỗ, lỗ lũy kế lớn hơn doanh nghiệp báo lãi và có tốc độ tăng khá cao so với năm 2020 cho thấy việc sử dụng tài sản, vốn đầu tư của một bộ phận lớn các doanh nghiệp FDI chưa đạt hiệu quả và chưa phát huy được tiềm lực của mình. Như vậy, cần phải thu hút có chọn lọc, đánh giá hiệu quả đầu tư để nâng cao chất lượng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.